Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), được công bố mới đây, cho hay, quân đội Trung Quốc (PLA) có kế hoạch “sánh ngang hoặc vượt qua khả năng của Mỹ trong không gian để đạt được các lợi ích quân sự, kinh tế và uy tín thương mại mà Washington đã tích lũy được từ vai trò lãnh đạo không gian”. Các động thái đáp trả đó sẽ là “phần không thể thiếu trong các chiến dịch quân sự tiềm năng của PLA”.
Báo cáo trên phạm vi rộng hơn cũng nhấn mạnh khả năng không gian của Nga và gọi Trung Quốc là “mối đe dọa hàng đầu” trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ.
Hôm thứ Tư vừa qua, tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện, khi được hỏi về vệ tinh mới trong mạng lưới 138 vệ tinh quan sát Trái Đất của Trung Quốc, Giám đốc ODNI Avril Haines khẳng định, chúng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm thách thức ưu thế của Mỹ. Bên cạnh đó, bà Haines từ chối thảo luận công khai về tiềm lực của Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng không có gì phải bàn cãi, về cơ bản, trên thực tế, Trung Quốc tập trung vào việc đạt được vị trí dẫn đầu trong không gian so với Mỹ và đã cố gắng thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau trong lĩnh vực này để cố gắng cạnh tranh” - Haines nói.
Chia sẻ với các nhà lập pháp, bà Haines cho biết, chính quyền đang làm việc để giúp cộng đồng chính sách hiểu rằng, họ cần hỗ trợ công việc của Lực lượng Không gian mới, nhằm duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong không gian và các lợi ích khác về mặt kinh tế, truyền thông, tình báo và an ninh quốc gia.
Cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ có một trạm vũ trụ hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái Đất trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2024, và sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm lên Mặt Trăng nhằm thiết lập một trạm nghiên cứu robot ở đó, sau đó là một căn cứ “phi hành đoàn gián đoạn”.
Báo cáo nhấn mạnh sự phát triển gia tăng và phổ biến của các loại vũ khí đối kháng không gian. Năm 2019, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược tập trung vào không gian của Trung Quốc được cho là đã bắt đầu huấn luyện với tên lửa chống vệ tinh bay thẳng, hay còn gọi là ASAT, có khả năng nhắm mục tiêu các vệ tinh trong quỹ đạo Trái Đất mức thấp.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng, Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất nhằm tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất mức thấp cũng như các tia laser chống vệ tinh trên mặt đất, "có khả năng là nhằm mục đích làm mù hoặc làm hỏng các cảm biến quang học trên không gian nhạy cảm” ở vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất mức thấp.
Nga và Trung Quốc đang tiếp tục đào tạo các bộ phận không gian quân sự của họ, và cả hai đều đang trang bị vũ khí chống vệ tinh mới có sức hủy diệt và chống phá hủy - báo cáo cho hay. Vũ khí của Nga bao gồm "khả năng gây nhiễu và không gian mạng, vũ khí năng lượng có định hướng, khả năng trên quỹ đạo và khả năng ASAT trên mặt đất - để nhắm mục tiêu là các vệ tinh của Hoa Kỳ và đồng minh."
Báo cáo cũng dự đoán rằng Nga, với mạng lưới các vệ tinh do thám, thông tin liên lạc và định vị rộng lớn, “sẽ vẫn là một đối thủ cạnh tranh không gian đáng gờm”.