Chuyên gia công nghệ sinh học Đinh Duy Kháng:

Vi khuẩn trong pate Minh Chay có thể trở thành vũ khí chết người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Clostridium botulinum được phát hiện trong pate Minh Chay là loại vi khuẩn hiếm gặp, ít được nhắc đến do điều kiện nhân lên rất khó. Tuy nhiên, độc tố do vi khuẩn này xếp hàng đầu trong những “vũ khí sinh học” đáng sợ nhất thế giới.
GS.TS. Đinh Duy Kháng nhận định Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm.
GS.TS. Đinh Duy Kháng nhận định Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm.

Đây là những đánh giá của PGS.TS. Đinh Duy Kháng – nguyên Trưởng phòng Vi sinh phân tử, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - khi trao đổi riêng với VietTimes về loại vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt trong sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, đang gây xôn xao dư luận.

Người dùng không thể phát hiện

-  Thưa ông! Kết quả kiểm nghiệm đã chỉ ra Clostridium botulinum (C. botulinum) được phát hiện trong pate Minh chay là loại vi khuẩn cực độc. Là một nhà khoa học chuyên về công nghệ sinh học, ông có thể cho biết những đặc điểm và độc lực của loại vi khuẩn này?

PGS.TS. Đinh Duy Kháng: Đây là loại vi khuẩn gram dương, sinh bào tử phình thuộc chi Clostridium, cùng họ với Clostridium tetani (trực khuẩn uốn ván). Điểm chung của hai loại vi khuẩn này là tồn tại trong môi trường dưới dạng bào tử, chỉ sinh sôi trong điều kiện kị khí bắt buộc.

Bản thân các vi khuẩn và bào tử không gây bệnh trực tiếp, tuy nhiên trong quá trình sinh sôi, gặp điều kiện và dinh dưỡng thuận lợi sẽ sản sinh ra độc tố thần kinh. Trong khi độc tố do trực khuẩn uốn ván C.tetani tạo ra độc tố thần kinh gây hiện tượng co rút cơ thì C. botulinum gây ra độc tố neurotoxin botulinum, gây tê liệt. Loại độc này tác động trực tiếp lên các xi náp dẫn truyền xung thần kinh, gây hiện tượng giảm thị lực, sụp mí, liệt toàn thân, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.

Theo các nghiên cứu, neurotoxin botulinum là chất độc sinh học, gây tử vong cao gấp 10.000 lần so với asen hay kali xyanua. Chỉ với lượng nhỏ - khoảng 1-2 nanogam/kg khối lượng cơ thể - neurotoxin botulinum có thể gây tử vong.

Hiện tại, đâu là phương pháp chủ yếu để phát hiện và giải độc tố đối với loại vi khuẩn này, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Duy Kháng: Phương pháp phát hiện độc tố neurotoxin botulinum hiện nay chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, vì vậy khả năng người dùng tự phát hiện bằng mắt thường là điều không thể. Một số quốc gia như Mỹ và châu Âu đã xuất hiện những bộ que thử nhanh phát hiện độc tố neurotoxin botulinum, tuy nhiên, công cụ này chưa phổ biến tại Việt Nam.

Đối với điều trị cho người nhiễm độc neurotoxin botulinum, sử dụng huyết thanh chứa kháng thể kháng độc tố là biện pháp phổ biến nhất. Về mặt nguyên lý, các nhà khoa học tạo ra các giải độc tố (botulinum toxoid) và tiêm vào cơ thể động vật hoặc người tình nguyện. Nhờ tính sinh miễn dịch, tạo ra kháng thể để giải độc tố, huyết tương lấy lại từ người tình nguyện hoặc kháng thể tinh chế sẽ được sử dụng làm thuốc điều trị cho những bệnh nhân nhiễm độc.

Nhiều người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay (Ảnh: Cục ATVSTP)
Nhiều người bị ngộ độc botulinum sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay (Ảnh: Cục ATVSTP)

Thận trọng khi sử dụng thức ăn đóng hộp

Đối với bào tử vi khuẩn C. botulinum, theo ông có cách nào để ngăn chặn sự xâm nhập và sinh sôi của vi khuẩn trong quá trình sản xuất thực phẩm? Chất ức chế vi khuẩn có nên được sử dụng trong thực phẩm chế biến sẵn hay không, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Duy Kháng: Ở điều kiện bất lợi ngoài môi trường không khí, vi khuẩn C. botulinum tồn tại rất bền dưới dạng bào tử và hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, chỉ cần gặp đúng môi trường yếm khí như thịt hộp, thực phẩm đóng gói hút chân không, vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh và tạo ra độc tố. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, chỉ cần sơ ý để lọt một vài bào tử vi khuẩn, thức ăn sẽ bị nhiễm độc sau khi đóng gói.

Đối với việc sử dụng chất ức chế vi khuẩn trong chế biến thực phẩm, tôi cho rằng không nên dùng. Bởi mỗi loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm lại có chất ức chế khác nhau, nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dùng.

Để tránh những nguy cơ nhiễm độc tiềm ẩn, các nhà máy cần đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn bộ dây chuyền sản xuất phải đảm bảo khử trùng tuyệt đối; môi trường xung quanh nhà máy cũng cần vệ sinh thường xuyên, tránh sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần có biện pháp thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhằm đảm bảo đủ điều kiện an toàn.

-  Đứng dưới góc độ chuyên gia, ông có khuyến cáo gì đối với người dân khi sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn?

PGS.TS. Đinh Duy Kháng: Đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân cần có ý thức, chủ động bảo vệ mình và gia đình. Tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bởi hầu hết độc tố vi khuẩn sẽ mất hoặc giảm độc lực sau khi đun sôi. Bên cạnh đó, người dùng cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn đóng hộp ngoài thị trường.

Xin cảm ơn PGS!