Tại sao Mỹ chưa đồng ý cung cấp tên lửa phòng không “Patriot” cho Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hôm 29/11, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ với giới truyền thông: Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không “Patriot”, nhưng Lầu Năm Góc sau đó đã bác bỏ, nói hiện chưa có kế hoạch đó.
Mặc dù Ukraine khẩn thiết yêu cầu, Mỹ vẫn chần chừ không viện trợ hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot (Ảnh: Sina).
Mặc dù Ukraine khẩn thiết yêu cầu, Mỹ vẫn chần chừ không viện trợ hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot (Ảnh: Sina).

Mỹ lâu nay vốn mạnh tay viện trợ quân sự cho Ukraine và liên tục “châm lửa”, nhưng lúc này dường như đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc có nên cung cấp tên lửa phòng không “Patriot” cho Ukraine hay không.

Phía Ukraine khẩn thiết yêu cầu

Kể từ khi tình hình quan hệ với Nga xấu đi, Ukraine đã liên tục yêu cầu Mỹ hỗ trợ các loại vũ khí và thiết bị, và hệ thống tên lửa phòng không "Patriot" là một trong những khoản viện trợ quân sự mà Ukraine muốn nhận được nhất.

Sau khi thời tiết chuyển sang mùa đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần lên tiếng cho biết nhiều vùng của Ukraine đang trong tình trạng mất điện, đồng thời yêu cầu phương Tây cung cấp hệ thống tên lửa phòng không “Patriot”.

Sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dimitro Kuleba có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 17/11, ông cũng đăng tải trên mạng xã hội một bài viết nhấn mạnh Mỹ nên đẩy nhanh việc cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị Nga tấn công khiến mất điện xảy ra trên diện rộng, “bây giờ đã là lúc để cung cấp cho chúng tôi hệ thống phòng không Patriot."

Hệ thống Patriot đang phóng tên lửa (Ảnh: Sina).

Hệ thống Patriot đang phóng tên lửa (Ảnh: Sina).

Tên lửa phòng không "Patriot" là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung xa và trung cao thế hệ thứ ba do Mỹ nghiên cứu phát triển, được chia thành ba phiên bản. Trong đó, "Patriot-3" là loại tiên tiến nhất và là một trong những vũ khí mang tính tiêu biểu của quân đội Mỹ. Theo CNN, "Patriot" có thể được sử dụng để chống lại và tiêu diệt tên lửa các đạn đạo tầm ngắn, các máy bay tiên tiến và tên lửa hành trình.

Ngày 29/11, truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ đang cân nhắc cung cấp trực tiếp các hệ thống tên lửa “Patriot” cho Ukraine. Quan chức này cũng cho biết củng cố sức mạnh phòng không Ukraine là "ưu tiên hàng đầu" của Mỹ hiện nay.

Nga lên tiếng cảnh báo

Ngay khi thông tin Mỹ có thể cung cấp "Patriot" xuất hiện, đã ngay lập tức làm dấy lên sự bất bình mạnh mẽ từ phía Nga.

Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ngay lập tức đáp trả, nói rằng nếu NATO cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa "Patriot" và nhân viên điều khiển, họ sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.

Hệ thống tên lửa NASAMS Mỹ đã viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Sina).

Hệ thống tên lửa NASAMS Mỹ đã viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Sina).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cho rằng nguy cơ Mỹ tiếp tục can thiệp vào tình hình Nga-Ukraine dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đang gia tăng.

Tiếp đó, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder đã làm rõ rằng Mỹ hiện không có kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không “Patriot” cho Ukraine.

Ryder cho biết phòng không vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ và cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Ukraine: “Đối với các phiên bản khác nhau của hệ thống tên lửa 'Patriot', chúng tôi hiện không có kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa này cho Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về những nỗ lực như vậy”.

Ryder cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để tìm hiểu nhu cầu quốc phòng của Ukraine và đảm bảo rằng họ sẽ được đáp ứng.

Sự bối rối của người Mỹ

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể và với những thiết bị tốt nhất hiện có, “chừng nào (Ukraine) còn cần thì sẽ tiếp tục hỗ trợ họ."

Vũ khí Mỹ viện trợ được liên tục vận chuyển tới Ukraine (Ảnh: CNS).

Vũ khí Mỹ viện trợ được liên tục vận chuyển tới Ukraine (Ảnh: CNS).

Thế nhưng trong vấn đề cung cấp tên lửa phòng không “Patriot”, Mỹ lại do dự, chần chừ và phát ngôn trước sau không thống nhất. Một mặt, Mỹ cũng lo ngại về cảnh báo của Nga, sợ rằng việc cung cấp “Patriot” cho Ukraine sẽ gây ra bước leo thang lớn của tình hình.

