Chỉ tính riêng trong tuần vừa rồi, VN-Index đã giảm 76,64 điểm và chính thức mất mốc 1.000 điểm. Cụ thể, chỉ số mang tính dẫn dắt này khi rơi từ ngưỡng 1.040,98 điểm cuối tuần trước đó xuống còn 963,9 điểm trong phiên thứ sáu tuần vừa rồi. Đáng nói, đó cũng là mức thấp nhất của VN-Index từ đầu năm đến nay.
Theo tính toán, chỉ trong vòng một tuần lễ, vốn hóa sàn Tp. HCM đã bị “thổi bay” 10 tỷ USD, chưa kể sàn HNX và UPCoM.
Đà rơi của thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa biết đến khi nào mới dừng lại, khi mà vừa mở phiên giao dịch tuần mới, hôm nay Thứ Hai ngày 28/5, VN-Index đã rơi tiếp khoảng 25 điểm nữa lùi về dưỡi mốc 940 điểm.
Tâm lý hoảng loạn đang ngày một lan rộng trên thị trường. Nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm trong việc điều hành và dẫn dắt thị trường vốn quốc gia thì vẫn “im lặng”.
Đâu đó trên trang cá nhân, một số vị đã bày tỏ quan điểm. Nhưng tất nhiên là họ nói với tư cách cá nhân.
Chẳng hạn như ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Trong một dòng trạng thái trên facebook cá nhân sáng 26/5, ông Trà đã chia sẻ về nhận định bất lợi của Bloomberg đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hãng tin uy tín của Mỹ đã đưa ra nhận định rằng MSCI có lý do chính đáng để giữ Việt Nam trong danh sách các thị trường cận biên. 2 nguyên nhân mà chuyên gia Bloomberg đưa ra là sự “mù mờ” của thị trường và mức độ chi phối của một vài công ty lớn.
Bloomberg dẫn giải rằng, những biến động mạnh của một vài công ty có thể làm thị trường chứng khoán Việt Nam “chao đảo”, khi chỉ 5 công ty đã chiếm tới hơn 40% vốn hóa thị trường. “Chỉ một vài công ty đã đủ để chi phối thị trường thì Việt Nam không phải là sân chơi cho các nhà đầu tư theo trường phái truyền thống”, Bloomberg nhắn nhủ tới các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Trước đánh giá này, ông Lê Hải Trà cho rằng, VN-Index là chỉ số đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, là một trong những phương pháp tính chỉ số phổ biến nhất trên thế giới, tính theo giá trị vốn hóa (MarketCap) của tất cả cổ phiếu niêm yết trên HoSE.
“Vì thế mà VN-Index có hạn chế là cổ phiếu có giá trị vốn hóa càng lớn càng tác động nhiều đến chỉ số này. Ví dụ, 3 cổ phiếu VIC, VRE, VHM hiện có tổng giá trị vốn hóa chiếm gần 23% VN-Index”, ông Trà thừa nhận một thực tế mà Bloomberg đã nêu.
Song người đứng đầu HoSE cho biết sẽ không thay đổi cách tính vì đây vẫn là một loại chỉ số, có giá trị lịch sử và nghiên cứu học thuật.
Lãnh đạo HoSE cho rằng giải pháp cho vấn đề này là xây dựng các loại chỉ số khác để phục vụ cho các mục đích khác.
Ông Lê Hải Trà (trái) và ông Nguyễn Duy Hưng đều cho rằng cơ cấu chỉ số Vn-Index có hạn chế. |
Đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn
Quan điểm của ông Trà đã được Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng – người rất có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng chứng khoán Việt Nam - trích dẫn trong dòng trạng thái vừa được đăng tải sáng nay, ngay khi TTCK Việt Nam mở đầu một tuần giao dịch mới, hứa hẹn không tươi sáng.
“VN-Index mang ý nghĩa lịch sử và nghiên cứu học thuật đúng như nhận xét của lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán mới đây. Tuy vậy với cơ cấu tính chỉ số này đã chỉ ra nhiều hạn chế, và cũng không chỉ riêng VN-Index các chỉ số khác cũng có những bất cập khác và không thể thỏa mãn toàn bộ các yêu cầu của nhiều nhà đầu tư khác nhau trên thị trường. Đây thực sự gây khó khăn cho các quỹ đầu tư chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hưng viết.
Chủ tịch SSI nhắc lại thực tế, rằng khi VN-Index tăng phần lớn do việc tăng giá của những cổ phiếu lớn, nhưng khi các mã cổ phiếu lớn giảm kéo theo VN-Index giảm thì đa số các cổ phiếu khác cũng giảm theo.
“Đây là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu này”, doanh nhân thành công bậc nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam gửi lời khuyên.
Theo ông Hưng, các nhà đầu tư cá nhân nếu đầu tư lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cổ phiếu lớn có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh. Còn khi đầu tư vào cổ phiếu ngoài việc dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường, của cổ phiếu thì quan trọng nhất vẫn phải nghiên cứu về công ty, về tình hình tài chính, về ban lãnh đạo về lịch sử phát triển...
“Chứ đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn ông A kéo lên, bà B đánh xuống, hay quỹ ngoại này mua, quỹ lớn kia chạy... Đây là đầu tư chứng khoán chứ không phải là chơi chứng khoán”, Chủ tịch SSI chia sẻ thẳng thắn.
Ông Nguyễn Duy Hưng viết thêm rằng, khi đi huy động Quỹ đầu tư, nếu công ty quản lý quỹ đưa ra được phương án đầu tư mang lại 15 đến 20% lợi nhuận 1 năm thì có rất nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào quỹ. “Thị trường Việt nam hiện có rất nhiều chứng khoán đáp ứng các yêu cầu của đầu tư giá trị có thể mang lại lợi nhuận cao hơn mức kỳ vọng trên đây!”./.