Thu hút, trọng dụng nhân tài là nội dung quan trọng được Đảng đặt ra qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều cản trở để tuyển dụng người tài vào cơ quan Nhà nước.
Trong bài viết trước, VietTimes đã đề cập đến những rào cản cần tháo gỡ để thu hút nhân tài. Trong phần chia sẻ dưới đây, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sẽ đề cập chuyện minh quân ngày xưa tìm kiếm người tài, chỗ đứng của nhân tài ngoài Đảng và trưởng ngành có cần phải là đảng viên hay không...
- Trước khi bàn luận về thu hút và sử dụng nhân tài chúng ta cần phải xác định thế nào là nhân tài. Vậy, theo Giáo sư, thế nào là nhân tài?
- Đây là câu hỏi mà các phương tiện truyền thông đặt ra khá nhiều. Nhân tài là gì? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Nào là người học rộng, biết nhiều. Nào là người có bằng cấp cao hoặc người có nhiều cống hiến... Nếu cứ loay hoay đi tìm định nghĩa cho khái niệm đó thì e rằng sẽ chẳng bao giờ tìm được nhân tài.
Có một thực tế là trong quan niệm phổ biến dường như đang đánh đồng nhân tài với người có năng khiếu. Người đạt kết quả đỗ cao trong một kỳ thi chưa hẳn đã là nhân tài. Đó mới chỉ là người có năng khiếu tiếp thu, có khả năng học hành, có “tài” thi cử. Nhưng tài năng là chuyện khác. Đó là những người có năng lực xuất chúng trong một hay một số lĩnh vực mà phải qua thực tiễn mới kiểm chứng được.
Vì thế, theo tôi, ta không nên mất quá nhiều thời gian để tranh luận với nhau nhân tài là gì. Có một quy luật thống kê phổ biến là bộ phận ưu tú trong một cộng đồng thường chỉ chiếm trên dưới 10%. Đây là thành phần tinh hoa, nhân tài nằm ở đây. Vấn đề còn lại là làm sao khai thác triệt để để giới tinh hoa ấy đem hết tài năng đóng góp cho đất nước. Đấy là cả một nghệ thuật của người lãnh đạo.
- Nghệ thuật lãnh đạo ở đây được hiểu như thế nào, thưa Giáo sư?
-Trước hết, cần phải nhấn mạnh một nhận thức cực kỳ quan trọng là phải coi nhân lực là nguồn tài nguyên quý trọng hơn cả tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, đồng, chì kẽm, vàng, kim cương… Trong nguồn nhân lực ấy thì tài năng là tài nguyên đặc biệt quý hiếm mà quý hiếm bậc nhất “Tài dùng người tài”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử nhân loại xã hội nào, quốc gia nào chính quyền trọng dụng nhân tài thì xã hội đó, đất nước đó phát triển cường thịnh. Từ thế kỷ XV dưới thời Lê Thánh Tông triều đình đã coi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp".
Điều ấy có nghĩa là bộ phận hiền tài quyết định sự hưng suy của quốc gia. Nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã từng nói “phi trí bất hưng”. Từ đấy suy rộng ra là không có tầng lớp tinh hoa thì đất nước khó mà hưng thịnh được. Nhưng cũng chính ông lại cảnh báo một trong 5 nguy cơ dẫn tới mất nước là sĩ phu thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc vì chính quyền không cần đến họ.
- Như vậy có thể hiểu điều quan trọng nhất là phải có người đứng đầu một tổ chức, cơ quan, hay nói rộng ra là một quốc gia phải thực sự biết sử dụng người tài, thưa Giáo sư?
- Đúng vậy. Có thể nói đại hồng phúc cho một dân tộc khi có người đứng ở vị trí cao nhất, hay là tổ chức dẫn dắt dân tộc trọng người tài. Như chúng ta đã thấy, chúng ta vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, gian khổ đi tới vinh quang là do chúng ta có Bác Hồ. Cụ Hồ là một nhân tài kiệt xuất, đặc biệt là trọng dụng nhân tài. Hay nói một cách khác là người có tấm lòng trân trọng nhân tài.
