Đó là ý kiến của TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng diễn ra tại Bộ Y tế sáng nay, 11/5. Buổi lễ nhằm tôn vinh những cống hiến của các điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe.
“Điều dưỡng của chúng ta - Tương lai của chúng ta” là chủ đề của Ngày Điều dưỡng Quốc tế năm nay, để nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, bà Elizabeth Iro - Giám đốc Điều dưỡng của WHO - đã khẳng định: “Điều dưỡng là những anh hùng trên tiền tuyến, cứu sống mạng người trong thời kỳ COVID-19”.
Theo TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - thực tế, điều dưỡng đóng một vai trò không thể thiếu trong chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Họ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh khi bệnh nhân đến bệnh viện và có trách nhiệm chăm sóc, theo dõi và phối hợp thực hiện điều trị cho bệnh nhân trong suốt quá trình nằm viện. Điều dưỡng cũng là nhân viên y tế cuối cùng tiếp xúc với người bệnh trước khi họ xuất viện để hướng dẫn, tư vấn giáo dục sức khỏe, dặn dò người bệnh những điều cần thiết sau khi ra viện vv…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn biểu dương những đóng góp quan trọng của đội ngũ điều dưỡng trong xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến thông qua việc đổi mới mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, điều dưỡng đã có những đóng góp rất hiệu quả trong việc từng bước đẩy lùi bệnh dịch.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thuấn cũng nhấn mạnh: Công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhận thức về nghề điều dưỡng chưa đúng, chưa coi điều dưỡng là nghề độc lập, mà chỉ là người làm theo y lệnh của bác sỹ. Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp.
TS. Vương Ánh Dương cho biết thêm: Để mang lại lợi ích cho nghề điều dưỡng, cũng chính là lợi ích của cả hệ thống y tế nhằm góp phần giải quyết những thách thức về sức khỏe toàn cầu, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã nhấn mạnh các hoạt động chính thiết yếu: Hãy Tôn trọng đãi ngộ tương xứng với những đóng góp của điều dưỡng đối với người bệnh và cộng đồng; Bảo vệ điều dưỡng vì họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại; Đầu tư cho công tác điều dưỡng từ cải thiện chính sách nghề nghiệp, đào tạo, đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động điều dưỡng và hãy nhìn nhận, đánh giá đúng Giá trị và vị thế của nghề điều dưỡng.
TS. Angela Pratt cũng cho hay, mới đây, WHO đã xuất bản Định hướng Chiến lược Toàn cầu cho Điều dưỡng và Hộ sinh giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định bốn định hướng chiến lược:
- Giáo dục – đào tạo đủ điều dưỡng và hộ sinh có năng lực cần thiết để đáp ứng các nhu cầu sức khỏe.
- Việc làm – đầu tư vào việc tạo việc làm, tuyển dụng và giữ chân điều dưỡng và hộ sinh một cách hiệu quả, đặc biệt là ở những khu vực cần thiết nhất, và quản lý việc di cư.
- Lãnh đạo – trao vai trò lãnh đạo, tăng tỷ lệ điều dưỡng và hộ sinh tại các vị trí học thuật và y tế cấp cao, phát triển thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
- Cung cấp dịch vụ – đảm bảo điều kiện cho các điều dưỡng và hộ sinh thực hiện công việc đã được đào tạo và huấn luyện một cách tối đa trong một môi trường cung cấp dịch vụ an toàn và hỗ trợ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu