Thị trường tiệm cận các ngưỡng cản kỹ thuật
Dường như chuỗi giảm điểm kéo dài từ đầu tháng 4 năm nay đã đưa mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường về mức đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua những phiên tăng điểm ấn tượng, cùng với khối lượng được cải thiện hơn so với bình quân các phiên trước theo kỹ thuật. Áp lực bán từ khối ngoại và tâm lý lo ngại rủi ro từ các yếu tố vĩ mô là có, nhưng bên mua đã hành động quyết liệt và dứt khoát hơn, đã áp đảo được bên bán.
Một số công ty chứng khoán cũng đã có những nhận định tích cực về thị trường, cho rằng dòng tiền bắt đáy bắt đầu quay trở lại thị trường trong bối cảnh mùa công bố kết quả kinh doanh Quý 2/2018 đã bắt đầu được hé lộ. Tuy nhiên, các công ty này vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và tập trung vào các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực. Điều này đảm bảo giảm thiểu rủi ro và giúp nhà đầu tư gặt hái được thành quả từ các cổ phiếu có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
Chỉ số VN-Index có cơ hội phá vỡ ngưỡng cản kỹ thuật ngắn hạn (Nguồn: VNDS)
|
Các chỉ bảo kỹ thuật cho thấy chỉ số VN-Index và VN30 sẽ tiếp tục gặp các ngưỡng kháng cự quan trọng lần lượt tại 955 điểm và 942 điểm. Sự rung lắc của chỉ số tại các ngưỡng kháng cự này sẽ tiếp tục là liều thuốc thử đối với tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Rủi ro luôn song hành
Xu hướng tăng điểm có kéo dài được hay không của thị trường chứng khoán cơ sở còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô cơ bản trong và ngoài nước. Trái với triển vọng lạc quan hồi đầu năm, nửa cuối năm nay thực sự tiềm ẩn thách thức và rủi ro cho thị trường chứng khoán.
Tại cuộc họp báo diễn ra vào cuối tháng 6, Tổng cục Thống kê đã công bố so với tháng 12/2017, CPI của tháng 6 đã tăng 2,22% và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của chỉ số lạm phát cao nhất trong vòng 7 năm qua khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng về nguy cơ bùng phát của chỉ số này.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã kịp đính chính khi phân tích rằng: “Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này (tháng 6) chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.”
Tuy vậy, vẫn không thể bỏ qua áp lục tăng giá từ nhóm các hàng hóa cơ bản như giá xăng dầu, thực phẩm trong các tháng cuối năm.
Với quyết tâm kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm như: giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu, quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao...
Một chỉ báo vĩ mô quan trọng khác là diễn biến của tỷ giá vốn có nhiều biến động lớn trong thời gian gần đây.
Theo một số chuyên gia, sức ép lên tỷ giả chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Không chỉ riêng VND, hàng loạt đồng tiền khác cũng đã mất giá kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Cụ thể, đồng CNY của Trung Quốc dã mất giá -4,5%, THB của Thái Lan đã mất giá -3,8%.
Bên cạnh đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục có những động thái bình thường hóa lãi suất cũng kéo theo làn sóng rút vốn ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Cũng cần phải nhìn nhận khách quan rằng, Việt Nam là thị trường hiếm hoi vẫn duy trì được trạng thái mua ròng của khối ngoại kể từ đầu năm. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong nước vẫn còn đủ sức hấp dẫn.
Với một kênh đầu tư “nhạy cảm” với thông tin như chứng khoán, các rủi ro trên vẫn là những yếu tố sẽ khiến diễn biến thị trường trở nên khó lường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi niềm tin và nội lực từ dòng vốn nội quay trở lại, sẽ không khó để thị trường sớm tìm được điểm cân bằng cho một chu kỳ tăng trưởng mới./.