Trở lại lịch sử chúng ta thấy thời Lê Sơ phát triển rực rỡ đến mức được coi là hoàng kim trong thời kỳ quân chủ. Vì sao? Vì ông ấy đã coi trọng hiền tài. Ta hay nhắc tới tác giả câu đó với người soạn tấm bia đặt ở Văn Miếu là Thân Nhân Trung (một danh sĩ, đứng địa vị Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát Tú của vua Lê Thánh Tông- NV), nhưng nếu hiểu sâu sắc lịch sử thì không khó để nhận ra đấy chính là ý tưởng của Hoàng đế Lê Thánh Tông, một vị minh quân trọng dụng hiền tài hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.
- Đó là những câu chuyện của lịch sử. Gần đây, Tổng bí thư Tô Lâm đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới mạnh mẽ cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó đặc biệt coi trọng việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên trên thực tế thì còn rất nhiều vướng mắc cả về chính sách lẫn thực tiễn thu hút nhân tài. Theo bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 82/134 quốc gia; đứng thứ 13/15 quốc gia được xếp hạng trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Đây là những chỉ số còn rất khiêm tốn. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thu hút được nhân tài, thưa Giáo sư?
- Để có thể khai thác được nguồn lực tinh hoa, sự đóng góp của những người tài năng thì việc đầu tiên và cũng là việc căn cốt nhất là thực lòng dùng người tài, còn cơ chế, chính sách, quy trình, quy định chỉ là phương tiện bổ trợ; mà đã là chính sách thì đều do con người làm ra, con người cũng có thể thay đổi nó cho phù hợp.
Điều tôi muốn nói thêm ở đây là, nếu muốn đất nước vươn mình bước sang một kỷ nguyên mới (như chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm) thì chúng ta phải có những bước đột phá. Mà muốn đột phá thì phải có những người thực sự tài năng cả trên phương diện lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ.
Trước khi nói về làm thế nào để thu hút nhân tài, chúng ta nói về thực trạng của ta hiện nay là như thế nào? Nói về thu hút và sử dụng nhân tài thì không phải là vấn đề mới. Chúng ta đã nói nhiều rồi. Cũng đã đưa ra nhiều giải pháp rồi. Thế nhưng tại sao vẫn chưa đạt được như chúng ta mong muốn.
Nên người tài vẫn bị bỏ sót. Hình như người tài vẫn đi tìm con đường làm ăn, kiếm sống, tìm vinh quang ở đâu đó ngoài đất nước. Trước đây chúng ta đã có một thời kỳ nói rằng, ừ thôi đất nước khó khăn, họ học xong, họ thành tài và cứ phục vụ ở đâu đó để rồi họ rèn luyện khả năng. Đấy là câu chuyện từ 20-30 năm về trước khi mà đất nước còn rất khó khăn.
Bây giờ thì khác rồi. Tôi biết hiện giờ chúng ta có những bệnh viện có thể mua những cái máy chụp cắt lớp CT giá hàng chục tỷ. Nghĩa là chúng ta không phải là không có điều kiện. Nguồn lực của chúng ta bây giờ khác trước rồi. Cơ đồ của chúng ta bây giờ đã khác trước. Vậy làm sao để những người tài hết lòng phụng sự đất nước.
