Không ngăn start-up ra nước ngoài lập công ty và cách hành xử “kiến tạo”

VietTimes -- Trong khi các nguồn lực về tài chính và mạng lưới kết nối đều sẵn sàng, Nhà nước cũng cần tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới tư duy trong cách hành xử với doanh nghiệp để góp phần kiến tạo, ươm mầm cho những start-up Việt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Ảnh: VGP)

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit), hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đã công bố những con số đầu tư “khủng”, cùng những thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ cho các start-up Việt Nam về mọi mặt.

Đơn cử như Golden Gate Ventures - đại diện cho 18 quỹ đầu tư mạo hiểm - công bố sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng cho các start-up Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Hay như quỹ Vina Capital Ventures cũng công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với 2 quỹ đầu tư của Hàn Quốc là Mirae Asset và Naver nhằm mục đích hỗ trợ các start-up kết nối với mạng lưới toàn cầu.

Trong khi nguồn tiền đã sẵn sàng, giới đầu tư và cả những start-up đều mong chờ Chính phủ sẽ có những động thái khuyến khích, tích cực đổi mới và kiến tạo hơn nữa.

Một trong những việc cần làm hàng đầu, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại diễn đàn, đó là việc cải thiện môi trường kinh doanh.

“Việt Nam không ngăn doanh nghiệp ra nước ngoài lập công ty nhưng đừng để họ phải ra nước ngoài lập công ty vì những quy định chưa tốt” - Phó Thủ tướng nhận định.

Không chỉ riêng chuyện các quy định pháp luật không đủ tốt, song song với đó, cách hành xử và thực hiện luật pháp trong cuộc sống của các cán bộ công chức cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Như đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh từng nhận xét, thái độ thân thiện và “kiến tạo” thì góp phần giữ chân, nuôi dưỡng doanh nghiệp. Trong khi đó, thái độ hù dọa, thương mại hóa”, vòi vĩnh, đòi bôi trơn thì đúng là "đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết chim".

Cách nhà nước hành xử với doanh nghiệp đang hoạt động sẽ phát đi tín hiệu rất rõ ràng tới những người đang có kế hoạch khởi nghiệp.

Lấy ví dụ gần đây, vụ việc thanh tra chuỗi cửa hàng Con Cưng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về động cơ của các cơ quan chức năng Bộ Công thương.

Cụ thể, sự việc xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng tại hàng tại TP.HCM khi mua một bộ quần áo thun, cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan". Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan quản lý thị trường đã ập tới làm việc liên miên.

Theo phía doanh nghiệp, tổng cộng có khoảng 195 cuộc kiểm tra tại các cửa hàng, các văn phòng, các tổng kho rồi niêm phong, thu giữ tạm thời hàng trăm ngàn sản phẩm. Không những thế, việc kiểm tra còn được thực hiện tại cơ sở của tất cả nhà cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp một cách bất ngờ và không báo trước.

Thậm chí, có những lãnh đạo vừa kiểm tra, vừa phát livestream trực tiếp lên mạng xã hội, thể hiện sự thiếu tôn trọng doanh nghiệp.

Sau hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra rầm rộ, thật ngạc nhiên khi các đoàn kiểm tra lại kết luận rằng, doanh nghiệp “cơ bản chấp hành đúng pháp luật”, chỉ có những sai sót về nội dung tem nhãn chưa chuẩn chỉ.

Về phía doanh nghiệp, các đợt kiểm tra đã khiến Con Cưng giảm ngay lập tức 20% khách hàng, giảm doanh số 1-2 tỷ/ngày, kéo dài khoảng 3 tháng, trong khi tâm lý của nhân viên toàn hệ thống rất hoang mang, lo sợ.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một cửa hàng của Con Cưng (Ảnh: laodong.vn)
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một cửa hàng của Con Cưng (Ảnh: laodong.vn)

Sự việc này tiếp tục được ông Trần Đức Lượng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc lại trong một hội thảo về chủ đề thanh tra doanh nghiệp như là minh chứng cho câu chuyện lạm dụng công tác thanh, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Việc lạm dụng thanh, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung… Doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn” - ông Lượng cho biết.

Trên thực tế, việc liên tục tiến hành thanh tra, kiểm tra chỉ là một ví dụ nhỏ trong muôn vàn cách hành xử nhũng nhiễu doanh nghiệp diễn ra hiện nay và những trường hợp như Con Cưng vừa nêu không phải là cá biệt.

Để hạn chế trình trạng này, từ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (Chỉ thị 20). Trong đó, chỉ thị nêu rõ việc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương “không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát sau đó tiếp tục phát đi những tín hiệu đáng báo động. Theo các báo cáo PCI, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong mấy năm qua vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%.

"Những con số như vậy cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc. Khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc từng nhận xét.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh trong những năm vừa qua nhưng các sự việc thực tiễn cho thấy một nền hành chính “kiến tạo” còn phải từ thay đổi cách tư duy, hành xử với doanh nghiệp.

Việc thay đổi này cũng không thể chỉ trông chờ vào “trên nóng” mà còn phải lan tỏa xuống bên “dưới” vẫn còn “lạnh”. Các hành động cụ thể sẽ là những lời khuyến khích, động viên thiết thực nhất đến các nhà khởi nghiệp tương lai của đất nước./.