Về câu hỏi thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích rằng do các cuộc đàm phán diễn ra quá chậm chạp bởi Trung Quốc cố tình thay đổi các điều kiện để đạt được thỏa thuận có lợi cho họ. Còn các thành viên trong đoàn đàm phán Mỹ cũng như giới chuyên gia đã đưa lời giải thích là do Trung Quốc đã sửa lại những nội dung then chốt trong bản dự thảo thỏa thuận đạt được dày gần 150 trang sau 10 vòng đàm phán.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xóa bỏ những từ ngữ có tính ràng buộc pháp lý trong bản dự thảo thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho họ vi phạm cam kết trong tương lai. Cách làm này của Trung Quốc tương tự như khi họ đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó Trung Quốc tré nánh tất các các câu chữ có tính ràng buộc pháp lý để họ tiện bề tự do hành động trong tương lai. Chính vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng cảnh báo, ngay cả sau khi thỏa thuận đã được ký kết, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ cho tới khi nào Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản đã cam kết.
Các mức thuế quan Hoa Kỳ và Trung Quốc áp đặt lên nhau
|
Cũng để trả lời câu hỏi thứ nhất, ông Stephen Bannon, nguyên cố vấn chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/5/2019 là vào thời điểm này các đoàn đàm phán của hai bên bắt đầu thảo luận về những vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa then đối với quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Đó là, mâu thuẫn giữa mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ với mô hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền của Trung Quốc.
Theo mô hình Trung Quốc, chính phủ tài trợ cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới. Chính vì thế, Mỹ và nhiều nước Phương Tây coi kinh tế Trung Quốc là “phi thị trường”, trong đó vai trò của nhà nước là thuộc tính căn bản có tính hệ thống của mô hình phát triển của quốc gia này. Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh phải thay đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc và điều này đã vượt ra khỏi khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại trước sau như một tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chấp nhận thay đổi mô hình kinh tế trước bất cứ sức ép nào từ Mỹ!
Cũng theo ông Stephen Bannon, một vấn đề cốt lõi nữa chưa được hóa giải giữa hai bên là cách thức kiểm soát quá trình thực hiện thỏa thuận, theo đó Mỹ muốn dành cho họ quyền đơn phương xác định hành động của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận và áp dụng biện pháp tăng thuế và thậm chí là cấm vận. Yêu cầu này của Mỹ không chỉ áp dụng đối với Trung Quốc mà đã từng được áp dụng đối với các đối tác cạnh tranh khác của Mỹ như Nga, Iran, Triều Tiên và thậm chỉ cả các đồng minh chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU).
Ông Stephen Bannon ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu vào Mỹ. Ông còn nêu rõ những nội dung then chốt mà Mỹ không thể nhân nhượng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Đó là: (1) Bắc Kinh phải chấm dứt chủ trương ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho họ trong khi đầu tư vào Trung Quốc; (2) Bắc Kinh phải xóa bỏ hàng rào thuế quan quá cao đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc; (3) Trung Quốc phải chấm dứt chủ trương thao túng tiền tệ như hạ giá trị đồng Nhân dân tệ quá thấp hơn giá trị thị trường để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu; (4) Trung Quốc phải chấm dứt mọi hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hoạt động tình báo công nghiệp. Theo Stephen Bannon, trên thực tế, trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc đã âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế nhằm vào các nước công nghiệp phát triển ở Phương Tây, trước hết là Mỹ và đây là nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ [2].
Theo nhận định của Donald Trump, Trung Quốc đang cố tìm cách “câu giờ” để chờ đợi một thỏa thuận thương mai với Mỹ do Bắc Kinh tin rằng một ứng cử viên của Đảng Dân chủ sẽ đánh bại ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ được khởi động vào năm 2020. Vì thế, Trung Quốc luôn tuyên bố sẽ không gây chiến thương mại với Mỹ và cũng không sợ cuộc chiến đó bởi biện pháp tăng thuế của Mỹ chỉ làm giảm không đáng kể mức tăng trưởng của Trung Quốc.
