Sự trở lại của Telstra
Trong một diễn biến mới nhất, cuối tháng 5/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp đoàn lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Telstra (Australia). Tại cuộc gặp, ông Han Kotterman, Tổng giám đốc điều hành hoạt động đối ngoại của Telstra bày tỏ: “Chúng tôi rất muốn được nâng tỷ lệ cổ phần, đóng vai trò chính yếu trong quá trình cổ phần hóa MobiFone để có thể hợp tác hiệu quả hơn”.
Telstra là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được hoạt động trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam từ năm 1990. Từ đó đến năm 2003, Telstra đã đầu tư gần 240 triệu USD hợp tác với VNPT xây dựng trạm thu phát vệ tinh, tổng đài, nâng cấp các trạm thu phát vệ tinh, đào tạo nhân lực… và đã góp sức tạo đà, đặt nền móng phát triển mạnh mẽ cho VNPT cũng như ngành viễn thông trong nước. Telstra hiện được xem là một trong những công ty viễn thông lớn trên thế giới, với doanh thu năm 2015 đạt khoảng 26,6 tỷ USD.
Năm 2015 - 2016, Telstra đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông ngỏ ý muốn trở lại thị trường Việt Nam bằng việc trở thành đối tác chiến lược của MobiFone.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: “Với MobiFone, năm 2016 - 2017 là giai đoạn rất quan trọng đối với nhiệm vụ cổ phần hóa của MobiFone. Là một đối tác lớn rất tin cậy, có truyền thống trong quan hệ với Việt Nam, hy vọng Telstra sẽ tiếp tục có quan hệ hợp tác tốt với MobiFone”.
“Bạn cũ” 10 năm chờ đợi
Giai đoạn này, MobiFone tiếp tục nhận được sự quan tâm của một “người bạn cũ” là Comvik (Thụy Điển). Comvik từng hợp tác, phát triển hệ thống MobiFone suốt 15 năm (1990-2005), là đối tác chiến lược đầu tiên, cung cấp toàn bộ thiết bị và công nghệ cho mạng di động MobiFone.
Trong thời gian hợp tác với MobiFone, Comvik đã có doanh thu lớn từ Việt Nam. Tuy các con số thời kỳ đầu còn rất khiêm tốn, nhưng sau đó, MobiFone phát triển bùng nổ cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ thị trường viễn thông phát triển dữ dội và phần lớn tài sản của MobiFone đã được khấu hao hết. Có thể nói, sự lớn mạnh của MobiFone có bóng dáng của Comvik.
Năm 2006, ngay từ khi có chủ trương cổ phần hóa MobiFone, Comvik đã bày tỏ tin tưởng rằng, họ có cơ hội và khả năng thành công tốt hơn để đầu tư vào MobiFone so với các nhà đầu tư nước ngoài khác. Từ đó đến nay, trong khá nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Comvik luôn bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone cổ phần hóa.
Và đến nay, Comvik vẫn chưa từng từ bỏ ý định trở lại Việt Nam, một lần nữa trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Tính ra, Comvik đã “theo đuổi” chẵn… 10 năm trời để chờ MobiFone cổ phần hóa.
Lộ diện “đối thủ” đáng gờm
Ngoài 2 đối tác cũ từng biết trên thị trường Việt Nam, MobiFone cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Telenor (Na Uy). Đây là cái tên không xa lạ khi là một trong 2 nhà mạng chiến thắng Viettel năm 2013 để có trong tay tờ giấy phép đầu tư vào thị trường Myanmar. Hiện Telenor đứng thứ 2 về thị phần tại thị trường Myanmar, với 14 triệu thuê bao.
Châu Á, mà cụ thể là Đông Nam Á đang nằm trong “tầm ngắm” của tập đoàn này. Vì thế, lãnh đạo Telenor mấy năm gần đây đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ mong muốn tham gia việc cổ phần hóa MobiFone, cũng như góp cổ phần chi phối khi MobiFone cổ phần hóa.
Từ khi có chủ trương cổ phần hóa MobiFone, có khá nhiều “đại gia” viễn thông trên toàn thế giới tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Ngoài 3 cái tên sáng giá nêu trên, còn có các đại gia viễn thông khét tiếng như Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom)…
Tuy nhiên, đến nay, với nhiều lý do, trong đó một phần là do cơ chế chính sách công bố về cổ phần hóa MobiFone chưa rõ ràng, các nhà đầu tư khó tiếp cận để tìm hiểu hoạt động sản xuất - kinh doanh của MobiFone, nên gần đây, mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp tạm lắng. Họ đang chờ đợi một sự minh bạch, rõ ràng trước lúc “thi đấu” trở thành đối tác chiến lược của MobiFone.
Theo Đầu tư