Vấn nạn SIM rác

Bài 3: Người dùng bức xúc về SIM rác

VietTimes -- Trước những chỉ đạo mang tính quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhằm đẩy lùi tình trạng SIM rác - tin nhắn rác tràn lan, đến nay “vấn nạn” này vẫn chưa có dấu hiệu được ngăn chặn, gây ra bức xúc cho người dùng.
(ảnh minh họa: thegioihoinhap)
(ảnh minh họa: thegioihoinhap)

Đến “Thượng đế” cũng phải... khóc

Chỉ cần người mua có nhu cầu, ngay lập tức các cửa hàng, đại lý kinh doanh SIM – thẻ sẵn sàng đáp ứng. Việc dễ dàng mua, bán, sử dụng SIM rác là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng tràn lan tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại khiến cho hàng triệu người sử dụng điện thoại di động đang bị quấy rầy mỗi ngày. 

Bức xúc khi liên tục bị tin nhắn rác nhắn đến điện thoại phiền nhiễu cuộc sống, chị Phạm Tuyết Ly (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Vì tính chất công việc tôi không thể để điện thoại một chỗ, nhưng cầm điện thoại thì một ngày 2 - 3 cuộc gọi mời mua nhà đất, giới thiệu bảo hiểm, bán ô tô... lại liên tục “khủng bố”. Thậm chí, mấy Spa chăm sóc da mặt không quen cũng gọi tôi đến mấy lần liền”.

Anh Hoàng Lê Minh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho hay: Một ngày mình nhận được rất nhiều tin nhắn rác từ kêu gọi lô đề may mắn, cá độ bóng đá, quảng cáo dịch vụ, rao bán đất đai... hoặc cả những tin nhắn với nội dung như: “Có người bạn X, muốn nói lời yêu thương với bạn nhưng không dám nói trực tiếp mà thông qua tổng đài. Mời bạn gọi đến số tổng đài Y để nghe nội dung...”. Tính sơ sơ cũng không dưới 10 tin nhắn/ngày.

Không chỉ khốn khổ vì những tin nhắn rác đổ dồn dập vào điện thoại, người dùng di động còn phát hỏa với sự “vô duyên”của những dòng tin quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau một ngày đi làm mệt mỏi chị vừa thiu thiu ngủ thì tin nhắn rác đổ bộ. Không chỉ một lần, mà rất nhiều lần như thế, rất khó chịu.

“Tôi không biết người ta lấy đâu ra số của tôi nhưng một ngày, tôi nhận đến cả chục tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo, mời mua bán, giới thiệu sản phẩm. Ức chế nhất là chúng xuất hiện rất nhiều buổi trưa, buổi tối, thậm chí là cả đêm”, chị Hoài bức xúc.

Qua những chia sẻ trên có thể thấy, vấn nạn SIM rác - tin nhắn rác vẫn đang hoạt động một cách mạnh mẽ, khiến người dân cảm thấy bực bội vì bị làm phiền, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Có giải quyết. Nhưng chưa triệt để!

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, để hạn chế tình trạng trên, thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thực hiện việc cập nhật thông tin và ảnh chân dung của các chủ thuê bao di động trong nước trước ngày 24/4/2018.

Theo đó, trong năm 2018 các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đều yêu cầu các chủ thuê bao hoàn thành việc bổ sung thông tin, chứng minh thư và ảnh chân dung để cập nhật lên hệ thống trong tháng 4/2018. Nếu không thực hiện sẽ bị khóa hoàn toàn sau một tháng.

Để thực hiện theo yêu cầu này, có những thời điểm hàng ngàn chủ thuê bao bỏ công việc, thời gian, đứng vật vã xếp hàng nhiều ngày tại các điểm giao dịch, mới có thể hoàn thành việc đăng ký bổ sung thông tin.

Bên cạnh đó, một điều đáng lưu tâm là khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, thì các nhà mạng phải có trách nhiệm dẹp bỏ hoàn toàn các đại lý không có ủy quyền đang bán SIM chui, sim rác.

(ảnh minh họa: anninhthudo)
(ảnh minh họa: anninhthudo)

Nghị định cũng quy định rất rõ, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Trong đó, những điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM thuê bao di động sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Đồng thời, cũng bị phạt tương tự với việc mua bán và trao đổi hoặc sử dụng SIM, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước của SIM thuê bao....

Tuy nhiên, đến nay quy định này dường như vẫn chưa được các nhà mạng thực hiện triệt để. Bởi, theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này tại các điểm buôn bán kinh doanh SIM – thẻ (trên địa bàn Hà Nội), các loại SIM kích hoạt sẵn vẫn được bày bán tràn lan, ngang nhiên và khó kiểm soát, bất cứ ai có nhu cầu cũng có thể mua được. Và dù biết đang vi phạm và bị phạt rất nặng nhưng một số doanh nghiệp vẫn bất chấp bán loại SIM rác này.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn vấn nạn SIM rác - tin nhắn rác, các cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn hơn trong thời gian tới, đồng thời các nhà mạng không được phép dung túng cho các đại lý SIM thẻ tiêu thụ SIM rác như hiện nay.

Hiệu quả hạn chế SIM rác chỉ có kết quả rõ ràng khi nhà mạng tự giác nghiêm túc chấn chỉnh mình cũng như các đại lý cấp dưới. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường, công an, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vận chuyển, tập kết, thu gom, tàng trữ, phân phối SIM thuê bao trả trước đã được đăng ký thông tin thuê bao ảo, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đón đọc tiếp phần 4: VinaPhone nói gì khi trên thị trường vẫn bán SIM kích hoạt sẵn, không chính chủ của nhà mạng này?