Triều Tiên gây rúng động bởi việc phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm

VietTimes -- Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA sáng 3/10 đưa tin, hôm 2/10, quân đội nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có tên gọi “Pukguksong-3” (Bắc Cực Tinh-3). Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chúc mừng các thành viên được đã tham gia vào việc nghiên cứu và thử nghiệm.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên đã gây rúng động dư luận quốc tế.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên đã gây rúng động dư luận quốc tế.

KCNA cũng nói quả tên lửa đạn đạo “Pukguksong-3” được phóng thẳng đứng, đã chứng minh một cách khoa học rằng loại tên lửa được thiết kế mới nhất này đã đạt được chỉ tiêu công nghệ chiến thuật cốt lõi. KCNA cũng cho rằng: “Vụ phóng thử thành công SLBM loại mới này không có bất cứ ảnh hưởng tiêu cực gì tới an ninh của các quốc gia láng giềng, là thành quả trọng đại mở ra cục diện mới trong việc ngăn chặn mối đe dọa bên ngoài nhằm vào Triều Tiên và tăng cường hơn nữa năng lực phòng vệ của quân đội Triều Tiên”.

Hình ảnh vụ phóng do KCNA công bố
Hình ảnh vụ phóng do KCNA công bố

Báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) cũng đăng các hình ảnh cho thấy một tên lửa được sơn màu đen trắng vút lên khỏi mặt nước và bay lên bầu trời.  

Trong khi đó, theo đài CNN, phía Mỹ cho rằng có thể Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung từ một bệ phóng đặt trên sà lan nổi ngoài khơi nước này chứ không phải từ tàu ngầm dưới mặt nước.

Vụ phóng tên lửa được thực hiện một ngày sau khi Triều Tiên thông báo nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ. Các chuyên gia nhận định đây có thể là cách Triều Tiên muốn gây áp lực với Mỹ trước khi cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra.

Tên lửa rời mặt nước
Tên lửa rời mặt nước

Trước đó, ngày 1/10, KCNA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết hai nước Triều Tiên và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10. Tuy nhiên, quan chức Triều Tiên không tiết lộ địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus sau đó xác nhận các cuộc đối thoại này sẽ diễn ra trong tuần tới.

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên cũng đã gây nên phản ứng của các nước láng giềng. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) hôm thứ Tư 2/10 đã lập tức bày tỏ “quan tâm mạnh mẽ” về vụ thử nghiệm của Triều Tiên. Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa đạn đạo “chưa được chính thức xác định là loại nào” từ vùng biển phía đông bắc thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon, vào lúc 7h11’ sáng ngày 2/10, giờ địa phương.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un theeo dõi và chỉ đạo vụ phóng
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un  theeo dõi và chỉ đạo vụ phóng

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn Ủy ban này đoán đây là loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm “Pukguksong”. Tên lửa bay xa 450 km, đạt độ cao khoảng 910 km rồi rơi xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Trong một phiên họp khẩn cấp qua nối kết video của NSC do ông Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn quốc chủ trì, các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về động thái mới nhất của Triều Tiên, chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ.

 Các chuyên gia quân sự Nhật cho rằng, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) khó phát hiện hơn các tên lửa phóng từ mặt đất, chúng tạo thành mối đe dọa lớn cho việc bảo đảm an ninh của cả Nhật lẫn Mỹ.

Tên lửa “Pukguksong-3” xuất hiện tại một cuộc diễu binh từng gây nghi ngờ về sự tồn tại của nó trong thực tế
Tên lửa “Pukguksong-3” xuất hiện tại một cuộc diễu binh từng gây nghi ngờ về sự tồn tại của nó trong thực tế

Theo trang tin Đông Phương, một chuyên gia quân sự Nhật cho rằng, SLBM rất khó phát hiện từ vệ tinh hay mặt đất. Nếu được phóng từ Thái Bình Dương, nó có thể bắn vào tới lãnh thổ Mỹ. Nếu phóng từ vùng nước sâu trong biển Nhật Bản, nó càng khó phát hiện và trở thành mối đe dọa lớn đối với Nhật”. Chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên đã nghiên cứu loại tên lửa tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn rất lợi hại trong điều kiện thực chiến, rất tiện lợi về chiến lược so với loại tên lửa dùng nhiên liệu lỏng rất tốn thời gian triển khai.

Ông nói, cần phải phân tích kỹ chủng loại tên lửa Triều Tiên phóng thử lần này; cần phải biết chắc đây là loại tên lửa mới hay cũ. Do Triều Tiên vẫn cần tiếp tục khai  thác công nghệ liên quan nên nó thể họ sẽ tiếp tục các vụ phóng thử SLBM nữa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng chính phủ Nhật Bản đã phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 2 tháng 10. Nhật Bản cho rằng vụ phóng này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vụ phóng thử của Triều Tiên hôm 2/10 là cuộc thử nghiệm vũ khí thứ 11 của họ kể từ đầu năm 2019. Đây cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên về tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm kể từ tháng 8/2016. Vào thời điểm đó, Triều Tiên đãphóng thử tên lửa đạn đạo “Pukguksong-1” ở bờ biển phía đông và bay được 500 km. Trong 10 lần thử vũ khí trong năm nay trước đó, Bình Nhưỡng chỉ thử nghiệm các vật thể bay tầm ngắn.

Theo hãng thông tấn Yonhap, chuyên gia phân tích chính của Diễn đàn an ninh quốc phòng Hàn Quốc (KODEF), nói rằng “Pukguksong-3”  hoàn toàn khác với hai mẫu đầu tiên, có tầm bắn tối đa tới 5.000 km. Từ hình dáng bề ngoài, thiết kế của “Pukguksong-3” tương tự như các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc, Nga và Mỹ.

(Theo Đông Phương)