Sự lãng phí ấy cứ nhùng nhằng và phởn phơ, mặc nhiên tồn tại đang là lực cản bất chấp sự nỗ lực vượt lên phía trước của đất nước. Điều này thật là trái ngược với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đi ngược lại chủ trương xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Tình trạng lãng phí trong đầu tư kiểu “xắn tay đốt nhà táng” thông qua các dự án bỏ hoang đã được phản ánh rất nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng lại rộ lên mạnh hơn trong thời gian gần đây, nhất là khi HĐND các địa phương họp và chất vấn, yêu cầu cần làm rõ.
Có thể điểm mặt vài công trình mà công năng sử dụng hiện nay đang đi ngược với mục đích ban đầu, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về quá trình xây dựng dự án và cách giải quyết của chính quyền hiện tại.
Nổi bật nhất là Trường Trung cấp Y tế Bắc Kạn được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị lên tới 344 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn vay nước ngoài. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, có năm trường này chỉ tuyển được 9 học viên.
Các hạng mục xây dựng của dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định đang khát vốn và chưa biết đến bao giờ khánh thành. |
Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định do UBND tỉnh này làm chủ đầu tư có tổng vốn là 598,5 tỷ đồng được khởi công tháng 11/2007 trên diện tích gần 10ha, thuộc địa phận phường Lộc Hạ, TP Nam Định sau được điều chỉnh lên 850,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng ở trong tình trạng “chết lâm sàng”. Dự kiến công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2011 sẽ giúp cải thiện tình trạng quá tải bệnh nhân khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng nhưng lại bỏ hoang vì... thiếu vốn.
Ngay như giữa Thủ đô Hà Nội, các công trình tiền tỷ bị bỏ hoang không phải là hiếm. Điển hình nhất là Dự án Vicem Tower ở quận Nam Từ Liêm, do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư với số vốn 2.743 tỷ đồng. Khi công trình khởi công vào tháng 5/2011, chủ đầu tư tuyên bố sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong kết cấu chính, dự án bị bỏ gần 5 năm “ngủ” trên “đất vàng” mà chưa hề có động thái tích cực nào để tháo gỡ.
Dự án Habico Tower (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 220 triệu USD nằm trên đường Phạm Văn Đồng, cửa ngõ phía tây thủ đô bị bỏ hoang khi mới thi công đến tầng 9 cũng là một điển hình cho sự lãng phí.
Những công trình, dự án xây xong hoặc chưa xong đã bỏ hoang, không được sử dụng đúng mục đích vì nhiều nguyên nhân khác nhau và hậu quả nhìn thấy là sự lãng phí. Đó chính là cái gai làm buốt mắt dư luận.
Tuy nhiên, cho đến nay, những cá nhân, tập thể vốn được ví như những “kiến trúc sư” và là “cha đẻ” của các dự án này ở đâu, đang làm gì, có phải chịu trách nhiệm hay không và chịu đến đâu mới thì chẳng ai biết cả.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi lãng phí là một loại của “giặc nội xâm”, có khi còn nguy hiểm hơn cả tội tham ô. Theo Người nếu không giải quyết được thứ “giặc nội xâm” này thì không thể đánh thắng được giặc ngoại xâm.
Dự án Habico Tower có tổng vốn hơn 220 triệu USD bị bỏ hoang |
Ngày nay, việc tham ô, lãng phí và quan liêu luôn luôn đi liền với nhau. Do chúng ta áp dụng nền dân chủ đại diện theo nhiệm kỳ nên việc kế thừa nhiệm vụ giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý không khớp. Cụ thể là nhiều chủ trương, phần việc được các tỉnh, thành phố ở nhiệm kỳ trước đặt ra không được nhiệm kỳ sau thực hiện đúng ý định và gây lãng phí lớn. Do đó, lỗ hổng này cần được khác phục hiệu quả thông qua sự định tính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất tâm huyết trong thực hiện chủ trương “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Trong những hội nghị gần đây, Thủ tướng luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước ở các cấp, các ngành, địa phương cần phải nêu cao trách nhiệm thực thi công vụ. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần phải có tầm nhìn trong kiến tạo các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Thế nhưng những rốt ráo của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ xem ra chưa lay động nhiều và làm chuyển biến hành động của cấp dưới một cách quyết liệt, mạnh mẽ và thực sự có hiệu quả.
Trong thiết kế chủ trương, chính sách dù là của một địa phương hay của một cấp, một ngành thì vấn đề đầu tiên tính đến chính là tính hiệu quả. Nếu không có tính hiệu quả thì lãng phí là tất yếu. Trong điều kiện thiếu nguồn lực tài chính, giảm tối đa thất thoát lãng phí trong đầu tư cần được tính đến.
Nếu chính quyền, đội ngũ cán bộ các địa phương cứ “xắn tay áo đốt nhà táng” thì sức dân có mạnh như sức nước cũng sẽ mỏi mệt và lòng dân xao động, thiếu vững tin. Thế nên, cần phải chấm dứt ngay sự việc này và không để “sợi dây kinh nghiệm” phải rút dài mãi mãi.