173 công ty sản xuất giày dép Mỹ cảnh báo ông Trump: tăng thuế sẽ là đòn đánh có tính hủy diệt đối với người tiêu dùng, các công ty và toàn bộ nền kinh tế Mỹ. |
Đánh thuế hàng Trung Quốc là hại người và tự hại mình?
Hôm 13.5, chính phủ của ông Donald Trump tuyên bố có kế hoạch tăng thuế lên đến 25% đối với số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ còn lại trị giá hơn 300 tỷ USD. Đối tượng tăng thuế bao gồm giày dép, quần áo, smartphone. Dư luận lo ngại một khi đợt đánh thuế mới này được phát động sẽ giáng đòn mạnh vào người tiêu dùng Mỹ.
Thư có đoạn viết: “Chúng tôi đại diện cho hàng trăm triệu người tiêu dùng giày và mấy chục vạn công nhân thỉnh cầu ngừng ngay việc tăng thuế, giảm bớt gánh nặng thuế cho chúng tôi. Là một ngành mỗi năm nộp 3 tỷ USD tiền thuế, chúng tôi có thể bảo đảm, bất cứ đôi giày nhập khẩu nào giá thành tăng cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ; hành động tăng thuế do ngài Tổng thống trên thực tế là yêu cầu người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu. Nay đã đến lúc kết thúc cuộc va chạm mậu dịch này được rồi”.
Bức thư hy vọng Tổng thống thay đổi ý định tăng thuế trên. Bức thư được biết cũng được gửi cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc gia Larry Kudlow, đồng thời còn được đăng trên trang web của Hiệp hội mậu dịch Mỹ.
Việc tăng thuế đánh vào sản phẩm giày dép nhập từ Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho cả ngành sản xuất giày dép và người tiêu dùng Mỹ
|
Hãng tin Anh Reuters ngày 17.5 đưa tin, ông Paul Burke, quan chức phụ trách kinh doanh thị trường đậu tương của Ủy ban xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) bày tỏ, cho dù cuộc đàm phán giữa hai bên nhanh chóng kết thúc, Trung Quốc cũng không thể có khả năng nhanh chóng quay lại nhập khẩu mức đậu nhiều kỷ lục như năm 2016; Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu hạt lớn nhất của Mỹ.
Hiệp hội Đậu tương Hoa Kỳ (American Soybean Association) cũng ra tuyên bố bày tỏ, việc tăng thuế quan đã gây nên tình hình tồi tệ cho nông dân trồng đậu Mỹ. Ông chủ tịch Hiệp hội Davie Stephens bày tỏ, tuy biết là ông Trump và chính phủ định ra mục tiêu dài rộng vì lợi ích nước Mỹ, nhưng nông dân đã lâm vào “tình cảnh tuyệt vọng”, hy vọng cuộc tranh chấp được giải quyết chứ không tiếp tục leo thang.
Ngoài ra, tờ “Nihon Keizai Shinbun” của Nhật hôm 15.5 đưa tin, ông Thomas Donohue, Chủ tịch Hội kinh doanh Hoa Kỳ (American Chamber of Commerce) khi trả lời phỏng vấn báo này tại Tokyo đã bày tỏ quan điểm về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ông T.Donohue nói: “Bất kể là ai chi tiền thuế thì cũng đều không có lợi cho cả kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc. Các công ty Mỹ phải chịu gánh nặng thuế gia tăng, giảm bớt xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Nền kinh tế Mỹ hiện nay đang giữ được vững chắc, nhưng nếu việc đánh thuế trở nên lâu dài sẽ gây nên ảnh hưởng trái chiều rất lớn. Bất cứ bên nào cũng đều không cần thiết phải trở thành bên thắng cuộc, cái cần đạt được là một hiệp nghị tích cực duy trì được quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước”.
Ông Thomas Donohue cho rằng việc tăng thuế gây thiệt hại cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc
|
Ông T.Donohue cho rằng: “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian mới xây dựng được chuỗi cung ứng; nếu bị chặt đứt giữa chừng sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế”.
Cơ cấu “think tank” châu Âu “EconPol Europe” nhận định: “Các sản phẩm Mỹ bao gồm Iphone của Công ty Apple khó có thể tìm được các công ty bên ngoài Trung Quốc cung ứng cho sản phẩm điện tử của họ cũng sẽ trở thành đối tượng bị hại, sẽ khiến vật giá và kinh tế Mỹ bị biến động rất lớn”.
Vật giá leo thang sẽ dẫn đến thu nhập thực tế bị giảm, đè nặng lên nền kinh tế; mặt khác Ủy ban dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FRB) cũng sẽ khó có thể duy trì tư thế “phái bồ câu”, thị trường cổ phiếu sẽ mất đi nhân tố khống chế.
Sau Huawei đến lượt công ty sản xuất drone DJI bị vào tầm ngắm
Trong một diễn biến liên quan, sau khi xác định thời gian biểu áp dụng các biện pháp trừng phạt “người khổng lồ công nghệ Huawei”, chính phủ của ông Donald Trump lại nhằm đến một công ty công nghệ khác của Trung Quốc.
Theo CNN ngày 20.5, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (United States Department of Homeland Security, DHS) đã bày tỏ lo ngại về hiểm họa ăn cắp các số liệu của các máy bay không người lái loại nhỏ (drone) của Trung Quốc.
Sau Huawei đến lượt công ty sản xuất máy bay không người lái DJI có thể hứng đòn trừng phạt của Mỹ
|
CNN cho biết, cũng giống như Mệnh lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump, bản cảnh báo này của DHS không nêu rõ tên công ty nào, nhưng 80% drone sử dụng ở Mỹ và Canada đều là sản phẩm của Công ty Đại Cương (DJI) ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Trên thị trường drone thế giới hiện nay, thị phần của DJI chiếm tới 75%, thu nhập năm 2017 của công ty này tới 2,7 tỷ USD.
Văn bản cảnh báo của DHS nhắc nhở các khách hàng Mỹ khi mua drone của Trung Quốc cần đề cao cảnh giác, hiểu rõ mối nguy hiểm, thận trọng thao tác để đề phòng thông tin và số liệu bị đánh cắp.
Công ty DJI đã lập tức ra tuyên bố, nhấn mạnh an toàn là giá trị cốt lõi của công ty; số liệu của các khách hàng DJI thu thập, lưu trữ và truyền đi như thế nào đều hoàn toàn do họ kiểm soát và tự chủ. Tuyên bố còn nói, hàng ngày các công ty, nhân viên cứu hộ và các ngành chính phủ Mỹ đều dựa vào các drone của DJI để cứu người, kiểm soát an ninh, vận chuyển....DJI chịu trách nhiệm cao về việc này.
Ngày 21.5, DJI lại lên tiếng, khẳng định tính an toàn kỹ thuật sản phẩm của họ đã được chứng minh trên toàn cầu và họ sẽ hợp tác với chính phủ các nước.
Mặc dù năm 2017, quân đội Mỹ đã cấm mua các drone của Trung Quốc, nhưng các đơn vị cơ sở thuộc các cơ quan chấp pháp, Cục Đo vẽ... của Mỹ vẫn mua và sử dụng rất nhiều./.