Có người nói đến chế độ đãi ngộ, đến lương bổng. Điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài tình trạng đầu tư tiền tỷ để học tập rồi ra trường nhận lương 5 đến 7 triệu một tháng. Nhưng đối với trí thức, nhân tài đãi ngộ vật chất không phải là điều kiện quan trọng nhất. Hàng loạt trí thức giỏi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước năm 1946 để tham gia kháng chiến hoàn toàn không vì đãi ngộ vật chất mà là vì trái tim yêu nước của họ đã được vị lãnh tụ cách mạng thức tỉnh, tài năng của họ được người đứng đầu Chính phủ trọng dụng
Lại có câu hỏi là làm sao biết được nhân tài? Nhân gian có câu “Giàu, nghèo, dốt, giỏi” là 4 cái không thể giấu. Người giàu có giả nghèo cũng không che được mắt thiên hạ. Người giỏi có giả ngu người ta cũng biết và ngược lại cũng không thể đánh lừa được người đời. Vì vậy tìm ra người tài có khó gì đâu. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là thực tâm của người đứng đầu muốn dùng người tài thì người tài sẽ đến. Vua Lê Thánh Tông thực tâm dùng người tài thì người tài lũ lượt ra giúp dân cứu nước.
Hiện nay chúng ta rất trông mong ở đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm là người thực sự trọng dụng nhân tài. Qua những phát biểu và hoạt động thực tiễn vừa qua cho thấy Tổng bí thư khao khát làm điều đó. Trước hết là cầu hiền.
Trong xã hội hiện nay ai làm gì người ta biết cả. Tại sao người ta cứ đưa chuyện Lưu Bị trèo đèo lội suối, ba lần đến lều tranh để mời Khổng Minh ra giúp nước. Lưu Bị đã biết Khổng Minh là ai đâu, nhưng nghe giới thiệu Khổng Minh tài lắm nên đích thân đi cầu. Thì đấy là nói về việc vua đi cầu người hiền tài. Vì vậy xin đừng hỏi là làm sao tìm ra người tài. Người tài không ít. Cứ thực tâm trọng dụng nhân tài khắc sẽ xuất hiện.
- Đúng như Giáo sư nói, cứ dùng người tài thì người tài sẽ tới. Nhưng khi người tài được dùng rồi thì chúng ta cũng phải có những cơ chế để bảo vệ người tài, để tài năng của họ được khai thác triệt để phục vụ đất nước chứ?
- Người thực tài thường có hai đặc tính có thể coi là “điểm yếu chí tử” là không biết lấy lòng cấp trên và tự tin thái quá nên thường bị gán cho tội kiêu căng. Chính vì vậy mà người tài đôi khi số phận thường rất nghiệt ngã. Nhìn vào lịch sử có thể thấy ở thế kỷ 19, khi thế giới đang có những thay đổi hết sức mạnh mẽ, nếu vua Tự Đức của triều Nguyễn biết dùng Nguyễn Trường Tộ, người đã gửi lên triều đình các điều trần không khác mấy so với tư tưởng cải cách của Fukuzawa Yukichi ở Nhật Bản, thì có thể lịch sử đất nước đã khác.
Nhật Bản tiến hành cải cách dưới thời Minh Trị, bắt đầu từ năm 1868. Trong 58 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có thể tìm thấy nhiều điểm tương đồng với đề xuất của Fukuzawa Yukichi (một trong những bậc khai quốc công thần và là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại. Ông được xem là người có công khai sáng phong trào canh tân nước Nhật).
Hầu hết những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ không được triều đình nhà Nguyễn sử dụng. Việc triều Nguyễn bỏ qua những điều trần của ông không hẳn chỉ vì nhà vua thiếu tầm mà còn do sự ghen ghét đố kỵ của tầng lớp trí thức Nho học đang giữ những trọng trách trong triều.
Họ lo mất vị trí nếu triều đình tiến hành cải cách theo mô hình phương Tây nên đã tấu lên rằng ông thân Pháp, lý lịch có vấn đề... Ông đã uất ức thổ huyết mà chết. Trong khi Nhật Bản nghe theo Fukuzawa Yukichi và những trí thức cấp tiến thì đất nước họ phát triển cường thịnh. Còn nước ta thì cứ luẩn quẩn trong cái vòng “Tứ thư ngũ kinh” cho đến khi mất nước.
Cuộc đời ngắn ngủi 41 năm của Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân đất nước của ông qua 58 bản điều trần tuy chưa thành hiện thực nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn thể hiện sự đóng góp lớn lao của ông đối với nhân dân, quê hương, đất nước.
