Công tố viên đặc biệt Mueller muốn gì từ buổi họp báo thảm họa của ông ta?

VietTimes – Tổng thống Donald Trump đã từng thốt lên “Nhiệm kỳ của tôi xong rồi. Tôi bị chơi rồi” khi nghe thông báo một công tố viên đặc biệt được chỉ định để điều tra nghi án ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Người công tố viên đặc biệt đó – ông Robert Mueller mới đây đã tuyên bố từ chức. Nhà phân tích Terry Buss (Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ) đã có bài viết dành riêng cho VietTimes về câu chuyện sóng gió này của Tổng thống Donald Trump.  

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người dẫn dắt cuộc điều tra tìm hiểu xem liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có phải là một đặc vụ Nga hay không, bỗng dưng từ chức hôm 29/5. Ông đã hoàn thành bản báo cáo điều tra của mình vào ngày 22/5, và trình nó lên Tổng Chưởng lý Bill Barr, quan chức hành pháp chóp bu của Mỹ, như luật pháp quy định. Như thông thường, các công tố viên đặc biệt, sau khi hoàn thành một vụ điều tra, sẽ từ nhiệm và trở về cuộc sống dân sự. Không có điều gì bất thường ở đây cả.

Nhưng ông Mueller lại quyết định tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 29/5, không phải để thông báo về việc từ chức (điều ông đã làm) mà để kêu gọi luận tội ông Trump. Luận tội là một tiến trình mà trong đó Quốc hội cáo buộc ai đó (trong trường hợp này là ông Trump) phạm tội. Luận tội cũng tương tự như việc buộc tội ai đó vì hành vi vi phạm pháp luật của họ theo hệ thống pháp luật hình sự.

Nếu như ông Trump bị kết luận là đã phạm tội, thì ông Mueller đáng lẽ ra phải tận dụng cuộc họp báo như vậy để bình luận về tội lỗi của ông ta. Nhưng cuộc điều tra của ông Mueller lại không thể kết luận rằng ông Trump vi phạm bất cứ điều luật nào về cản trở pháp luật, để có thể khiến nhà lãnh đạo này bị luận tội. Ông Mueller không hề tìm ra bất cứ chứng cứ nào chứng minh ông Trump có liên hệ với người Nga.

Những hành động và báo cáo trước đó của ông Mueller là điều chưa từng có tiền lệ trong biên niên sử quản trị của nước Mỹ. Ông Mueller hành động cứ như thể ông là Bộ trưởng Tư pháp của một nền "cộng hòa chuối" [ám chỉ một quốc gia có nền chính trị bất ổn ở Mỹ Latinh với nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm hữu hạn] và không hiểu biết hay tôn trọng nền tư pháp, tiến trình và sự thượng tôn pháp luật.

Qua cuộc họp báo này và bằng việc công bố bản báo cáo, ông Mueller thể hiện rằng bản thân đã: 

· Làm hỏng tiến trình điều tra

· Vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống tư pháp Mỹ, các quy trình liên quan và sự thượng tôn pháp luật

· Chính trị hóa hệ thống pháp luật hình sự, và

· Để cho mối thù của ông với ông Trump ảnh hưởng tới các phân tích và kết luận điều tra.

Cuộc họp báo của ông Mueller không khác gì một xe tải chở rác đang cố biến khỏi một bãi rác, để lại đằng sau nó một vệt dài rác thải vương vãi để rồi người khác lại phải đi dọn hộ.

Ngay cả đối với những người không hề thích thú gì ông Trump, thì cách đối xử với ông Trump như vậy là không thể biện minh trong một nền dân chủ.

Như các hãng tin tức hàng ngày đã đưa tin về cuộc điều tra mối quan hệ Trump-Nga, dường như người ta càng hiểu rõ rằng báo cáo điều tra của ông Mueller - và việc mà ông Mueller nhanh chóng tổ chức cuộc họp báo - chỉ tập trung vào cáo buộc ông Trump cản trở pháp luật mà không hề liên quan gì tới Nga. Nhiều nhà phê bình tin rằng ông Mueller và những người khác từ cách đây hơn 1 năm đã hiểu rằng chẳng có sự can thiệp của Nga nào ở đây cả.

