Dự án này, được đẩy nhanh ngay sau khi cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ, sẽ giúp lấp khoảng trống trong sức mạnh quân sự của Nga.
Mẫu trực thăng không người lái (drone) mới sẽ “theo dõi các drone cỡ nhỏ và tốc độ cao của kẻ địch ở độ cao cực thấp”, một nguồn tin quốc phòng tiết lộ với hãng thông tấn RIA của Nga trong tháng này.
Nguồn tin trên cho hay mẫu drone trực thăng mới đã được phát triển từ tháng 11, thêm rằng các nỗ lực nghiên cứu và phát triển đã được đẩy nhanh để phản ứng trước “vai trò ngày càng lớn của các mẫu drone tấn công, được sử dụng trong các cuộc xung đột trong khu vực mới đây nhất”.
Nguồn tin này không nên chi tiết, nhưng nhiều loại drone do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã được sử dụng trong cuộc xung đột Azerbaijan-Armenia, và hỗ trợ lực lượng Azerbaijan phá tan hàng phòng thủ của Armenia.
Theo nguồn tin, mẫu drone mới của Nga sẽ được phát triển dựa trên công nghệ sẵn có để đẩy nhanh tốc độ sản xuất. Nhưng chuyên gia phân tích quân sự kỳ cựu Mikhail Khodaryonok – vị cựu đại tá thuộc lực lượng phòng không Liên Xô – tỏ ý hoài nghi về việc sử dụng các drone trực thăng trong nhiệm vụ phòng không.
“Nó cần phải mang được rất nhiều trang bị, và chi phí sẽ rất cao. Bởi vậy tốt hơn là nên dùng các hệ thống radar mặt đất cổ điển, có độ chính xác cao hơn” – ông nói với Defense News.
Đây không phải mẫu drone trực thăng duy nhất mà Nga đang phát triển. Rossiyskaya Gazeta, hãng tin của chính phủ Nga, đưa tin rằng nước này cũng đang phát triển một mẫu drone trực thăng khác. Hãng tin này dẫn một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung ương của Không quân Nga, nói rằng mẫu drone này có trọng lượng 2,5 – 3 tấn, có tầm hoạt động 20 – 30 km.
Nếu một trong hai mẫu drone này được vào biên chế quân đội, nó sẽ là mẫu drone trực thăng đầu tiên của quân đội Nga. Nước này hiện cũng có một số lượng các drone chuyên thu thập thông tin tình báo.
Ý tưởng về việc sử dụng drone trực thăng từ lâu đã được Hải quân Nga xem xét. Năm 2012, họ từng muốn thử nghiệm các mẫu drone có tên Horizon Air S-100 – được cấp phép bởi một nhà sản xuất địa phương thông qua công ty Áo Schiebel. Tuy nhiên, dự án chưa từng được công nhận.
Mẫu drone Orion – có tầm băn thấp và khả năng hoạt động trong thời gian dài – của Nga cũng được sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Lần đầu tiên mà nó ra mắt là tại triển lãm Quốc phòng Army-2020, tổ chức hồi tháng 8 vừa qua ở Moscow. 3 chiếc Orion đầu tiên – được thiết kế bởi công ty Kronstadt, trụ sở tại St. Petersburg – đã được Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng trong tháng 8.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong việc phát triển drone của Nga chính là về động cơ, vốn được sản xuất trong nước. “Xét về vấn đề này, chúng tôi vẫn chưa thể bằng các nước khác”, ông Khodaryonok nói.