GS.TS. Trần Thọ Đạt nêu 4 kịch bản phát triển kinh tế số ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù nhu cầu cơ bản về phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay ở mức khá cao so với các nước nhưng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình và mức đầu tư của Chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số thì rất khiêm tốn so với các nước, thấp hơn cả Indonesia, Philippines, Malaysia,…

GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đó là trao đổi của GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân – với chủ đề Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số, tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020, diễn ra trong 2 ngày 14-15/12.

Dẫn ra các báo cáo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng kinh tế số Việt Nam dự kiến vượt 43 tỉ USD vào năm 2025 và dự đoán tăng trưởng nóng nhất trong lĩnh vực này chủ yếu ở thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Tuy nhiên, ông Trần Thọ Đạt cũng dẫn ra báo cáo mới đây, cho rằng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia, với điểm đánh giá cũng ở mức trung bình: 12,06/25 điểm. Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 55 (với tổng điểm 13,21/25), Malaysia đứng thứ 38 với (18,31/25).

Mức độ sẵn sàng số hóa của một số nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mức độ sẵn sàng số hóa của một số nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Trong đó, có những chỉ số chúng ta khá cao so với các nước xếp thứ hạng cao như đánh giá nhu cầu cơ bản để phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay ở khoảng 3,05. Tuy nhiên, Đầu tư của Chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số thì rất khiêm tốn so với các nước trong bảng xếp hạng này, chỉ có 0,86. Độ thuận lợi cho kinh doanh ở mức điểm 2,64 - thấp hơn nhiều so với các nước” - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

4 kịch bản phát triển kinh tế số của Việt Nam

Ông Trần Thọ Đạt cho rằng, trong thời gian tới, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế có đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Trước thực tế phát triển hiện nay, nhóm nghiên cứu gồm ông và đồng sự đã đưa ra 4 kịch bản của kinh tế số và dự báo năng suất lao động đến năm 2030 trong bối cảnh kinh tế số.

Theo GS. Trần Thọ Đạt, ở kịch bản gốc, đến năm 2020, năng suất lao động (tính theo giá năm 2010 của Việt Nam) là 71,87 triệu đồng và có thể tăng lên 126,57 triệu đồng vào năm 2030.

Tuy nhiên, nếu phát triển kinh tế số theo 4 kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau thì tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%.

Cụ thể, ở kịch bản 1 - Nền kinh tế chuyển đổi số chậm: Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình là 6,25%/năm, trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 0,43%.

Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Ở kịch bản 2 - Kịch bản lạc quan nhất: Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nền kinh tế số, gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT. Khi đó, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình là 6,97%/năm và riêng kinh tế số đóng góp 1,15%. Mức tăng năng suất lao động cũng như đóng góp của kinh tế số này là cao nhất trong các kịch bản.

Ở kịch bản 3: Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu số khi ngành CNTT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình là 6,32% và riêng kinh tế số đóng góp 0,5%.

Ở kịch bản 4: Ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT từ các quốc gia khác. Khi đó, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình là 6,50%/năm và riêng kinh tế số đóng góp 0,68%.

Từ các kịch bản trên, ông Trần Thọ Đạt cho rằng đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đối với năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.

Để xử lý các vướng mắc hiện nay nhằm tăng tốc cho phát triển kinh tế số, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cần có bản chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số.

"Cùng với đó là việc tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số" - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói thêm.