Chính phủ kiến tạo là thông điệp có sức lay động
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình đặt câu hỏi về vấn đề Chính phủ kiến tạo. Theo đại biểu Lộc, ngay từ lúc Chính phủ mới được thành lập, cùng chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Thủ tướng và Chính phủ đã đưa ra thông điệp về “Chính phủ kiến tạo”.
“Đây là thông điệp có sức lay động, được đánh giá cao cả ở trong nước và quốc tế”, đại biểu Lộc nói.
Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng đang có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, việc làm rõ quan điểm của Thủ tướng sẽ giúp thống nhất nhận thức cũng như hành động trong các cấp chính quyền, để có thể xây dựng Chính phủ mở đường cho sự phát triển, thật sự là một Chính phủ vì dân và doanh nghiệp như Thủ tướng nhiều lần khẳng định.
Đại biểu Lộc đề nghị Thủ tướng làm rõ: Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn của Chính phủ hay mô hình làm việc mới của Chính phủ? Nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo khác gì so với Chính phủ quản lý?
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết 5 điểm khác biệt của Chính phủ kiến tạo.
Theo Thủ tướng, nội hàm của chính phủ kiến tạo là chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chính phủ kiến tạo là nhà nước không làm thay thị trường. “Cái gì dân làm tốt thì để người dân và doanh nghiệp làm, đồng thời phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh” – Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Chính phủ kiến tạo là phải kiến thiết được môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo là nói phải đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thay ngay những cán bộ không chịu làm việc.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.