Ngày 10/7, nguồn tin từ tờ Reuters cho biết, Văn phòng thương mại Mỹ (USTR) đã công bố một danh sách dài các mặt hàng Trung Quốc, ước tính lên tới 200 tỷ USD, đang nằm trong kế hoạch bị áp thuế 10%.
Số hàng hóa trên chỉ là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Trump, khi ông này đã nói sẽ đánh thuế tổng lượng hàng hóa Trung Quốc hơn 500 tỷ USD.
Phát biểu trước giới truyền thông, đại diện cơ quan này, ông Robert Lighthizer cho biết: “Trong vòng một năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã kiên nhẫn kêu gọi Trung Quốc dừng những hoạt động thương mại bất bình đẳng, mở cửa thị trường, và tham gia cạnh tranh thị trường thực sự. Thay vì giải quyết những mối lo chính đáng của chúng tôi, Trung Quốc đã bắt đầu trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ… Không có một lý do chính đáng nào cho hành động như vậy.”
Đáp trả hành động leo thang của Mỹ, bộ Thương mại của Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh giá lại mối quan hệ với Mỹ. Giới chức nước này cũng nhấn mạnh rằng môi trường đầu tư toàn cầu đang trải qua những giờ khắc đen tối nhất.
Mặc dù phải mất tới 2 tháng nữa chính quyền ông Trump mới đưa ra bản danh sách cuối cùng, thông tin trên ngay lập tức đã làm thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục chao đảo.
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng khá tiêu cực ngay từ đầu phiên, khi các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán giảm sâu ngay trước phiên giao dịch hôm thứ Tư. Các chỉ số chính tại thị trường này như chỉ số DowJones, Nasdaq và S&P500 cũng chứng kiến đà giảm điểm.
Thị trường tài chính châu Á cũng chìm trong sắc đỏ, cụ thể: chỉ số Shanghai Composite đã để mất 49,85 điểm, tương đương 1,76%; chỉ số Nikkei 225 (thị trường Nhật Bản) cũng đã giảm tới 264,68 điểm, tương đương 1,19%.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng đã giảm 17,96 điểm, tương đương với 1,97%, và lùi về sát mức 893 điểm. Một loạt các cổ phiếu trong top VN30 chứng kiến mức giảm sâu, đặc biệt là các cổ phiếu dòng ngân hàng như BID, CTG, MBB.
Diễn biến thiếu tích cực của thị trường chứng khoán thời gian gần đây cũng khiến cho các nhà đầu tư lo lắng về mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Theo Worldbank, quan sát dựa trên diễn biến kinh tế thế giới 20 năm qua cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có chu kỳ khủng hoảng 10 năm, nếu chu kỳ này được lặp lại, giai đoạn 2019 – 2020 là thời điểm rất đáng chú ý.
Thách thức chủ yếu trong giai đoạn hiện nay, theo Worldbank là: (i) chủ nghĩa bảo hộ gia tăng làm leo thang căng thẳng thương mại; (ii) các nước đang phát triển đối mặt với việc rút vốn và đồng tiền mất giá do chính sách tiền tệ dần thắt chặt tại các nước phát triển.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường hiếm hoi vẫn thu hút được dòng vốn ngoại (giá trị mua ròng 6 tháng đầu năm đạt 1,6 tỷ USD). Điều này cho thấy các cơ hội đầu tư dài hạn tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp các rủi ro từ cuộc chiến thương mại.