Ngô Ngọc Trai
Ngô Ngọc Trai

Luật sư

Nguy cơ gắn nhãn “quốc gia thao túng tiền tệ” đối với mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng những vương vấn lưu luyến vẫn còn đeo bám bởi sự hấp dẫn dễ hiểu trong diễn giải về nó.

Một số ý kiến vẫn muốn áp dụng mô hình này cho hiện nay, khiến cho nhu cầu thảo luận làm rõ những mối nguy cơ trở lên cần thiết hữu ích.

Xét một cách công bằng thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cũng phù hợp với hoàn cảnh ở một giai đoạn đã qua giúp ích cho sự tăng trưởng. Song cũng như nhiều lý thuyết phát triển khác, mỗi mô hình đều chỉ phù hợp với những điều kiện thực tế trong mỗi thời kỳ. Còn khi xã hội đã phát triển biến đổi với những hoàn cảnh yếu tố khác thì lý thuyết mô hình cũ sẽ không còn phù hợp nữa.

Kể từ thời điểm mô hình này còn có những yếu tố phù hợp, cho tới hiện nay, nền kinh tế đã có những sự biến đổi sâu rộng cả về lượng và chất. Bây giờ, khi chính phủ mua sắm tài sản công, trong nhiều trường hợp sẽ phải mở thầu công khai để các nhà cung ứng nước ngoài tham dự, đó là những đòi hỏi theo các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP đã ký kết tham gia.

Thuế suất các mặt hàng cũng tụt giảm mạnh do hàng rào thuế quan bị lược bỏ, nguồn thu ngân sách kém đi khiến cho phạm vi tầm vóc các hoạt động của chính phủ cũng không còn như trước.

Cũng theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết thì chính phủ hoặc chính quyền các địa phương có thể bị doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện vì các vi phạm, ngay các vi phạm về thủ tục đăng ký đầu tư cũng có thể bị kiện rồi, tức là chưa đến được giai đoạn ký hợp đồng đã có thể bị kiện, bởi các nước họ phòng ngừa những hàng rào thủ thuật hành chính nhằm cản trở cơ hội kinh tế của các nhà đầu tư.

Cùng với đó là những nguyên tắc về công bằng, không được phân biệt đối xử, những đòi hỏi về cạnh tranh bình đẳng lành mạnh với những chế tài ràng buộc kèm theo, khiến cho không gian hành động của chính phủ giảm đi, không còn dễ dàng cho việc đưa ra các kế hoạch mục tiêu rồi tác động điều chỉnh để đạt đến như của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nữa.

Hiện nay chính phủ vẫn giữ phương châm là chính phủ kiến tạo, thì đó là tinh thần kiến tạo có tính chất phục vụ, tức là tạo lập sân chơi bình đẳng, tạo lập hành lang khuôn khổ pháp luật rõ ràng, bảo hộ cho các hoạt động đối với cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chứ chính phủ kiến tạo ngày nay không mang ý nghĩa là chính phủ chủ động trong các hoạt động can thiệp, mô hình hoạt động của chính phủ kiến tạo theo nghĩa hiện nay sẽ tiệm cận gần gũi với chính phủ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, chỉ cung cấp sự bảo hộ và tạo lập sân chơi chứ không tích cực chủ động đi làm kinh tế nữa.

Ngày 17/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ.

Ngày 17/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ.

“Quốc gia thao túng tiền tệ”

Theo một đạo luật về cạnh tranh và thương mại có từ năm 1988, hàng năm chính phủ Mỹ sẽ có các báo cáo phân tích về chính sách tỷ giá hối đoái của các nước có làm ăn với Mỹ, xem xét các nước này có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền các nước với đồng đô la Mỹ để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại hay không.

Khi vi phạm một số tiêu chí nhất định và bị dán nhãn quốc gia thao túng tiền tệ, phía Mỹ sẽ thực hiện những chính sách trả đũa, quốc gia bị gắn mác có thể bị loại trừ khỏi các hợp đồng thương mại của chính phủ Mỹ hoặc bị áp mức thuế cao lên mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Kể từ khi đạo luật được ban hành từ năm 1988, chính phủ Mỹ đã gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ cho các nước: Hàn Quốc vào năm 1988, Đài Loan vào năm 1988 và một lần tiếp theo vào năm 1992, và Trung Quốc bị ba năm liên tục từ năm 1992 đến năm 1994.

Tháng 12 năm 2020, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ đối với hai nước là Việt Nam và Thụy Sỹ, cùng với đó là đưa vào diện giám sát 10 quốc gia khác. Rất may là sau đó, khi đã có sự đối thoại giải thích, cuối cùng chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã không có những hành động áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Trong khi đó, theo ý kiến ủng hộ mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì mô hình này cổ vũ cho một nhà nước mạnh nắm nhiều quyền tác động điều chỉnh vào nền kinh tế, nhằm đạt đến mục tiêu được định trước. Cũng theo ý kiến ủng hộ thì một điểm đặc trưng của mô hình này là nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường.

Điểm đặc trưng này đặt Việt Nam đứng trước nguy cơ rủi ro bị phía Mỹ gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ, bởi một khi nhà nước thông qua các thiết chế tài chính để can thiệp vào thị trường, ví như mua đồng đô la Mỹ để tác động vào tỷ giá hối đoái tạo ưu thế cho cán cân xuất khẩu, thì đó chính là những hành động bị giám sát chặt bởi đạo luật về cạnh tranh không lành mạnh của Mỹ.

Đây là rủi ro không đáng mong muốn và cần phải tránh. Rủi ro này là có thực, bằng chứng là chính những nước đã từng bị Mỹ gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ lại cũng là những nước mà ở thời điểm đó họ phát triển theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đó là Hàn Quốc thời điểm năm 1988, Đài Loan vào năm 1988 và năm 1992, và Trung Quốc thời điểm từ năm 1992 đến năm 1994.

Giai đoạn hiện nay, nước Mỹ đang đặt trọng tâm vào việc xử lý tình trạng mất cân đối thương mại với các nước, năm 2019 chính phủ Mỹ cũng gắn nhãn quốc gia thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với những hành động áp thuế suất cao lên mặt hàng của nhau đang gây tác động ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam.

Đứng trước thực tế đó cho thấy hoàn cảnh không gian hành động của mô hình nhà nước kiến tạo đã bị thu hẹp, lý thuyết về mô hình này đã mất đi chỗ đứng, bởi những yếu tố khách quan của giai đoạn hiện nay không còn như trước kia một vài chục năm trước nữa.

Vậy nếu không áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì nhà nước hiện nay nên làm gì để tạo ra sự phát triển. Luận giải đầy đủ trong một bài viết thì khó có thể hết được, nhưng một số gợi ý việc làm cần thiết đã được nêu ra trong cuốn sách “Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế và Lợi ích sát sườn cho doanh nhân” của tác giả Luật sư Ngô Ngọc Trai.

Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa đất nước vẫn sẽ được thực hiện và tất yếu sẽ đạt được, nhưng sẽ không phải từ việc áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, vốn là mô hình đã thất bại trong mục tiêu đưa đất nước phát triển cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020, và lại không còn phù hợp ở thực tế hiện nay.