Tiền đổ vào thị trường bất động sản tiếp tục tăng

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 605 triệu USD. Thị trường cũng chứng kiến sự bùng nổ mạnh xu hướng mua bán các dự án và liên doanh liên kết, cùng nhau phát triển dự án.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng (Ảnh minh họa)
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Tròn 1 năm kể từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản bắt đầu có hiệu lực, theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Tổng cộng có 25 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù tổng vốn FDI cam kết chiếm 8,5% nhưng số vốn cam kết lại thấp hơn khi chỉ đạt 465,5 triệu USD. Như vậy, nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm 2016 vẫn có chiều hướng gia tăng.

Theo CBRE Việt Nam, các dự án FDI nổi bật đổ vào vào lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2016 có thể kể đến thương vụ Samsung đầu tư 300 triệu USD vào một tòa nhà 21 tầng tại Hà Nội, một đối tác từ Liên bang Nga thông qua TNR Holdings đầu tư dự án 300 triệu USD cũng tại Hà Nội và SynGience (Singapore) đầu tư 18 triệu USD vào một dự án tại TP.HCM.

Ngược lại, lĩnh vực bất động sản cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) mà cả bên mua và bán cũng có sự tham gia góp vốn của phía nhà đầu tư nước ngoài.

Ở TP.HCM, sau khi công bố đầu tư vào An Gia 200 triệu USD vào năm 2015, quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) lại tiếp tục tham gia góp vốn vào việc triển khai dự án River City cùng với An Gia và Phát Đạt trên diện tích khu đất rộng 11,25 ha ở quận 7. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD với 12 block chung cư, khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house. Theo quy hoạch, dự án này tọa lạc tại quận 7 với tổng diện tích khoảng 11,25 ha. Với việc hợp tác này, dự kiến River City sẽ trở thành dự án bất động sản đình đám trên thị trường hiện nay.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam dự đoán trong thời gian tới hoạt động M&A sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2016 với lượng giao dịch nhiều hơn nữa nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và tình hình phát triển đang trên đà giảm tại một số nước trong khu vực.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá năm 2016 khả năng trên thị trường bất động sản sẽ bùng nổ mạnh xu hướng mua bán các dự án và liên doanh-liên kết, cùng nhau phát triển dự án.

Tương tự, bà Dương Thị Thùy Dung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE cũng nói rằng thị trường sẽ trở nên sôi động trở lại trong nửa cuối năm khi các chủ đầu tư hiện có kế hoạch chào bán các dự án mới. Trong đó, có một số dự án đáng chú ý như giai đoạn 2 mang tên Hawaii của dự án Diamond Island Premier Residence do Kusto Home đầu tư; dự án Empire City do liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land, Gaw Capital và Trần Thái đầu tư; dự án Palm City (quận 2) do liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land và Trần Thái đầu tư; dự án Millennium do liên doanh giữa Công ty Đầu tư Vĩnh Hội, Phát Đạt và Công ty Đầu tư Thảo Điền cùng phát triển (quận 4) và dự án Sunwah Pearl (quận Bình Thạnh).

Theo Một thế giới