Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo thống kê của Công ty TNHH CBRE Việt Nam thì dòng vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2016 ở nhiều dự án liên quan đến bất động sản, như: Công ty TNHH LG Display dầu tư 1,5 tỷ USD vào dự án sản xuất màn hình LCD tại Hải Phòng; Samsung đầu tư 300 triệu USD xây dựng tòa nhà 21 tầng ở Hà Nội; TNR Holdings và một đối tác Nga ký kết ghi nhớ thực hiện dự án 300 triệu USD tại Hà Nội; SynGience của Singapore đầu tư vào Depot Metro Tower tại TPHCM.
Đáng chú ý, theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, những tháng đầu năm 2016, tại thị trường bất động sản Việt Nam, giới đầu tư chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản mà bên chuyển nhượng là các chủ đầu tư nước ngoài, bên nhận chuyển nhượng là các công ty trong nước.
Động thái này của dòng vốn FDI ở lĩnh vực bất động sản, ông Marc Townsend cho rằng, không quá bất ngờ bởi vì sau nhiều năm đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư cũng cần bán tài sản để lấy vốn quay vòng khi thị trường bước vào một chu kỳ mới. Hơn nữa, một nguyên nhân quan trọng khác là các nhà đầu tư nội địa cũng muốn mua lại các dự án từ nhà đầu khác để tránh tốn kém thời gian và chi phí cho việc xin gia hạn giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng… hoặc xin cấp mới giấy phép đầu tư. Nhiều nhà đầu tư mua lại tài sản là một cách đầu tư nhanh hơn so với việc mua lại đất và xây dựng từ đầu.
Do vậy, theo ông Marc Townsend, xu hướng chuyển nhượng dự án bất động sản ngày càng nhiều và lớn như diễn ra gần đây là bình thường, không phải do bất động sản Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư ngoại, không phải nhà đầu tư tìm cách tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 5% tổng vốn đầu tư, ít hơn so với giai đoạn 2007 – 2009. Điều này cho thấy, nhà đầu tư quốc tế ngày càng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư.
Thị trường BĐS hiện nay bị chi phối bởi các chủ đầu tư và nhà đầu tư trong nước. Rào cản lớn nhất để vốn FDI vào BĐS là nhà đầu tư còn quan ngại tính minh bạch trong vận hành, giao dịch bất động sản ở nước ta. Đồng thời, hàng loạt yếu tố luôn được các nhà đầu tư quan tâm là: hiệu quả đầu tư, thị trường, tài sản niêm yết, môi trường luật pháp và cách thức giao dịch, quyền sở hữu riêng, quyền sử dụng, cơ sở dữ liệu về thị trường… Nhưng những yếu tố này ở nước ta chưa được làm tốt và chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư.
Gần đây, nhiều động thái chính sách và thị trường cho thấy tính minh bạch đang được cải thiện. Khi thị trường được minh bạch hơn thì dòng vốn FDI vào BĐS sẽ tăng.- bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của CBRE VN.
Về xu hướng thị trường, khảo sát của CBRE cho thấy, dòng vốn FDI có xu hướng “chảy” vào các dự án nhằm cung ứng ra thị trường các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật của xã hội với các dự án nhà ở, căn hộ, không còn tập trung nhiều vào các dự án kiểu phục vụ nhu cầu đầu tư về giải trí, sân golf... Và thực tế, nửa đầu năm 2016 có một số thương vụ chuyển nhượng lớn trên thị trường, trong đó nhiều tập đoàn lớn trên thế giới gia nhập thị trường Việt Nam. Có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang ấm lên và có tăng trưởng thực sự, nguồn cung ra thị trường cũng nhanh và số lượng lớn.
Ông Marc Townsend còn cho biết, qua tham vấn của nhiều chuyên gia của CBRE tại nhiều quốc gia khác, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút nhà đầu tư, nhất là giá nhà tại Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, với dân số đông và người trẻ nhiều, nhu cầu nhà đất còn rất lớn, tiềm năng thị trường rất lớn.
Ông Marc Towsend dẫn chứng rằng vẫn có hàng loạt thương vụ của các nhà đầu tư nước ngoài như Gamuda Land, Keppel Land hay TCC (Thái Lan) mua lại các dự án bất động sản trong nước nửa đầu 2016. Trong nhiều trường hợp, bên bán ở thương vụ này đồng thời là bên mua ở một thương vụ ngay sau đó. Thực chất đó là các thương vụ mua bán tài sản chứ không phải là hoạt động thoái vốn.
Theo VOV