LS khẳng định:

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự vụ pate Minh Chay chứa chất độc “khét tiếng” botulinum

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ pate Minh Chay chứa chất độc “khét tiếng” botulinum khiến nhiều người nhập viện nguy kịch, luật sư Bùi Quốc Tuấn khẳng định cá nhân, tổ chức gây ngộ độc phải đền bù toàn bộ, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi về trách nhiệm của DN khi có nhiều khách hàng ngộ độc (Ảnh: HB)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi về trách nhiệm của DN khi có nhiều khách hàng ngộ độc (Ảnh: HB)

Trao đổi với VietTimes, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định doanh nghiệp không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc pate Minh Chay chứa chất độc “khét tiếng” botulinum, khiến nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe.

Không thể chối bỏ trách nhiệm với thực phẩm “bẩn”

Phóng viên: Thưa luật sư, vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc khiến nhiều người trong cả nước phải nhập viện những ngày gần đây đang gây xôn xao dư luận. Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội) đã bị phạt hành chính và đang lên kế hoạch thu hồi sản phẩm. Nếu kế hoạch này chậm trễ gây tác hại đến sức khỏe nhiều người, xin ông cho biết trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu?  

LS Bùi Quốc Tuấn: Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, vượt quá nồng độ chất bảo quản, chất phụ gia cho phép.

Việc ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc. Ngộ độc thực phẩm mức độ nhẹ, nạn nhân có thể khỏe hơn sau vài ngày, hoặc vài tháng điều trị, tuy nhiên cũng có trường hợp gây nguy hại tới sức khỏe lâu dài.

Thực phẩm “bẩn” là một vấn nạn lâu nay, luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng con người. Trong đó, những nguyên nhân quan trọng thường được chỉ ra là khâu sản xuất, mua bán tiêu dùng nhỏ lẻ, trong khi không ít người sản xuất - kinh doanh lại ích kỷ, tham lam, chỉ chú trọng lợi nhuận chứ không phải sức khỏe người tiêu dùng.

Luật quy định tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các quyền sau đây: Quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp; quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn; Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy; Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo quy định của pháp luật; …(Điều 7 của Luật An toàn thực phẩm).

Chất độc “khét tiếng” botulinum có trong pate Minh Chay được hình thành bởi virus C. botulinum, tấn công vào hệ thần kinh khiến con người bị tê liệt, phải điều trị một thời gian dài, thậm chí có thể phải chịu thương tật cả đời, hoặc dẫn tới hậu quả xấu nhất là tử vong. Dù nói cách gì thì Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, đơn vị sản xuất thực phẩm “bẩn” đó buộc phải thu hồi sản phẩm, trả lại tiền cho người mua hàng. Nhưng với những bệnh cảnh cực kỳ nguy hiểm thì như thế đã đủ chưa?

Sản phẩm Pate Minh Chay đang được quảng cáo trên mạng internet (Ảnh: website của công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới)
Sản phẩm Pate Minh Chay đang được quảng cáo trên mạng internet (Ảnh: website của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới)


+ Thưa luật sư, nếu DN chỉ nộp một số tiền phạt hành chính và thu hồi sản phẩm, trả lại người tiêu dùng số tiền mua hàng đã bỏ ra, thì không thể so sánh với việc chính những người mang lại doanh số và lợi nhuận cho DN trở thành nạn nhân của thực phẩm “bẩn”, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong hoặc vĩnh viễn thương tật?

LS Bùi Quốc Tuấn: Nếu DN có tâm, không thể chối bỏ trách nhiệm của mình, không phủi tay khi hậu quả nặng nề đã xảy ra. Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

Theo quy định bồi thường thiệt hại tại Khoản 1, Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Cần giám định thực phẩm gây ngộ độc

+ Thưa luật sư, vậy người tiêu dùng được căn cứ vào đâu để kiện DN kinh doanh thực phẩm “bẩn” làm hại đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng?

LS Bùi Quốc Tuấn: Để xác định khi có trường hợp bị ngộ độc xảy ra, ai phải bồi thường, thì cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc? Vấn đề này cần phải có cơ quan giám định nguồn thực phẩm gây ra ngộ độc. Cụ thể, có các trường hợp sau:

Nếu người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng, thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.

Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất, thì cá nhân, tổ chức đó sẽ phải bồi thường.

Luật an toàn thực phẩm cũng có quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi.

2 bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn Pate Minh Chay đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Duy Tính)
Hai bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn Pate Minh Chay đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Duy Tính)

Trong trường hợp nêu trên, người bị hại, tức bị ngộ độc thực phẩm, nếu không được cá nhân, tổ chức bồi thường thỏa đáng, thì có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Lưu ý phải có chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Thiệt hại đó bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị….

Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

+ Thưa luật sư, còn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thì sao?

LS Bùi Quốc Tuấn: Cũng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, vì các cơ sở hay công ty sản xuất tại nước ta đều được cấp phép và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Chúng ta có nhiều cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, gồm: Bộ Công Thương quản lý năm ngành hàng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chín ngành hàng, Bộ Y tế lại quản lý vài mặt hàng như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đa vi chất...

Thế nhưng dường như không cơ quan nào nhận trách nhiệm cao nhất. Đây cũng là vấn đề đáng nói khi sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng hoàn toàn có thể bị coi nhẹ và không có cơ quan quản lý nào đứng ra phân xử.