Trung Quốc thử nghiệm ABM: Chi tiết và những điều mập mờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa mặt đất chống tên lửa đạn đạo hôm thứ Năm (4/2).
Trung Quốc tuyên bố thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa (Ảnh: Handout)
Trung Quốc tuyên bố thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa (Ảnh: Handout)

Nhiều báo cáo của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, mục tiêu của vụ thử này là phô diễn khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, hay IRBM, ngay trong giai đoạn giữa của hành trình bay.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, giới chuyên gia quân sự nói vụ thử trên cho thấy “khả năng làm chủ công nghệ của Trung Quốc” khi mà Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) của nước này dần dần phát triển và trở nên đáng tin cậy hơn.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay họ đã đạt được tất cả mục tiêu của mình, nhưng không đưa thêm những chi tiết khác – như liệu một vụ đánh chặn thực tiễn kiểu như vậy đã từng diễn ra hay chưa; theo Asia Times.

Chính quyền Bắc Kinh cũng khẳng định rằng vụ thử này đơn thuần là mang yếu tố phòng thủ chứ không phải là tín hiệu gửi tới bất kỳ quốc gia nào.

Đây là vụ thử kỹ thuật ABM trên mặt đất lần thứ 5 mà Trung Quốc công khai và là vụ thử kỹ thuật ABM mặt đất, giai đoạn giữa, lần thứ 4 được công khai.

Giai đoạn giữa là giai đoạn chủ chốt trong việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo, và ABM giai đoạn giữa là nhằm đánh chặn tên lửa trong lúc nó đang trong giai đoạn bay tự do bên ngoài bầu khí quyển; Song Zhongping, chuyên gia quân sự kiêm bình luận viên truyền hình Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu.

Mặc dù giai đoạn giữa này khá dài, nhưng điểm khó khi đánh chặn tên lửa trong giai đoạn này chính là do quỹ đạo bay rất cao; theo ông Song. Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng mục tiêu đánh chặn thường là tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung.

Theo ông Song, việc thực hiện vụ thử nghiệm mới nhất cho thấy hệ thống này đang trở nên hoàn thiện, và tỷ lệ thành công, sự đáng tin cậy của các vụ đánh chặn đang tăng lên đáng kể. Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc trong quá trình xây dựng một hệ thống ABM hoàn thiện; theo Thời báo Hoàn cầu.

Hành trình bay của một tên lửa đạn đạo thường bao gồm 3 giai đoạn theo trình tự thời gian: Giai đoạn tăng tốc, trong đó tên lửa dùng nhiên liệu để tăng tốc, ắt đầu quá trình bay; thứ hai là giai đoạn giữa trong đó động cơ đẩy ngừng hoạt động khi tên lửa bay bên ngoài tầng khí quyển; và giai đoạn cuối, tên lửa trở lại tầng khí quyển và hướng về phía mục tiêu.

Theo mặt kỹ thuật thì rất dễ để đánh chặn một tên lửa đạn đạo ngay trong giai đoạn tăng tốc của nó, bởi tên lửa lúc này gần với mặt đất và đang tăng tốc, nhưng lại rất khó để tiếp cận với bãi phóng – do đây là vùng lãnh thổ thù địch. Còn trong giai đoạn cuối, việc đánh chặn càng thách thức hơn bởi vận tốc của tên lửa lúc này cực cao; theo các nhà quan sát.

Sau vụ thử vừa qua, một đoạn video chưa được xác nhận đã xuất hiện trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, trong đó cho thấy một vụ phóng rocket hoặc tên lửa từ khu vực miền Bắc nước này. Đoạn video cũng giống với những hình ảnh xuất hiện trên mạng sau một vụ thử tên lửa chống đạn đạo khác thực hiện năm 2018.

Nếu đoạn video này được xác thực, thì có khả năng vụ phóng thử nghiệm mới nhất được thực hiện ở Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

Trung Quốc hiện “đang phát triển công nghệ tiêu diệt bằng các vũ khí động năng để phát triển tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa, từ đó hình thành một tầng cao hơn trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng”; theo bản báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, công bố tháng 9/2020.

Theo Asia Times