Bài học nào cho Việt Nam khi vận hành Nhà nước khởi tạo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Trong bối cảnh Việt Nam đang dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể học hỏi vai trò nhà nước khởi tạo mà Mỹ, Trung Quốc… đang triển khai thành công.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và Tiến sĩ Vũ Duy Thức đang trao đổi tại buổi toạ đàm về chủ đề Nhà nước khởi tạo. Ảnh: Nguyễn Luân.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và Tiến sĩ Vũ Duy Thức đang trao đổi tại buổi toạ đàm về chủ đề Nhà nước khởi tạo. Ảnh: Nguyễn Luân.

Các bằng chứng kinh tế gần đây chỉ ra rằng khi chính phủ của quốc gia nào chủ động hành động táo bạo giống như các doanh nhân khởi nghiệp, không phung phí chi tiêu công cho các nhu cầu ngắn hạn, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công thích đáng cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, quốc gia đó sẽ đạt được tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn.

Iphone và vai trò khởi tạo của Chính phủ Mỹ

“Entreupreneurship” (hay được dịch là tinh thần doanh nghiệp) là thuộc tính của doanh nghiệp, chỉ tinh thần mạo hiểm, khám phá và áp dụng cái mới để làm ra sản phẩm mới hay phương pháp sản xuất mới, tìm kiếm thị trường mới, nguyên liệu mới,…

Nhưng nếu thuộc tính này được gắn với Nhà nước thì điều gì sẽ xảy ra? Trong cuốn sách “Nhà nước Khởi tạo: Giải những huyền thoại về vai trò của Nhà nước và khu vực tư nhân” gần đây, Giáo sư Mariana Mazzucato gây bất ngờ khi đặt lại quan niệm về vai trò của Nhà nước.

Theo đó, khu vực tư nhân thường chỉ đủ can đảm để đầu tư sau khi Nhà nước đã thực hiện nhiều khoản đầu tư rủi ro cao trước đó.

Theo Mazzucato, Nhà nước Khởi tạo (Entrepreneurial State) là Nhà nước chủ động đi đầu không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới mà còn tạo ra thị trường mới, từ đó dẫn dắt khu vực tư nhân đi theo.

Chọn Mỹ, quốc gia được xem là nước tư bản chủ nghĩa điển hình trong đó vai trò chủ đạo là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế thị trường, và nhà nước chỉ đóng vai trò ổn định vĩ mô và điều chỉnh, bổ sung khi thị trường thất bại.

Giáo sư Mazzucato đã chứng minh rằng nhà nước Mỹ đã có một vai trò khởi nghiệp, sáng tạo, cách tân, chịu đựng rủi ro, nghĩa là có đủ các thuộc tính như doanh nghiệp.

“Trong hàng thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ đã và đang triển khai các dự án đầu tư công lớn vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, là tiền đề cho thành công kinh tế của Mỹ trong quá khứ và hiện tại.

Từ Internet, công nghệ sinh học và khí đá phiến, chính phủ Mỹ đều đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo – họ thường đầu tư vào giai đoạn sơ khai nhất của quá trình đổi mới sáng tạo, cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này dựa hơi để tiếp tục phát triển”, Mazzucato nhấn mạnh.

Nếu không có vai trò khởi tạo này của nhà nước thì Mỹ không có Thung lũng Silicon, không có iPhone và huyền thoại mang tên Apple.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đang trả lời câu hỏi của các khách mời. Ảnh: Nguyễn Luân.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đang trả lời câu hỏi của các khách mời. Ảnh: Nguyễn Luân.

Sự thiên tài và “dại khờ” của Steve Jobs đã tạo ra những lợi nhuận và thành công khổng lồ, phần lớn là do Apple đã tận dụng tốt làn sóng đầu tư lớn của Nhà nước vào các công nghệ “cách mạng” làm nền tảng cho iPhone và iPad: Internet, GPS, màn hình cảm ứng và các công nghệ truyền thông.

Nếu không có những công nghệ được tài trợ bởi Nhà nước này, sẽ không có làn sóng nào để mà lướt một cách “dại khờ”.

