Như VietTimes đã đề cập trong kỳ trước, kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest; Mã: HPX) đã “đẹp” lên đáng kể trước thời điểm lên sàn.
Sự “đẹp” ấy có sự đóng góp quan trọng, thậm chí là quyết định của việc chuyển nhượng khoản vốn góp tại Công ty TNHH Phát triển địa ốc Hải Phong (Hải Phong).
Việc chuyển nhượng được tiến hành làm 03 đợt cho 02 đối tác khác nhau: Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thành Nhân (Thành Nhân).
Đợt đầu – ngày 23/10/2017, HPX ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 549/2017/HĐCN, chuyển nhượng cho Hải Phát Land 49% vốn điều lệ Hải Phong – tương đương với 147 tỷ đồng. “Tổng giá trị hợp đồng là 313 tỷ đồng; lãi từ chuyển nhượng là 273,8 tỷ đồng”, HPX cho biết.
Như vậy, tạm tính, giá vốn mà HPX đã chi ra cho 49% vốn điều lệ Hải Phong là khoảng 39,2 tỷ đồng (đã làm tròn) – tương đương khoảng 800 triệu đồng cho mỗi 1% vốn điều lệ Hải Phong. Nên nhớ rằng, như chính công bố của HPX, 49% vốn điều lệ của Hải Phong tương đương với 147 tỷ đồng, có nghĩa vốn điều lệ đăng ký là 300 tỷ đồng.
Đợt hai - ngày 30/10/2017, HPX ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 584/2017/HĐCN, chuyển nhượng cho Công ty Thành Nhân 8% tổng vốn điều lệ Hải Phong – tương đương 24 tỷ đồng. Tổng giá trị hợp đồng là 37,2 tỷ đồng; lãi từ chuyển nhượng là 30,8 tỷ đồng.
Đợt ba – ngày 26/03/2018, HPX ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 106/2018/HĐCN, chuyển nhượng Hải Phát Land thêm 32,99% vốn điều lệ Hải Phong – tương đương 98,97 tỷ đồng. Tổng giá trị hợp đồng là 263,26 tỷ đồng; lãi từ chuyển nhượng là 236,1 tỷ đồng.
Như vậy, qua ba lần chuyển nhượng, HPX đã bán tổng cộng 89,99% vốn điều lệ Hải Phong, ghi nhận tổng giá trị hợp đồng là 613,46 tỷ đồng, với lãi chuyển nhượng là 540,7 đồng.
Ở đây, có một chi tiết cần phải làm rõ. Đó là con số 89,99% vốn điều lệ Hải Phong.
Chính HPX, khi thuyết minh về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 549/2017/HĐCN, đã nêu rõ rằng: “phần vốn góp này nằm trong 70% phần vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát khi góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Hải Phong”.
Điều đó thể hiện, rằng ban đầu HPX chỉ nắm giữ 70% vốn điều lệ Hải Phong.
Vậy để có thể chuyển nhượng 89,99% vốn điều lệ Hải Phong thì hẳn trước đó, HPX đã phải gom thêm vốn góp từ cổ đông sáng lập khác. Nhận chuyển nhượng để chuyển nhượng!
Công ty TNHH Phát triển địa ốc Hải Phong
Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Hải Phong thành lập ngày 06/12/2016, đăng ký vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, trên cơ sở góp vốn của 2 thành viên sáng lập là: Hải Phát Invest (đăng ký góp 140 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70%) và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thương mại Dịch vụ Fico (60 tỷ đồng, 30%).
Theo đăng ký kinh doanh, Hải Phong có trụ sở chính tại Tầng 5, tòa CT3, The Pride, Khu ĐTM An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội; được đại diện bởi ông Đỗ Quý Hải (SN 1969) – Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông Hải cũng là người sáng nghiệp và hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT HPX.
Sau khi thành lập hơn một tháng, ngày 13/01/2017, Hải Phong đăng ký tăng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cổ đông không thay đổi: HPX (210 tỷ đồng, 70%); và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thương mại Dịch vụ Fico (90 tỷ đồng, 30%).