Nguyễn Trãi từng nói nước ta từ xưa đến nay “hào kiệt đời nào cũng có”. Đúng vậy, nước Việt Nam ta không lúc nào thiếu nhân tài, người có năng lực làm việc và sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc. Để phát huy tài năng của họ cần vô cùng các bậc minh quân, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và biết trọng dụng nhân tài.
- Thưa giáo sư, chúng tôi muốn đặt một vấn đề rất cụ thể, chúng ta vừa mong muốn làm sao để thu hút được nhân tài cả trong và ngoài Đảng để phục sự đất nước; trong khi hiện có nhiều văn bản có chiều hướng ngày càng khó thu hút nhân tài hơn. Một ví dụ cụ thể: Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã quy định cụ thể về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nhân sự tại chỗ đưa ra 5 bước bổ nhiệm cán bộ. Những quy định đại loại như vậy gây khó với chính đảng viên, chứ chưa nói đến thu hút tài năng ngoài Đảng…
- Mỗi văn bản đều được ban hành trong một bối cảnh cụ thể nhằm những mục tiêu nhất định và đều có lý do, nguyên nhân ra đời của nó. Vì vậy ở đây tôi không đi sâu vào bàn luận quy định này hay quyết định kia, mà chỉ có ý kiến mang tính tổng quát. Trong một thời điểm, một giai đoạn để củng cố quyền lãnh đạo của cấp ủy để việc thực thi công việc được tốt hơn thì việc tăng cường giám sát, quy định chặt chẽ về phương diện tổ chức là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng, một quy định của ngày hôm qua là đúng thì ngày hôm nay, thậm chí ngày mai vẫn đúng, nhưng cũng có những quy định của ngày hôm qua đã đúng nhưng ngày hôm nay không còn đúng nữa. Không còn đúng thì chúng ta có thể sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung. Suy cho cùng thì mọi phương pháp, quy định làm ra là để cho công việc được tốt hơn. Đó là chưa kể với tư duy quản trị quốc gia, cái đúng còn bao gồm cả tính hiệu quả, cả việc khai thác tối ưu các nguồn lực.
Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” (ngày 16/9/2024), Người đứng đầu Đảng ta trích một câu nói của V.Lênin: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”.
Rất thấm thía. Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng. “Trong tình hình đã thay đổi” (như Tổng bí thư nhấn mạnh), chúng ta phải kiên định hai nguyên tắc: Trước hết phải coi độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân là nguyên tắc tối thượng; Thứ hai là giữ vững sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị và với đất nước.
Giữ được vai trò lãnh đạo toàn diện mà đất nước tụt hậu, kém phát triển thì cũng không phải là mong muốn của Đảng, không phải là đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh. Độc lập phải được giữ vững, đất nước phải được giàu mạnh, nhân dân phải được ấm no hạnh phúc mới là lý tưởng của Đảng. Muốn làm được điều đó thì yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Đảng phải chăm lo, tuyển chọn, bồi dưỡng để có những nhà lãnh đạo tài năng. Mà đã có những lãnh đạo tài năng thì mới tuyển chọn và sử dụng được người tài.
Chúng ta rất tin tưởng rằng những phát biểu chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm hiện nay là mong muốn dân tộc vươn mình sang một kỷ nguyên mới, mang tính đột phá, mà đã là đột phá thì chúng ta cần phải có những tài năng xuất chúng. Đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm là người thực sự trọng dụng nhân tài. Khi mà nhà lãnh đạo đã thực tâm như thế thì sẽ có những nhân tài xuất hiện.
- Cách đây gần 20 năm, ngày 19/4/2016, tại kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa VIII, khi đề xuất giải pháp về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng thời là Phó Ban Tổ chức Trung ương thời bấy giờ là ông Đỗ Quang Trung từng phát biểu: “Bộ trưởng cũng không nhất thiết phải là đảng viên. Chúng ta đã nói như thế mấy nhiệm kỳ qua nhưng vẫn chưa làm được”. Sau đó vấn đề này, có lúc lại được xới lên. Bây giờ đã đến lúc chúng ta thực hiện điều này chưa, theo Giáo sư?