Nối tiếp sau việc ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey - người từng điều tra ông Trump vì cáo buộc liên hệ với Nga - Tổng Chưởng lý của ông Trump lúc bấy giờ là Jeff Sessions cũng tiếp tục điều tra nhờ chỉ định một công tố viên đặc biệt vào tháng 5/2017, đó chính là ông Robert Mueller.

Vai trò chính của ông Mueller trên cương vị công tố viên đặc biệt là tìm hiểu xem liệu có "nguyên nhân hợp lý" nào để tin rằng ông Trump phạm tội trong vụ câu kết với chính quyền Nga gây ảnh hưởng tới kỳ bầu cử Tổng thống 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump, bất lợi cho bà Clinton hay không. Mueller trong buổi họp báo vừa qua nói rằng: "...không có đủ bằng chứng để chỉ ra một âm mưu lớn hơn".

Hãy đặt kiểu bằng chứng này vào bối cảnh cụ thể. Các nhà điều tra đến từ FBI, CIA, NSA, các ủy ban trong Quốc hội, hàng loạt các cuộc điều tra độc lập của nhiều hãng truyền thông lớn, trên mạng xã hội đã bỏ ra hơn 2 năm để tìm hiểu, điều tra nhưng đều không thể đưa ra bằng chứng chứng minh ông Trump là một điệp viên Nga, hay "con rối" của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Mueller mất tới 2 năm chỉ để đưa ra kết luận tương tự.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ảnh AP)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ảnh AP)

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng ông Mueller chưa từng kết tội hay khởi tố ông Trump, đội ngũ nhân viên trong Nhà Trắng hay tổ chức vận động chiến dịch của ông vì câu kết với Nga. Không một ai cả! Những người phải ngồi sau song sắt chỉ là do bị phát hiện đã nói dối FBI hoặc tiêu hủy chứng cứ trong quá trình điều tra.

Bởi vậy, mục tiêu điều tra của ông Mueller luôn là cáo buộc ông Trump cản trở pháp luật (chứ không phải cấu kết với Nga), được cho là xảy ra trong lúc ông Trump sa thải ông Comey. Nên nhớ rằng ông Comey và Mueller là bạn tốt của nhau, và rằng ông Comey chính là người ra quyết định chỉ định ông Mueller vào vị trí công tố viên đặc biệt. Xung đột về lợi ích chăng?

Vụ điều tra cáo buộc câu kết với Nga giờ nhìn không khác gì một âm mưu thất bại, trong đó sử dụng thông tin giả để gây bất lợi cho ông Trump trong một vụ bê bối được dựng lên nhằm loại bỏ ông.

Giờ đây, Tổng Chưởng lý Bill Barr lại đang mở một cuộc điều tra của riêng ông nhằm vào chính "các nhà điều tra" để tìm hiểu xem cuộc điều tra về cáo buộc câu kết với Nga bắt đầu như thế nào, vô số các cuộc điều tra được thực hiện và quản lý ra sao, và tại sao mà sau nhiều nỗ lực như vậy, không có kết luận nào được đưa ra; trong khi vô số điều luật bị vi phạm trong quá trình điều tra.

FBI, CIA, các ủy ban Quốc hội, các kênh truyền thông đại chúng và có khi là cả đội ngũ của ông Mueller chắc hẳn phải rất lo lắng, đặc biệt là nếu họ bị điều tra về việc sử dụng những phương pháp mà ông Mueller từng áp dụng với ông Trump.

Mục đích thứ hai - và có thể mục đích chính của ông Mueller - chính là tìm hiểu xem liệu ông Trump có phạm luật khi "cản trở" quá trình điều tra của ông Comey bằng cách sa thải ông này "một cách phi pháp" hay không. Vụ việc này thì còn lâu mới kết thúc, và có thể kéo dài cho đến tận kỳ bầu cử Tổng thống tiếp theo vào năm 2020.

Trong cuộc họp báo mới đây, ông Mueller nói về việc cản trở này rằng: "...như đã nêu ra trong bản báo cáo....Tuy nhiên, chúng tôi không thể kết luận được rằng liệu Tổng thống có phạm luật hay không".

Có 2 vấn đề ở đây. Thứ nhất, ông Mueller nói rằng: "...nếu chúng tôi có đủ bằng chứng rằng Tổng thống rõ ràng không phạm luật (cản trở luật pháp), thì chúng tôi sẽ kết luận như vậy". Điều này ám chỉ rằng ông Mueller và chính quyền bang có quyền được miễn tội hoặc không đối với một cá nhân. Ông Mueller và chính quyền bang không hề có thứ quyền lực này!

Quy định pháp luật ở Mỹ luôn luôn dựa trên giả định rằng một người là vô tội "trừ khi hoặc cho đến khi họ được chứng minh là có tội dựa trên sự ngờ vực hợp lý trước tòa xét xử". Hệ thống của Mỹ, không giống như các nước khác, không giả định rằng khi vừa bị cáo buộc một tội danh, một người - kể cả Tổng thống - đã tự động trở thành có tội cho đến khi họ được chứng minh vô tội. Bởi vậy, việc ông Mueller tuyên bố rằng ông Trump không được "xá tội" đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp Mỹ. Điều này cũng được Tổng Chưởng lý Barr nêu rõ khi phản đối biện pháp điều tra của ông Mueller.

Thêm vào đó, ông Mueller tuyên bố rằng ông không biết liệu ông Trump có phạm tội cản trở pháp luật hay không, nhưng nói rằng "có khả năng" là vậy. Điều này đã vi phạm quy trình tố tụng một cá nhân: Các công tố viên chỉ được phép cung cấp "nguyên nhân hợp lý" để tin rằng một cá nhân phạm tội, chứ không phải là "có khả năng" là họ đã phạm tội.

Tại sao điều này quan trọng đến vậy? Những người khai lập ra nước Mỹ hiểu rằng danh dự của một cá nhân có thể bị hủy hoại nghiêm trọng, hoặc cuộc sống của họ cũng bị hủy hoại chỉ vì phải đối mặt với quá trình tố tụng. Bởi vậy, họ áp dụng "giả định vô tội" trừ khi và chỉ cho đến khi một người được chứng minh là có tội. Điểm cần chú ý ở đây là một người có khả năng đã phạm tội chưa chắc là họ đã bị tuyên là có tội.

Thế nhưng, ông Mueller luôn cố gắng hủy hoại ông Trump một cách có chủ đích trong bản báo cáo của mình và trong cuộc họp báo vừa qua.

Trớ trêu thay, trong tuyên bố của mình, ông Mueller nhắc lại cho chúng ta rằng, những cá nhân người Nga mà ông từng cáo buộc can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn được "giả định là vô tội" cho tới khi họ được chứng minh là có tội.

Ông Mueller còn tiếp tục nói rằng, không có ai đứng trên luật pháp ngay cả Tổng thống. Nhưng sau đó lại để ông Trump ĐỨNG DƯỚI pháp luật, trong khi những bị cáo Nga lại được ứng xử tốt hơn theo luật pháp!

Không có một tòa án nào ở Mỹ, từ tòa án địa phương cấp thấp nhất cho tới Tòa án Tối cao, lại đi đối xử với bất cứ một ai như cách mà ông Mueller đối xử với ông Trump. 

Thứ hai, ông Mueller nói trong cuộc họp báo rằng chính sách của Bộ Tư pháp nêu rõ rằng: "... một vị Tổng thống không thể bị cáo buộc phạm tội liên bang trong lúc đang còn tại vị". Bởi vậy, ông Mueller không thể buộc tội ông Trump tội cản trở pháp luật.

Ông Mueller nói rằng ông không thể buộc tội một vị Tổng thống đương nhiệm, nên ông không thể đưa ra bằng chứng phạm tội đối với ông Trump. Nhưng khi ông Mueller thảo luận về bản báo cáo điều tra với Tổng Chưởng lý Barr cùng đội ngũ của mình từ trước cuộc họp báo rất lâu, ông đã nhấn mạnh rằng quy định kể trên không thể được lấy ra làm lời biện minh cho việc không buộc tội ông Trump.

Thêm vào đó, ông Barr còn nói rằng ông Mueller có thể và đáng lẽ ra nên kết luận hoặc ông Trump vô tội hoặc có tội. Bởi vì nhiệm vụ duy nhất của ông Mueller chính là quyết định xem buộc tội hay không buộc tội ông Trump trong cáo buộc cản trở pháp luật. Đó là kiểu lựa chọn 1 trong 2, có hoặc không. Và, không có gì cản trở ông Mueller đưa ra kết luận về một vụ phạm pháp nếu ông đưa ra được bằng chứng. Nếu một công tố viên đặc biệt không thể báo cáo nổi về việc phạm tội hay không phạm tội, vậy thì văn phòng của ông ta chả có tác dụng gì!

Ông Mueller còn nói rằng sẽ là "không công bằng" với ông Trump nếu kết luận việc cản trở pháp luật có xảy ra, bởi ông Trump sẽ không thể tự bảo vệ mình trước tòa án xét xử. Nhưng sau đó ông Mueller lại tổ chức một cuộc họp báo với mục đích gây sức ép để phe Dân chủ trong Quốc hội luận tội ông Trump.

Công tố trưởng Robert Mueller (ảnh AP)
Công tố trưởng Robert Mueller (ảnh AP)

Tại sao ông Mueller không kết tội ông Trump cản trở pháp luật? Là do bằng chứng mà ông Mueller đưa ra không đủ: Nó không chứng minh được rằng ông Trump cố tình vi phạm luật pháp bằng việc cản trở pháp luật. Khi không có chủ định, thì việc cản trở pháp luật lại không phải một tội. Bởi vậy, ông Mueller buộc phải đưa ra một chứng cứ không hoàn thiện, với mục đích để cho những người khác dựa vào nó mà chống lại ông Trump.

Có thể ông Mueller đã nghĩ rằng, Tổng Chưởng lý Barr sẽ đưa ra kết luận không có vụ cản trở pháp luật nào cả, ngay cả khi ông Mueller có bằng chứng là có việc vi phạm. Nếu điều này thực sự xảy ra, kế hoạch tuồn bằng chứng cho Quốc hội của ông Mueller sẽ bị phá hỏng. Việc ông Barr kết luận ông Trump không cản trở pháp luật sẽ khiến cho việc luận tội ông Trump trở nên khó khăn hơn. Và trên thực tế, đúng là ông Barr đã thảo luận với các chuyên gia pháp lý hàng đầu ở Bộ Tư pháp về báo cáo của ông Mueller, và sau đó kết luận rằng ông Trump không cản trở pháp luật.

Hoặc cũng có thể ông Mueller đã cảm thấy rằng, nên để quyết định phán quyết cho bên Quốc hội - nơi mà ông Trump chắc chắn sẽ bị phe Dân chủ luận tội. Ông Mueller dường như nói ám chỉ trong cuộc họp báo rằng phe Dân chủ nên thúc đẩy tiến trình luận tội Trump. Nhưng vấn đề là đó không phải thẩm quyền hay trách nhiệm của ông Mueller, mà của ông Barr!

Mà dù nguyên nhân đằng sau có thế nào thì ông Mueller cũng chỉ chăm chăm muốn gây tổn thương nặng nề cho ông Trump, một thứ rõ ràng không phù hợp với một vị công tố viên.

Hãy nhớ về điều này. Ông Trump hiện đang chịu công kích suốt 24/7 từ phe phản kháng lại ông kể từ hồi tháng 11/2016. Vụ án cấu kết với Nga trong bầu cử được xác nhận là không phù hợp. Nhiều người nghĩ rằng cáo buộc này là không phù hợp từ trước khi ông Mueller được chỉ định điều tra nó. Bởi vậy, khi ông Trump phản công lại những kẻ cáo buộc mình - những người đang phá luật - thì liệu hành động đó có bị coi là cản trở pháp luật hay không, khi mà ông không hề vi phạm pháp luật? Giới chuyên gia pháp lý có thể không đồng tình với luận điểu này, nhưng dư luận nói chung cho rằng ông Trump đã đúng khi quyết định tự bảo vệ mình khỏi những đòn công kích đến từ cả hai đảng, những đòn công kích phi dân chủ và phi pháp.

