Nga "cạn kiệt" xe tăng, liệu sức mạnh của quân đội Trung Quốc có chịu ảnh hưởng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga được cho là đã mất hàng nghìn xe tăng, máy bay và vũ khí ở Ukraine. Vốn phải phụ thuộc vào nguồn cung phụ tùng từ nước ngoài, có nhiều câu hỏi về việc liệu Moscow có thể duy trì cuộc chiến?
Những chiếc xe tăng Nga bị tiêu diệt ở làng Dmitrivka, gần Kiev, Ukraine (Ảnh: AP)
Những chiếc xe tăng Nga bị tiêu diệt ở làng Dmitrivka, gần Kiev, Ukraine (Ảnh: AP)

Hiện nay, Moscow đã phải điều mẫu xe tăng cũ kỹ T-62M lấy từ trong kho ra để thành lập các đơn vị mới chiến đấu ở Ukraine, Lực lượng vũ trang Ukraine nói trong tuần trước. Những chiếc xe tăng này, biên chế từ năm 1983, cũng được chụp ảnh khi đang được chuyển lên xe lửa tại một địa điểm được xác định là trạm đường sắt Melitopol ở Ukraine mà Nga đang kiểm soát.

Trong khi Nga đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc thay thế trang thiết bị quốc phòng ở tiền tuyến và sản xuất vũ khí mới, điều này có thể gây tác động tới khách hàng mua vũ khí lớn thứ hai của Nga: Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh của Trung Quốc sẽ giúp hạn chế tầm ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine đối với dây chuyền sản xuất vũ khí của họ.

Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu là các hệ thống động cơ đẩy cho phi cơ chiến đấu và tên lửa đất-đối-không từ Nga, nhưng Bắc Kinh hiện đang phát triển nhanh chóng các phiên bản của riêng họ, Richard Bitzinger, chuyên gia đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Ratjaratnam thuộc ĐH Nanyang, Singapore, cho hay.

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc đã mua nhiều khu trục hạm, các tàu ngầm lớp Kilo và máy bay vận tải Ilyushin Il-76, ông nói.

“Nhưng trong mọi trường hợp, Trung Quốc đều tự phát triển các sản phẩm của riêng họ, điều giúp họ giảm được sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài” – ông Bitzinger nói – “Lĩnh vực cuối cùng mà họ còn chịu sự phụ thuộc chính là động cơ của phi cơ và có thể là cả một số hệ thống tên lửa. Nhưng điều đó sẽ sớm được cải thiện.”

Trung Quốc mua máy bay Ilyushin Il-76 của Nga từ những cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc mua máy bay Ilyushin Il-76 của Nga từ những cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 (Ảnh: Xinhua)

Nga là nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ 2 thế giới từ năm 2017 đến 2021, và Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của họ chỉ sau Ấn Độ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Chất lượng các sản phẩm đến từ ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc cũng được cải thiện, một phần nhờ vào kỹ nghệ đảo ngược (Reverse Engineering) các trang thiết bị của Mỹ và Nga, theo một báo cáo năm 2021 của hãng phân tích Rand Corporation. Các công ty của Trung Quốc nghiên cứu trang thiết bị nước ngoài, sau đó tự phát triển phiên bản của riêng họ.

Ví dụ, động cơ Shenyang WS-18 của Trung Quốc là sản phẩm phát triển từ mẫu Soloviev D-30KP-2 từ những năm 1960 của Liên Xô, nhập khẩu từ Nga. Các động cơ của Nga lắp vừa trên các máy bay Y-20 và máy bay ném bom H-6K do Trung Quốc chế tạo, theo tờ China Military Online, website tin tức của Quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau đó các động cơ của Nga đã phải nhường chỗ cho động cơ WS-18 và WS-20 do Trung Quốc tự chế tạo.

Ông Bitzinger nói rằng Trung Quốc đã nỗ lực suốt 1/4 thế kỷ qua để giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, nhưng họ vẫn phải mua một số phụ tùng để bảo trì các vũ khí của Nga vẫn còn trong kho. Vũ khí Nga được cho là sẽ không tồn tại lâu trong kho của Trung Quốc bởi Liên Xô và Nga chủ yếu tập trung chế tạo vũ khí giá rẻ với số lượng lớn.

Động cơ của Nga ban đầu được lắp cho các máy bay Y-20 của Trung Quốc nhưng sau giảm dần (Ảnh: AP)

Động cơ của Nga ban đầu được lắp cho các máy bay Y-20 của Trung Quốc nhưng sau giảm dần (Ảnh: AP)

Zhou Chenming, chuyên gia phân tích thuộc hãng phân tích khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng các lệnh trừng phạt Nga chỉ có tác động nhỏ tới ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc.

“Nhìn chung, Trung Quốc có khả năng tự sản xuất. Bởi vậy, các lệnh trừng phạt không có nghĩa lý gì” – ông Zhou nói.

Vị chuyên gia nói rằng Trung Quốc giờ gần như đã ngừng mua vũ khí từ Nga, và cuộc chiến ở Ukraine không làm chậm trễ quá trình bàn giao hàng mà Trung Quốc đã đặt.

Các món hàng mà Nga bàn giao cho Trung Quốc tính từ năm 2012 đến nay bao gồm các tên lửa chống hạm, tên lửa chống tăng, súng lắp trên tàu hải quân và máy bay vận tải, theo dữ liệu của SIPRI. Nhưng lượng hàng Nga xuất khẩu sang Trung Quốc, đo lường bằng giá trị quân sự, đã giảm kể từ thời kỳ đỉnh cao năm 2005.

Các công ty chế tạo vũ khí nhà nước của Trung Quốc – một số có tên trong bảng xếp hạng các hãng hàng đầu thế giới – đã giúp cho nước này trở thành nước bán vũ khí đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, theo dữ liệu của SIPRI.

Ông Zhou nói rằng Trung Quốc có thể dễ dàng thay thế các phụ tùng nhập khẩu từ Nga bằng phụ tùng tự sản xuất trong nước, và tiến trình này chỉ mất có vài tháng.