Rồi quả thực, HPX đã “nhận chuyển nhượng để chuyển nhượng”.
Ngày 18/9/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thương mại Dịch vụ Fico (Fico) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Hải Phong. Bên mua không ai khác chính là HPX. HPX đã nhận chuyển nhượng 89,97 tỷ đồng trên tổng số 90 tỷ đồng vốn đăng ký góp của Fico tại Hải Phong, để nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 99,99%.
Phần còn lại, 30 triệu đồng – tương đương với 0,01% vốn điều lệ Hải Phong – được Fico chuyển nhượng cho ông Phạm Minh Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm P.TGĐ HPX. Việc ông Tuấn tham gia nhận chuyển nhượng lượng vốn góp không đáng kể này, có thể hiểu như một biện pháp mang tính kỹ thuật. Bởi nếu, HPX nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Fico, Hải Phong sẽ chỉ còn 01 thành viên góp vốn và sẽ phải chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH MTV.
Vấn đề là ngay sau khi thâu tóm Hải Phong, HPX đã lại đem chuyển nhượng cho bên khác. Như đã nói, là qua 3 đợt: ngày 23/10/2017; 30/10/2017; 26/03/2018.
Từ chỗ sở hữu tuyệt đối Hải Phong, HPX trở thành thành viên góp vốn thứ yếu, với tỷ lệ sở hữu chỉ 10%. Hải Phát Land vươn lên vị trí chi phối, với tỷ lệ sở hữu 81,99%. Kế đến là Thành Nhân (8%) và ông Phạm Minh Tuấn (0,01%).
Dĩ nhiên, HPX không có gì phải tiếc nuối. Họ đã ghi lãi tới 540,7 tỷ đồng cho việc chuyển nhượng 89,99% vốn điều lệ Hải Phong. Một mức lời lịch sử!
Đối tác đã tạo nên mức lời lịch sử ấy cho HPX – Hải Phát Land và Thành Nhân – chỉ ít tháng trước vẫn là công ty con do HPX sáng lập và chi phối.
Nhưng đừng thấy thế mà nghi ngờ về tính trung thực của thương vụ. Như HPX đã nhấn mạnh trong cáo bạch: “Đến 31/12/2017, Công ty CP Bất động sản Hải Phát không phải là bên liên quan hay có vốn góp của Công ty CP Đầu tư Hải Phát”!
Tuy nhiên, nếu việc chuyển nhượng vốn góp giữa HPX và Hải Phát Land, HPX và Thành Nhân là những thương vụ đúng nghĩa, có lẽ cũng nên đặt vấn đề với thương vụ chuyển nhượng vốn góp từ Fico cho HPX. Cùng là vốn góp tại Hải Phong và giao dịch chỉ diễn ra trước đó một tháng…
Nếu HPX ghi lãi 30,8 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 8% vốn điều lệ Hải Phong cho Thành Nhân vào ngày tháng 10/2017, vậy thì khi chuyển nhượng 30% vốn điều lệ cho HPX, Fico hẳn cũng phải lời to.
Nhưng theo tính toán, giá vốn mà HPX đã chi ra cho khoản đầu tư tại Hải Phong chỉ là khoảng 800 triệu đồng cho mỗi 1% vốn điều lệ. Với mức giá này, HPX hẳn phải được Fico chuyển nhượng vốn góp với giá rất thấp. Chưa kể, số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2017 của HPX cũng ủng hộ xu hướng này.
Khác với Hải Phát Land và Thành Nhân – những công ty con một thời đã kiến tạo nên lợi nhuận lịch sử cho HPX chỉ qua một thương vụ - Fico vốn không có quan hệ sở hữu với HPX. Nó được thành lập bởi một Tập đoàn Nhà nước.
Mối liên hệ giữa HPX và Fico chỉ thông qua sự hợp tác đầu tư tại một số dự án, trong đó có lô đất A7/HH - Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội. Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Hải Phong, nên biết, chính là chủ đầu tư của dự án này…
Đón đọc!