Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

Doanh nhân là biểu tượng của khát vọng, dấn thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Doanh nhân là biểu tượng của khát vọng, sự dấn thân làm giàu cho doanh nghiệp và đất nước. Khu vực tư nhân năng động và có năng lực cạnh tranh cao là bảo đảm vững chắc cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Đó là chia sẻ của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

tải xuống.jpeg
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng

Làm gì để trở nên lớn mạnh?

Theo TS. Võ Trí Thành, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong gần 20 năm lại đây, trung bình hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký ra đời. Hiện có tới 900.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) tăng đáng kể, từ con số khá khiêm tốn là 400 vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 3.800 năm 2023; trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Hàng năm, Bảng xếp hạng VNR500 công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, không ít trong đó là doanh nghiệp tư nhân với doanh thu, tổng tài sản chục nghìn, trăm nghìn tỷ đồng, với hàng nghìn,chục nghìn lao động lao động, và nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo Brand Finance năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí số 43/100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng, với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 235 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 102% trong giai đoạn 2019-2023, đạt tới 498 tỷ USD, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng.

Năm 2018 có 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD. Năm 2023, chỉ riêng giá trị thương hiệu Viettel (dẫn đầu trong suốt 9 năm liền từ 2015) đã là 8,9 tỷ USD. Trong Top 100, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, đã xuất hiện nhiều các tập đoàn/công ty tư nhân.

vo-tri-thanh.jpg
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, nhìn tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”. Phần lớn, trên 97% các doanh nghiệp là nhỏ và vừa (SMEs).

“Điều đó là bình thường, song không bình thường là đại đa số doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô rất nhỏ dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 70%”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng sự thiếu vắng ngày càng rõ khi các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu song có vị thế yếu trong chuỗi giá trị. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch.

Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ thua lỗ, phải dừng sản xuất kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể ở mức cao, trung bình là 45% trong giai đoạn 2007- 2017 và lên tới trên 70% năm 2018. Tỷ lệ này vẫn cao cả sau đại dịch Covid-19; năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 lên tới trên dưới 80%.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, những doanh nghiệp tư nhân lớn nhìn chung chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đóng góp chỉ trên dưới 10% GDP; R&D (nghiên cứu và phát triển) vẫn còn mờ nhạt, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung lại thấp.

“Con đường đến đích “khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh” còn dài, còn nhiều gian nan, thử thách, nhất là trong bối cảnh con tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nhổ neo và Việt Nam – một đất nước hội nhập sâu rộng, đang nỗ lực chuyển sang giai đoạn phát triển mới, có tính bước ngoặt, với giá trị gia tăng tạo ra phải dựa nhiều vào tăng năng suất và đổi mới sáng tạo”, ông nói.

Vị chuyên gia kinh tế cho hay, một tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi của kinh tế đất nước là nhiều công ty/tập đoàn tư nhân đã và đang chuyển nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và “chất xám” cùng kỹ năng mới. Dù không ít trắc trở, song cũng là xu hướng chung của thế giới, là việc ứng phó với vấn đề “to be or not to be”.

Như thời gian đã chỉ ra, "tuổi thọ" trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể "chết yểu". Hơn thế, cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại”.

Các công ty/tập đoàn ít nhiều đã có nguồn lực nên có điều kiện hơn để “đi tắt đón đầu” làm chủ công nghệ và sáng tạo và có thể bắt kịp, tiến cùng xu hướng thời đại. Song để họ thực sự “lớn mạnh” là cả một câu chuyện đầy thách thức. “Lớn mạnh” là phải làm chủ công nghệ và có năng lực sáng tạo cao; phải có thương hiệu đầy sức cuốn hút, dần được thế giới ghi nhận...

Để trở nên “lớn mạnh”, theo ông Thành, họ phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân. Tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo cùng cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật cũng là những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo công ty, tập đoàn lớn.

“Lớn mạnh” còn là sự tiên phong trong đột phá phát triển và đầu đàn trong tạo dựng mạng liên kết sản xuất kinh doanh, nhất là với SMEs. Chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút những người tài, những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu. Khi đó giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của họ sẽ tăng lên nhiều lần. Chuyển đổi chiến lược từ “lớn” sang “lớn mạnh”, về bản chất là chuyển đổi giá trị của công ty, tập đoàn và tổng hợp lại là cả sự chuyển đổi nâng tầm giá trị của đất nước.

"Dòng chảy của những năm đổi mới phản ánh bức tranh bươn chải, trưởng thành của hàng trăm nghìn doanh nghiệp và 3-4 thế hệ doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân là biểu tượng của khát vọng, sự dấn thân làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho đất nước.

Một khu vực tư nhân năng động và có năng lực cạnh tranh cao là một bảo đảm vững chắc cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới và bối cảnh thế giới mới", TS Võ Trí Thành nói.

Chờ đợi tư duy mới trong cải cách thể chế

Nói về khối doanh nghiệp tư nhân, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn chưa từng có khi lần đầu tiên trong nhiều tháng liên tiếp số doanh nghiệp mới thành lập xấp xỉ số doanh nghiệp rời đi.

Tính chung 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới là 103.658 doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

ong-nguyen-dinh-cung-1696834603390321297957.jpg
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo ông Cung, nền kinh tế Việt Nam hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình thế giới, song đây không phải lần đầu đứng trước khó khăn. Về nguyên nhân nội tại, môi trường kinh doanh là lý do khiến đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng thấp trong mấy năm.

Nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng với việc ban hành thêm luật hay thêm nghị định là thêm điều kiện kinh doanh.

“Chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay, nhưng các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác. Ở đây, rõ ràng tôi thấy có cái gì đó chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới”, ông nhấn mạnh.

Thực tế, đã từ lâu, ông Cung luôn luôn nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thể chế, bởi chất lượng của thể chế quyết định đến sự thành bại của một quốc gia”. Nhìn lại năm 2020 về số lượng, các văn bản quy phạm pháp luật không có sự thay đổi nhiều, không có quá nhiều văn bản mới ra đời, cũng không có văn bản nào ra đời mà tạo ra được đột phá quá lớn.

Do đó, nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật, vị tiến sĩ cho rằng, khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng đặt ra những điều kiện kiểu “xin – cho”.

Nguyên Viện trưởng CIEM kiến nghị thời gian tới, cải cách thể chế phải bắt đầu từ sửa tư duy, phải tư duy thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... Từ đó, những gì thị trường tự điều chỉnh được thì để thị trường quyết định. Những gì nhà nước đáng quản thì quản ví dụ như môi trường, tài nguyên.

Cùng với đó, các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Về hệ thống pháp luật, theo ông nên bỏ loại hình “thông tư”.

“Kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án. Do đó cải cách thể chế cần quan tâm tăng cường năng lực và vai trò của toà án. Toà án không chỉ giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính, mà phải có cả cơ chế để tòa án giải quyết các khiếu kiện bộ ngành ban hành chính sách sai”, ông nói.

Ngoài ra, ông Cung cho rằng nên thay hoạt động thanh tra ngành bằng cơ chế khởi kiện ra tòa án. Theo chuyên gia, các bên tự bảo vệ quyền của mình bằng cơ chế thông qua tòa án giải quyết. Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật sẽ bị tòa án giải quyết minh bạch, nhanh chóng.

Cách đây 20 năm (ngày 20/9/2004), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Kể từ đó, ngày 13/10 hàng năm là dịp để tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và nhân dân.

Trong buổi gặp mặt doanh nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.