Mặt khác, theo giới phân tích, các hệ thống “Patriot” của Mỹ sẽ không gây được tác động đáng kể đến khả năng phòng thủ của Ukraine, vì các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga có những phương cách đặc biệt để vượt qua các tổ hợp đánh chặn hiện đại.

Trang tin Military Watch cho rằng Lầu Năm Góc cuối cùng sẽ từ chối cung cấp hệ thống tên lửa phòng không “Patriot” cho Ukraine, vì lo sẽ mất mặt nếu vũ khí này tỏ ra kém hiệu quả trên chiến trường. “Khả năng tổn thất lớn đối với các khẩu đội ‘Patriot’ là động cơ mạnh mẽ khiến Mỹ chưa đồng ý cung cấp nó cho Ukraine, bất chấp việc chính quyền Kiev đã khẩn thiết đề nghị". Theo Military Watch, "Nguyên nhân là bởi vì điều này sẽ làm lung lay niềm tin của các đồng minh vào hệ thống phòng thủ tên lửa này do Mỹ chế tạo và có khả năng đánh mất nhiều khách hàng tiềm năng trên thị trường vũ khí thế giới”.

Theo Military Watch, ngay cả trong trường hợp Mỹ có quyết định tích cực, tổ hợp “Patriot” khó có thể vượt qua biến thể cũ của S-300. Theo tạp chí Mỹ này, nếu một quyết định như vậy được đưa ra, việc cung cấp hệ thống phòng không “Patriot” sẽ trở nên vô ích đối với Ukraine và sẽ gây ra nhiều vấn đề cho Mỹ hơn là giúp ích cho Kiev.

Ngày nay, hệ thống phòng không của Ukraine hầu như đã bị phá hủy, mặc dù khi bắt đầu “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga”, Kiev có hệ thống phòng không tầm cao lớn nhất ở châu Âu, được thừa hưởng từ hệ thống S-300 của Liên Xô. Không quân Nga đã phá hủy các hệ thống phòng không của Ukraine và số phận tương tự đang chờ đợi hệ thống “Patriot”, về cơ bản là một hệ thống tương tự S-300 của Liên Xô nhưng tỏ ra kém hiệu quả hơn ở Iraq.

Tuy nhiên đây có thể không phải lý do duy nhất khiến Mỹ chưa chuyển giao hệ thống phòng không “Patriot” của mình cho Ukraine. Có thể còn một lý do nữa là: nếu “Patriot” xuất hiện ở Ukraine, Quân đội Nga sẽ có cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm các vũ khí chống lại tổ hợp phòng thủ tên lửa chính thức này của cả phương Tây. Cũng không loại trừ khả năng tổ hợp này rơi vào tay quân đội Nga, đồng nghĩa với sự sụp đổ của hệ thống an ninh quốc gia Mỹ.

Mỹ lo ngại Patriot sẽ bộc lộ những điểm yếu, thậm chí bị rơi vào tay quân Nga (Ảnh: Militarywatch).

Mỹ lo ngại Patriot sẽ bộc lộ những điểm yếu, thậm chí bị rơi vào tay quân Nga

(Ảnh: Militarywatch).

Mặc dù vậy, cần nói thêm là Mỹ đã cung cấp cho Ukraine NASAMS, một hệ thống phòng không tối tân khác được cho là chuyên dùng chống lại máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình. Trước đó cũng đã có những lo ngại về vũ khí này không khác gì “Patriot”, nhưng NASAMS đã chứng tỏ hiệu quả trong việc bảo vệ vùng trời Kiev; vì vậy không loại trừ khả năng “Patriot” cũng sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine vào một thời điểm thích hợp.

Hãng thông tấn Mỹ AP nhận định, việc cung cấp tên lửa "Patriot" đồng nghĩa với việc phương Tây đạt được bước tiến rất lớn trong việc viện trợ cho Ukraine. Nhưng nói về chủ đề này "đã khiến Moscow tức giận".

Mặt khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó đã tuyên bố rằng Mỹ có thể đã bị Ukraine "tống tiền". Bà Zakharova cho biết, trong tình hình khó khăn mà phương Tây gặp phải, Ukraine vẫn đang yêu cầu phương Tây viện trợ nhiều hơn, cung cấp số tiền viện trợ với con số thiên văn và vũ khí; Tổng thống Ukraine Zelensky đã đi vào "đường ray của chính mình" và bắt đầu tống tiền phương Tây.

Bà Zakharova nói: "Điều này thường xảy ra với những bên thân tín được phương Tây tích cực nuôi dưỡng; theo thời gian, họ sẽ bắt đầu đưa ra các điều kiện của riêng mình."