Trung Quốc có bước đột phá trong chế tạo vũ khí điện từ, diệt gọn UAV trong một phát bắn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp Mỹ, sau khi Washington hạ gục 50 drone chỉ trong một đòn tấn công duy nhất trong cuộc thử nghiệm cách đây 2 năm.
EMP được thiết kế để vô hiệu quá các thiết bị điện tử bằng sóng năng lượng (Ảnh: Shutterstock)
EMP được thiết kế để vô hiệu quá các thiết bị điện tử bằng sóng năng lượng (Ảnh: Shutterstock)

Theo hãng SCMP, một máy bay không người lái (UAV) đã bị hạ gục bởi một xung điện từ mạnh mẽ trong vụ thử nghiệm đầu tiên được báo cáo về loại vũ khí mới tối tân ở Trung Quốc.

Bản báo cáo được đăng tải trên tạp chí Công nghệ Chiến tranh Thông tin Điện tử của Trung Quốc không nêu chi tiết về thời gian và địa điểm của vụ thử nghiệm do yếu tố bí mật của nó, nhưng đây là vụ thử nghiệm vũ khí xung điện từ (EMP) đầu tiên được báo cáo công khai ở nước này.

Trung Quốc hiện đang chạy đua để bắt kịp trong lĩnh vực này, sau khi Mỹ tung ra mẫu vũ khí EMP nguyên bản có khả năng hạ gục 50 drone chỉ bằng 1 phát bắn vào năm 2019.

Vụ thử nghiệm mới nhất, được thực hiện bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETEC), tập trung vào mục tiêu là một máy bay cỡ lớn đơn nhất. Mục tiêu này bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác nói rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang thử nghiệm một vũ khí EMP có công suất 80 gigawatt – tức cao hơn gấp 4 lần so với công suất của đập Tam Hiệp.

“Nó sẽ giúp chúng ta sánh ngang với người Mỹ” – Giáo sư Gao Huailin và các đồng nghiệp đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc viết trong báo cáo đăng tải trên tạp chí “Scientia Sinica Physica, Mechanica & Astronomica” hôm thứ Ba tuần này.

Ý tưởng chế tạo vũ khí EMP được các nhà khoa học nguyên tử đưa ra đầu tiên. Họ cho rằng một trái bom có thể sử dụng các sóng điện từ mạnh mẽ để khiến cả một thành phố tê liệt, bằng cách vô hiệu hóa tất cả các thiết bị điện tử trong một khu vực nhất định, thay vì giết hại dân chúng trong thành phố.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển được nhiều thiết bị có thể sản sinh ra các chùm năng lương mạnh mẽ trong phòng thí nghiệm, và một số trong đó hiện đang được thử nghiệm thực tế để đánh giá tiềm năng ứng dụng trong quân sự.

Một nguyên bản của Mỹ, Thiết bị phản ứng chiến thuật năng lượng cao (THOR), có khả năng bảo vệ một căn cứ quân sự khỏi các đòn tấn công bởi bầy đàn drone, như cuộc thử nghiệm năm 2019 đã chứng minh.

Một mẫu vũ khí khác, có tên Counter-Electronics High-Power Microwave Extended-Range Air Base Air Defence (Chimera), được thiết kế để tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn; theo Không quân Mỹ.

Nhiều quốc gia khác – bao gồm Đức, Pháp, Nga và Hàn Quốc – cũng đang nghiên cứu, phát triển những hệ thống tương tự.

Trong cuộc thử nghiệm vừa qua ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho hay mục tiêu drone đã hoạt động bất thường sau khi vũ khí xung điện được khai hỏa. Mục tiêu này không rơi ngay lập tức, mà bay lảo đảo trong một khoảng thời gian.

Dữ liệu và phân tích mảnh vỡ thu được từ hiện trường cho thấy các thiết bị điện tử nhạy cảm – bao gồm hệ thống định vị vệ tinh của mục tiêu, thiết bị nghiệm lạnh, gia tốc kế và thiết bị liên lạc – không bị tổn hại. Pin và động cơ cũng hoạt động tốt cho đến khi va chạm mặt đất. Lời giải thích hợp lý nhất cho việc mục tiêu bị hạ gục là, “hệ thống kiểm soát bay gặp lỗi, thông báo một lỗi điều khiển”; Wen Yunpeng, kỹ sư của CETC và các đồng nghiệp viết trong báo cáo.

Khoảng cách giữa vũ khí EMP và mục tiêu không được tiết lộ. Wen và các đồng nghiệp cho hay vũ khí này hoạt động trong một giải băng tần hẹp, có nghĩa rằng chùm sóng ngắn mà nó phát ra được thiết kế sao cho có tầm bắn xa hơn.

Mặc dù cuộc thử nghiệm chỉ có 1 mục tiêu duy nhất, nhưng họ cho rằng vũ khí này sẽ có “lợi thế đáng kể nếu đem chống lại bầy đàn drone”.

Do thiếu nguồn năng lượng sẵn có trên chiến trường, các vũ khí EMP cần phải được chế tạo sao cho phóng ra được các chum năng lượng đủ mạnh một cách nhanh chóng nhất có thể, để mang lại hiệu quả mong muốn. Hiện các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng như nhiều nước khác trước đây sử dụng một thiết bị được gọi là “Tesla Coil” để khuếch đại năng lượng, và một từ trường.

Nhưng trong những năm gần đây, họ bắt đầu chuyển sang sử dụng một thiết bị khác có tên là “Marz Generator” để sản sinh ra các dòng điện 2 triệu volt, cao hơn đáng kể so với việc sử dụng “Tesla Coil”; theo Gao và các đồng nghiệp.

Mặc dù mức năng lượng đầu ra cao nhất mà các vũ khí EMP trên thế giới đạt được là khoảng 20 gigawatt, nhưng Gao và các đồng nghiệp nói rằng, họ ước tính các vũ khí EMP của Mỹ, như THOR, có công suất lên tới 80 gigawatt, thêm rằng các vũ khí Trung Quốc cần phải nâng cấp thêm mới đến được gần mức độ đó.