Vết xe đổ của “những cú đấm thép” tan chảy

Nối gót chính phủ Mỹ, các nước Trung Quốc, Nhật, Đức,… ra sức đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ nguồn, công nghệ cơ bản mang tính cách mạng.

Chẳng hạn, Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực công nghệ điện gió nhưng hiện giờ Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua Mỹ trở thành thị trường năng lượng gió lớn nhất thế giới vào năm 2010, chỉ 5 năm sau khi nước này triển khai mạnh mẽ chương trình tài trợ cho các hoạt động R&D và các dự án bằng các khoản trợ cấp hoặc các điều khoản cho vay thuận lợi.

Tương tự, chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la khuyến khích phát triển tấm pin năng lượng mặt trời trong nước và từ đó vươn lên vị trí dẫn đầu.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, vai trò khởi tạo của nhà nước như Mỹ, Trung Quốc… là những gợi ý chính sách đáng tham khảo.

Theo Tiến sĩ Tự Anh, Chính phủ có thể thực hiện vai trò tài trợ nhưng nhất thiết phải thông qua cơ chế cạnh tranh. Ảnh: Nguyễn Luân.

Theo Tiến sĩ Tự Anh, Chính phủ có thể thực hiện vai trò tài trợ nhưng nhất thiết phải thông qua cơ chế cạnh tranh. Ảnh: Nguyễn Luân.

Theo đó, nhà nước có thể chủ động đứng ra đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản đòi hỏi thời gian lâu, rủi ro lớn, mật độ vốn cao. Tuy nhiên, đối với những nghiên cứu mang tính ứng dụng, tức là có yếu tố thương mại thì tự doanh nghiệp có động lực làm và làm tốt hơn nhà nước.

Đó là sự phối hợp, phân công lao động nhịp nhàng giữa nhà nước và khu vực tư nhân.

“Vấn đề của Việt Nam là khi nhà nước có vai trò thì lại thường đẩy vai trò đó lên quá mức. Ví dụ như nhà nước có thể có vai trò tài trợ cho các dự án nghiên cứu, nhưng nhà nước có nên trở thành người thực hiện các nghiên cứu này hay không lại là một dấu hỏi lớn về tính hiệu quả”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm.

Chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ ra một thực trạng ở Việt Nam, nhà nước thường ôm hết từ A đến Z.

Lấy dẫn chứng câu chuyện của Vinashin được tập trung đầu tư và ưu đãi “khủng” của nhà nước với tham vọng xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam, nhưng cuối cùng thất bại vì “cái gì nhà nước cũng ôm hết, kể từ khâu làm que hàn.”

“Nhưng kết cục que hàn chúng ta cũng không làm được, chứ chưa nói đến những thiết bị cơ bản của một con tàu như động cơ, hệ thống định hướng,..gần như nhập khẩu nguyên chiếc.

Nếu mở ra, giao bớt cho tư nhân làm thì có thể Việt Nam đã có cơ hội”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tiếc nuối.

Bởi vậy, theo Tiến sĩ Tự Anh, Chính phủ có thể thực hiện vai trò tài trợ nhưng nhất thiết phải thông qua cơ chế cạnh tranh. Ví dụ, các công ty, các nhà khoa học và các phòng thí nghiệm cùng cạnh tranh để giành được khoản tài trợ từ nhà nước. Khoản tài trợ đó phải được thông qua bình duyệt độc lập bởi đội ngũ chuyên môn rất am hiểu.

Các khách mời đang đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Nguyễn Luân.

Các khách mời đang đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: Nguyễn Luân.

“Giống như một đàn ngựa trên thảo nguyên, phải để cho tất cả đều chạy, con ngựa nào mạnh nhất thì chiến thắng, thay vì cách làm lâu nay của Việt Nam là lựa chọn sẵn con thắng cuộc. Do đó, phải kết hợp vai trò của nhà nước với cơ chế cạnh tranh thị trường để sàng lọc khắc nghiệt thì mới có dự án, công trình thực sự hữu dụng.

