Hệ thống Thông tin Liên lạc Hiện trường (FICS) quân sự của Mỹ nhìn bề ngoài không hào nhoáng như các loại vũ khí mà nước này từng bán cho Đài Loan trong năm nay, tuy nhiên nó lại là hệ thống không thể thiếu trong trường hợp hòn đảo này phải đối phó với lực lượng chiến tranh mạng ngày càng lớn mạnh của PLA; theo giới phân tích.
Trong hôm đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông báo cho Quốc hội về khả năng bán FICS cho Đài Loan với tổng trị giá 280 triệu USD, nhằm giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang của hòn đảo này và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy.
Thương vụ này bao gồm 153 điểm liên lạc, 24 điểm kết nối liên lạc, 8 hệ thống kiểm soát mạng lưới, các trang thiết bị liên quan cùng một khóa huấn luyện, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần; theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ.
“Hệ thống này nhìn có vẻ không choáng ngợp như tên lửa không đối đất tầm xa AGM-84H (SLAM-ER) hay tên lửa chống hạm Harpoon mà Washington đã bán cho Đài Loan trong năm nay, nhưng tầm quan trọng của nó chắc chắn là lớn không khác gì” – Kevin cheng, chủ biên của nguyệt san Asia-Pacific Defence có trụ sở tại Đài Bắc, nói.
Kể từ tháng 5, Mỹ đã phê duyệt 6 thương vụ vũ khí với Đài Loan, với tổng giá trị lên tới 5,58 tỉ USD, trong đó bao gồm nhiều drone MQ-9B Sea Guardian, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HMARS), các dàn phóng M142, tên lửa bờ biển Harpoon, ngư lôi MK48 và nhiều tên lửa AGM-84H/K SLAM-ER.
Bắc Kinh đã liên tục nhắc lại phản ứng của họ trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Nhấn mạnh rằng hệ thống liên lạc điện tử của Đài Loan khá yếu so với sức mạnh liên lạc điện tử ngày càng mạnh của PLA, ông Cheng nói rằng hệ thống tối tân hơn của Mỹ - được sử dụng bởi quân đội Mỹ - sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp bộ chỉ huy thông tin trung ương của Đài Loan bị tấn công hoặc bị PLA làm cho tê liệt.
Ông Cheng nói rằng hệ thống mới không chỉ giúp cung cấp thông tin thời gian thực trên chiến trường cho bộ chỉ huy, mà còn ngăn chặn hữu hiệu sự can thiệp điện tử của hệ thống chiến tranh mạng của PLA.
“Khả năng cơ động của hệ thống này có thể giúp đưa ra các lệnh triển khai binh sĩ trên nhiều chiến trường và phản ứng thời gian thực, trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa quân sự từ PLA” – ông Cheng nói.
Hệ thống này cũng có thể được sử dụng để ứng phó các thảm họa thiên nhiên, như các trận động đất lớn và sạt lở đất, ông Cheng nói. Ông thêm rằng với sự hỗ trợ của FICS, binh sĩ Đài Loan tham gia nhiệm vụ cứu trợ có thể nhận được những thoogn tin kịp thời từ các xe tải có trang bị thiết bị nhận tin.
Trong một trận động đất xảy ra năm 1999, khiến hơn 2.400 người thiệt mạng ở miền Trung Đài Loan, quân đội đã sử dụng Thiết bị Nhận tin di động (IMSE) để hỗ trợ các nhiệm vụ cứu hộ, nơi mà mạng lưới thông tin liên lạc bị tê liệt.
Giới phân tích nói rằng hệ thống tối tân hơn này dự kiến sẽ thay thế cho IMSE, vốn đã lỗi thời sau nhiều thập kỷ được sử dụng.
“Trong lúc PLA nhanh chóng nâng cao khả năng chiến tranh điện tử, gây nên mối đe dọa tăng dần với Đài Loan, thương vụ bán hệ thống này cho chúng tôi là đúng lúc và cần thiết” – Chang Han-ching, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, nhận định.
Ông nói rằng Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan cũng đang nghiên cứu và phát triển các hệ thống liên lạc quân đội tương tự, và rằng quân đội Đài Loan có thể được chuyển giao công nghệ như một phần trong thương vụ mua FICS.
Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch của Hội đồng Thương mại Mỹ-Đài Loan – một cơ quan quan trọng giúp giới chức Mỹ và Đài Loan trao đổi quan điểm về các thương vụ vũ khí – nói rằng thỏa thuận mới giúp Đài Loan tiếp tục hiện đại hóa quân đội, cung cấp cho các lực lượng vũ trang của hòn đảo này thông tin liên lạc được cải thiện và tăng cường khả năng tương tác.
Theo SCMP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu