Phát biểu khai mạc sự kiện này, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, riêng vùng đồng bằng sông Hồng có 4/11 tỉnh nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022). Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều mong muốn chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia... Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hôm nay là một trong những hoạt động góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, tạo lập văn hóa khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa; đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở, kết nối các chủ thể; liên kết và phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo các tỉnh khu vực ĐBSH.
Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho biết những năm qua tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển hướng mạnh phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng KH và CN, ĐMST, chuyển đổi số, thân thiện với môi trường; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển gắn với thúc đẩy liên kết vùng, có tính đột phá để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ đó, kinh tế tỉnh Nam Định có bước tăng trưởng khá, năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt 9,07%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 92 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 9.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng 11,01% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, vùng ĐBSH là vùng đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng KHCN và ĐMST. Toàn vùng hiện có trên 500 tổ chức KHCN, 29 tổ chức nghiên cứu và phát triển, 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với tốc độ phát triển mạnh mẽ.
Có 9/11 tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSH đã ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST. Hà Nội, Hải Phòng và Vĩnh Phúc là những hạt nhân đi đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844).
Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được thì hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại khu vực ĐBSH vẫn còn một số tồn tại như là chưa có nhiều sản phẩm KHCN mang tính đột phá được thương mại hoá; doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST; năng lực ĐMST của các chủ doanh nghiệp trong vùng chủ yếu vẫn đang ở mức trung bình nên khả năng cạnh tranh chưa cao; việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng như quốc tế nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo Sở KHCN Nam Định đã ký kết ghi nhớ hợp tác với nhiều đơn vị về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Tổng kết diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa khẳng định, trong khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp phải giữ vị thế trung tâm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cũng cần năng động hỗ trợ về cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh nhiều yếu tố khác, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong khởi nghiệp ĐMST.