- Vấn đề ở đây không phải là đã đến lúc hay chưa đến lúc mà cơ bản là chúng ta có muốn làm điều đó hay không. Khi giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, TS Nguyễn Văn Huyên còn rất trẻ, mới có 37 tuổi. Một năm sau, ông được Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Thời kỳ ông làm Bộ trưởng, giáo dục Việt Nam có những chuyển biến rất tích cực và để lại rất nhiều bài học để chúng ta suy ngẫm. Tuy nhiên việc chưa phải là đảng viên đã không tránh khỏi lời ra tán vào. Nghe được, ông quyết định xin thôi chức.
Biết chuyện, ngay lập tức, Bác Hồ đến gặp trực tiếp ông và ôn tồn nói: “Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân, vì nước”.
Và suốt gần 30 năm tại nhiệm, ông Bộ trưởng ngoài Đảng đó đã cống hiến tài năng và tâm sức của mình cho ngành giáo dục tới tận khi trút hơi thở cuối cùng.
Tuy nhiên Nguyễn Văn Huyên không phải là Bộ trưởng ngoài đảng duy nhất dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ấy còn có các vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Nguyễn Mạnh Hà (một người công giáo không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (không đảng phái), Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền (Đảng Dân chủ), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Nghiêm Xuân Yêm (Tổng thư ký Đảng dân chủ)…
- Để có thể lựa chọn được “Tài năng quý hiếm bậc nhất”, nên chăng cần có số dư trong bầu cử cho một chức danh? Ví dụ Đảng nên đưa 2, thậm chí là 3 đảng viên ưu tú nhất của Đảng về tranh cử một chức danh người đứng đầu một thành phố hoặc một tỉnh chẳng hạn.
- Điều đó là cần thiết, vì có số dư thì mới có sự lựa chọn. Vì ai trong số ứng cử viên ấy đều là người Đảng cử ra cả. Người này trúng cử thì chắc chắn là có cái gì đó nổi trội hơn người kia. Trong những người tài năng cũng phải có sự tranh cử để chọn ra người tài năng nhất.
Việc tranh cử là cần thiết. Vì khi Đảng đưa ra hai, thậm chí là 3 ứng cử viên sáng giá nhất đã được BCH Trung ương sàng lọc rồi thì ai trúng cũng đều tốt cả. Tôi cho rằng đấy là một giải pháp hay khi chọn người đứng đầu một cơ quan trung ương hay một địa phương.
Không phải là chúng ta chưa có tiền lệ. Tại kỳ họp giữa năm 1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) mới để thay thế đồng chí Phạm Hùng vừa từ trần. Người được giới thiệu để Quốc hội bầu là đồng chí Đỗ Mười, nhưng khi đưa ra thì có tới 37/43 đoàn đại biểu giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. Cuối cùng Bộ Chính trị đã nhất trí với đề nghị của Hội đồng Nhà nước, có hai ứng cử viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Đỗ Mười đã trở thành Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Đấy cũng là một kinh nghiệm lịch sử rất có giá trị với chúng ta hiện nay.
- Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
"Mạnh dạn sử dụng, không phân biệt Việt kiều hay người trong nước, không phân biệt người trong Đảng với ngoài Đảng. Các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước thì Đảng nắm quyền bổ nhiệm là đương nhiên. Còn các chức vụ như phó các ban tham mưu, các bộ thiên về hoạt động chuyên môn như Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT… có thể bổ nhiệm cấp thứ trưởng là Việt kiều được không, nếu họ thực sự giỏi trên cương vị đó? Hoặc giao cho họ làm Tổng công trình sư một dự án nào đó, ví dụ như xây dựng ngành chip bán dẫn chẳng hạn..." - đó là chia sẻ của GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), được VietTimes đăng tải trong bài viết tiếp theo.