Sau khi thả một "trái bom nguyên tử" xuống Quốc hội, Bộ Tư pháp và người dân Mỹ, ông Mueller tuyên bố trong cuộc họp báo rằng ông sẽ không điều trần trước các ủy ban trong Quốc hội về vụ điều tra ông Trump, Nga và cản trở pháp luật. Ông nói: "...điều quan trọng là các văn bản báo cáo đã tự nói hết rồi". Bởi vậy ông không có thêm điều gì để báo cáo.

Thứ nhất, bản báo cáo không thể tự nói được. Ông Mueller tổ chức một cuộc họp báo bởi vì bản báo cáo không thể tự nói lên điều gì và ông Mueller muốn giải thích về nó. Bản báo cáo là một nỗi hổ thẹn chỉ chăm chăm vào việc hạ thấp uy tín của ông Trump và vì mục đích luận tội ông.

Ông Mueller dường như đang sống trong một vũ trụ khác. Ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều trần nếu như có trát của Quốc hội gửi xuống, dù ông ta có phản đối hay không. Tất cả những người quan tâm đến vấn đề này đều muốn tìm hiểu xem ông ta đang nghĩ gì trong đầu.

Lập luận pháp lý của ông Mueller trong bản báo cáo rất mập mờ, đáng ngờ đối với nhiều người - ngay cả với Tổng Chưởng lý Barr và đội ngũ pháp lý của ông - trong khi bằng chứng và các phân tích của ông dường như có nhiều lỗ hổng và mang tính thành kiến. Điều này cần phải được làm rõ.

Nỗ lực yếu đuối của Mueller nhằm kêu gọi phe Dân chủ luận tội Trump trong cuộc họp báo, và chiến lược báo cáo của ông nhằm giữ cho cáo buộc cản trở pháp luật kéo dài trong nhiều năm nữa...cũng cần lời giải thích.

Thêm vào đó còn nhiều vấn đề: Liệu ông Mueller có cảm thấy đảng Dân chủ đang hành động quá chậm trễ và muốn nhắm phát bắn cuối cùng vào ông Trump? Ông Mueller đang nuôi hy vọng phá hoại ngầm ông Barr bởi ông này công bố các tài liệu ủng hộ ông Trump từ báo cáo của ông Mueller? Cuộc điều tra mới của ông Barr nhằm vào chính cuộc điều tra của ông Mueller khiến đảng Dân chủ sợ hãi đến nỗi phải đẩy nhanh tiến trình luận tội ông Trump để đánh lạc hướng dư luận? Ông Mueller cảm thấy rằng bản báo cáo mơ hồ của ông không đủ rõ ràng để ám chỉ Trump cản trở pháp luật nên phải tổ chức cuộc họp báo để tô rõ thêm dụng ý đó?

Và quan trọng nhất, là có phải Ông Mueller biết rằng không có cơ sở để cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc câu kết với Nga, nên phải quay sang tập trung vào cáo buộc cản trở pháp luật để có cớ thúc đẩy Quốc hội luận tội ông Trump?

Chắc hẳn ông Trump cảm thấy rất thú vị khi chứng kiến ông Mueller bại trận trên cùng một sàn đấu Karate mà ông đã từng đấu suốt 2 năm qua. Đúng là Nghiệp báo.

Cuối cùng, tại sao một vị luật sư từng nhận được sự tôn trọng của cộng đồng lại dấn quá sâu vào chính trị và lạc lõng đến nỗi đánh mất danh tiếng của mình như vậy? Dường như ngay cả cộng sự trong đảng Dân chủ của ông Mueller cũng không thể vui nổi với màn thể hiện của ông trong cuộc điều tra vừa qua.

Hãy chờ xem diễn biến vụ xét xử ông Trump trong các tuần tới đây.

Xét một cách toàn diện, người dân Mỹ nên đòi lại tiền thuế của mình !

"Bản báo cáo chính là lời điều trần của tôi".

"Mặc dù bản báo cáo này không kết luận rằng Tổng thống phạm tội (cấu kết với người Nga), nhưng nó cũng không phải là miễn tội cho ông ta" - Công tố viên Robert Mueller

Huyền Chi (chuyển ngữ)