Bắc Kinh cho biết, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn phát triển ổn định, trong đó GDP trong quý 1/2019 tăng 6,4%, cao gấp 2 lần so với mức tăng GDP của Mỹ (3,2%). Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 4,3% trong 4 tháng đầu năm 2019 và thặng dư thương mại tăng 31,8%, đạt mức 618/17 tỷ USD. Do đó, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư và hỗ trợ để kích thích tăng trưởng kinh tế và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc tăng thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chỉ làm giảm mức tăng GDP của Trung Quốc 0,2-0,3%. Nếu Mỹ sẽ áp thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ thì GDP của Trung Quốc cũng chỉ giảm 0,3-0,4% và làm giảm mức tăng GDP xuống 6%, thay vì 6,5% như kế hoạch. Còn các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ mất 1 triệu việc làm và GDP giảm 0,37% [3,4].
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu Trung Quốc không chấp nhận ký kết một thỏa thuận thương mại theo yêu cầu của Mỹ vào lúc này thì họ sẽ phải đối mặt một thỏa thuận với các điều kiện ràng buộc còn gắt gao hơn nhiều sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ 2. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa nền kinh tế tăng trưởng tích cực. Theo kết quả thăm dò của Gallub, 67% người Mỹ cho biết đây là thời cơ dễ tìm việc làm nhất do ông Donald Trump đã chuyển nền kinh tế Mỹ từ “ảo” (chủ yếu dựa vào kinh doanh dịch vụ) sang nền kinh tế thực (chủ yếu dựa vào sản xuất hàng hóa).
Nền kinh tế thực đã tạo ra 3 triệu việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 3,9% là mức thấp nhất trong 50 năm qua, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp nhất kể từ năm 1953 [4]. Theo Bộ lao động Mỹ, chỉ tính trong quý 1/2019, số việc làm ở Mỹ tăng 263.000, còn thu nhập của người lao động trong tháng 4/2019 tăng 0,2%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,6% trong tổng số người lao động. Đây là thành tựu kinh tế kỷ lục của nước Mỹ trong thập niên vừa qua [2,5].
Có thể thấy, kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống, kinh tế Mỹ tăng trưởng rõ rệt và vượt sự mong đợi. Hiện nay có tới 56% người Mỹ được hỏi ý kiến đều ủng hộ đường lối kinh tế của ông Donald Trump. Trong ba tháng đầu năm 2019, uy tín của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng đáng kể trong giới trẻ, cộng đồng người Mỹ da màu, các doanh nhân độc lập và phụ nữ. Tất cả các đối tượng thuộc nhóm nhạy cảm nhất này đối với tình hình trên thị trường lao động đã có phản ứng rất tích cực trước chính sách kinh tế của ông Donald Trump. Tình hình này tạo cho ông vững tin hơn trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc với niềm tin chắc chắn vào khả năng tái đắc cử trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2020.
Theo nhận định của Giám đốc ngân sách và hành chính của lý Nhà Trắng, ông Michael Mulvaney, có khả năng cao là trong cuộc bầu cử năm 2020 đa số các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiều ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Theo kết quả thăm dò của hãng thông tấn Mỹ CNN, ngay cả những người không có cảm tình với Donald Trump do “tính khí thất thường” thì họ vẫn ủng hộ chính sách kinh tế của ông. Ngoài ra, một động thái rất đáng chú ý trong nền chính trị Mỹ hiện nay là cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1 và cũng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Do đó, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ là nhằm tranh thủ lá phiếu của các cử tri Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2. Do đó, ai thắng ai thua trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn là câu chuyện dài mà phía Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông báo động rằng đây thực chất là cuộc Chiến tranh lạnh mới trong thế kỷ 21./.
Tài liệu tham khảo
[1] Trump may need more than tariff threats to rattle China on trade. https://www.cnbc.com/2019/05/06/trump-may-need-more-than-tariff-threats-to-rattle-china-on-trade.html
[2]Выиграет ли Трамп от тарифной войны с Китаем? https://www.fondsk.ru/news/2019/05/10/vyigraet-li-tramp-ot-tarifnoj-vojny-s-kitaem-48162.html
[3] Calmness is the best response to US' fluctuation in trade talks. http://www.globaltimes.cn/content/1148815.shtml
[4] China's foreign trade up 4.3% in first four months. http://www.chinadaily.com.cn/a/201905/08/WS5cd24a4ea3104842260ba809.html
[5] Nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump. http://enternews.vn/emagazine-kinh-te-my-duoi-thoi-donald-trump-136454.html