Nếu không sợ rằng với đội ngũ làm chính sách, công chức không đủ hiểu biết, không thực sự liêm chính, chịu thao túng của lợi ích tư nhân thì một khoản tiền ngân sách khổng lồ có thể đổ sông đổ biển”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.

Những cảnh báo của Tiến sĩ Tự Anh không hề xa lạ khi mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra danh sách 7 doanh nghiệp nhà nước lớn có tổng tài sản trên 20 nghìn tỷ như VNPT, Viettel, Vietcombank, PVN… được tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò dẫn dắt mở đường.

Theo Tiến sĩ Tự Anh, đây là điển hình của cách nghĩ và lối làm cũ “chọn sẵn người thắng cuộc” trong khi chiến lược công nghiệp hoá dựa vào các tập đoàn nhà nước, “những cú đấm thép” đã thất bại trong thập niên trước.

Bắt đầu từ khung thử nghiệm thể chế

Là đồng sáng lập nhiều startup công nghệ đình đám ở Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, OhmniLabs, Tiến sĩ Vũ Duy Thức (Đại học Stanford) cho rằng, vai trò khởi tạo của nhà nước trong đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải là “nhà nước bỏ tiền ra đầu tư” mà có thể từ việc tạo ra các “policy sandbox” – (khung thử nghiệm thể chế), cho phép một số công ty có thể thử nghiệm những công nghệ mới trong giới hạn cho phép trước khi triển khai ứng dụng rộng rãi.

Tiến sĩ Thức lấy ví dụ Toyota được Chính phủ Nhật Bản cho phép xây dựng một thành phố mới trên diện tích 70 ha với khái niệm phòng thí nghiệm sống để đưa tất cả ứng dụng công nghệ mới vào, trong đó có xe tự lái.

Toyota bỏ tiền ra triển khai thí nghiệm này với điều kiện khi thành công chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho Toyota triển khai những công nghệ này trên toàn quốc. Singapore cũng đang áp dụng mô hình tương tự với công nghệ xe tự lái hay blockchain.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức (Đại học Stanford) cho rằng, vai trò khởi tạo của nhà nước trong đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải là “nhà nước bỏ tiền ra đầu tư” mà có thể từ việc tạo ra các “policy sandbox” – (khung thử nghiệm thể chế). Ảnh: Nguyễn Luân.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức (Đại học Stanford) cho rằng, vai trò khởi tạo của nhà nước trong đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải là “nhà nước bỏ tiền ra đầu tư” mà có thể từ việc tạo ra các “policy sandbox” – (khung thử nghiệm thể chế). Ảnh: Nguyễn Luân.

“Với các “sandbox” này, Chính phủ cũng có cơ hội để thử và sai, để thất bại nhanh và học nhanh”, Tiến sĩ Vũ Duy Thức bình luận.

Theo Tiến sĩ Thức, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm này. Nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi phù hợp thì sẽ thu hút được các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc tập đoàn tư nhân vào các công nghệ mới.

Chẳng hạn, hiện tại tập đoàn Vingroup đang đầu tư mạnh vào xe không người lái với dự án tại Phú Quốc.

Chia sẻ với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nếu chính phủ đủ cởi mở thì có thể tạo ra những cơ chế mang tính thử nghiệm cho doanh nghiệp hay một địa phương, một vùng nào đó và nếu thành công có thể nhân rộng.

Những thử nghiệm trước Đổi Mới 1986 như khoán, phi hợp tác xã… xét về mặt nào đó chính là những “policy sandbox”.

“Nhưng dù là thử nghiệm thì các sandbox này vẫn đặt trong tổng thể chung của hệ thống thể chế quốc gia. Bởi vậy, nhiều khả năng người được giao thực hiện sandbox phải chịu rủi ro lớn xuất phát từ độ vênh giữa hệ thống tổng thể và thể chế thử nghiệm. Do đó, phải có một cơ chế nào đó bảo vệ để họ dám làm”, Tiến sĩ Tự Anh cảnh báo./.