Cách chọn mua thiết bị phát Wi-Fi từ SIM 4G, 3G

Thiết bị phát Wi-Fi di động trên thị trường có rất nhiều mẫu mã, đa dạng về kiểu dáng lẫn mức giá. Các yếu tố trong bài sẽ gúp người dùng chọn được thiết bị phù hợp với nhu cầu.

Các thiết bị phát Wi-Fi không dây nhỏ gọn từ SIM 4G với tốc độ cao và không bị gián đoạn đang ngày càng trở nên phổ biến bởi độ tiện lợi và linh hoạt. Nó cho phép người dùng kết nối và chia sẻ mạng Internet nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc mua thiết bị có khả năng hoạt động ổn định, phù hợp với túi tiền là điều người dùng nên cân nhắc.

Thiết bị phát sóng Wi-Fi từ SIM 4G trên thị trường có rất nhiều model khác nhau. Ảnh: Netgear.
Thiết bị phát sóng Wi-Fi từ SIM 4G trên thị trường có rất nhiều model khác nhau. Ảnh: Netgear.

Mức giá

Thiết bị phát sóng Wi-Fi từ SIM 4G có nhiều mức giá khác nhau, từ 800 nghìn đến 7 triệu đồng. Với điều kiện tài chính không cao, người dùng có thể chọn những thiết bị thuộc phân khúc bình dân với mức giá dao động 800-2 triệu đồng như Huawei E5573, ZMI MF885, D-Link DWR-932C E1...

Tất nhiên với tầm giá thấp, thiết bị sẽ phù hợp với những người dùng có nhu cầu cơ bản và không quá khắt khe về các yếu tố công nghệ hiện đại.

Nếu có tài chính dư dả, người dùng nên cân nhắc các bộ phát cao cấp với khả năng phát Wi-Fi tốc độ cao cùng nhiều sự cải tiến. Có thể kể đến một số thiết bị thuộc phân khúc này như Netgear MR1100, Huawei E5885…

Thương hiệu

Thương hiệu là một trong những tiêu chí quan trọng. Có nhiều thương hiệu sản xuất thiết bị phát Wi-Fi trên thị trường hiện nay như D-Link, Netgear, Tenda, Alcatel, ZTE hay Vodafone.

Các sản phẩm đến từ TP-Link, D-Link, Huawei, Netgear và ZMI thường được ưa chuộng bởi mức giá phù hợp, nhiều kiểu dáng cùng tính năng đa dạng.

Người dùng không nên chọn những thương hiệu vô danh, xuất xứ không rõ ràng để tránh trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, có thể cháy nổ.

Kích thước

Các thiết bị phát sóng Wi-Fi từ SIM 4G đa phần có kích thước nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Trọng lượng nhẹ. Khá tiện khi bỏ vào túi quần hay giỏ xách để mang theo bên mình.

Một số mẫu có kích thước lớn, được tích hợp màn hình hiển thị đa thông tin cho phép người dùng theo dõi chi tiết trạng thái sóng, lượng pin, số thiết bị đang truy cập và tin nhắn.

Thời lượng pin

Dung lượng pin của các thiết bị phát Wi-Fi thông thường nằm trong khoảng 1.500-2.000 mAh, cho phép người dùng sử dụng liên tục từ 3 đến 5 giờ trên thực tế. Thời lượng pin không quá lâu nhưng phù hợp với nhu cầu sử dụng trung bình của người dùng.

Với yêu cầu cao hơn, người dùng có thể tham khảo một số thiết bị sở hữu pin dung lượng 4.000-5.200 mAh như Netgear AC791L, Huawei E5730, ZTE SoftBank 203Z...Các thiết bị này có khả năng mang đến thời gian sử dụng khoảng 12-18 tiếng.

Một số bộ phát Wi-Fi 4G còn có thời lượng pin khá cao như ZMI MF855 (7.800 mAh) hay Huawei E5771 (9.600 mAh). Với dung lượng pin lớn, các thiết bị này ngoài việc cho phép người dùng sử dụng thoải mái khi đi công tác xa, nó còn đóng vai trò như pin sạc dự phòng, rất tiện lợi.

ZMI MF855 có dung lượng pin cao, lên đến 7.800 mAh. Ảnh: ZMI.
ZMI MF855 có dung lượng pin cao, lên đến 7.800 mAh. Ảnh: ZMI.

Hỗ trợ sóng và tính năng

Các bộ phát Wi-Fi từ SIM 4G hiện nay cũng cho phép sử dụng SIM 3G để phát sóng. Tuy nhiên, 4G cho tốc độ tốt hơn. Một số thiết bị phát Wi-Fi 4G còn có tiện ích mở rộng repeater giúp thu sóng Wi-Fi bên ngoài và phát lại để sử dụng như Huawei E5770, Huawei E5573C.

Tính năng chia sẻ Wi-Fi cho nhiều thiết bị là một yếu tố khá quan trọng. Các bộ phát thông thường hỗ trợ từ 5 đến 10 thiết bị như smartphone, laptop hay máy tính bảng kết nối cùng một lúc.

Một số bộ phát Wi-Fi 4G với mức giá cao hơn cho phép 15-30 thiết bị với tốc độ ổn định, phù hợp với nhóm đông người. Có thể kể đến một số thiết bị hỗ trợ nhiều kết nối tiện lợi như Netgear MR1100, Huawei B593, Huawei AF23.

Ngoài ra, các thiết bị phát Wi-Fi thường có giao diện quản lý tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc mặc định. Người dùng cũng có thể thay đổi và thiết lập lại ngôn ngữ để sử dụng thuận tiện hơn. Một số bộ phát như Huawei E5573C, Huawei E5377Ts-32 hỗ trợ đa ngôn ngữ: Nhật, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Nga.

Theo Tạp chí Nghe nhìn VN

http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/cach-chon-mua-thiet-bi-phat-wifi-tu-sim-4g-3g-51361.html