Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Các chủ đầu tư ồ ạt tung ra sản phẩm mới, khách hàng đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, đang dần đẩy thị trường bất động sản xa hơn với giá trị thực.
Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Giao dịch bất động sản (BĐS0 tại TP HCM trong 3 tháng đầu năm nay có dấu hiệu chững lại so với những tháng cuối năm ngoái. Trong 57.000 căn hộ được chào bán, chỉ có gần 9.000 căn được giao dịch. Hiện nay, TP HCM vẫn là địa phương có lượng tồn kho bất động sản cao nhất cả nước, với tổng trị giá hàng tồn là 7.730 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản nơi đây đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại.

Theo thông tin từ Hiệp hội bất động sản TP HCM, biểu hiện rõ nhất của sự bất ổn là thị trường bất động sản tại TP HCM có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp. Số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp từ đầu năm đến nay, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 15% giao dịch. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong bóng nhà đất từng xảy ra cách đây gần 10 năm.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, việc một dự án được thế chấp vay ngân hàng 2 lần ở TP HCM hiện nay cũng là biểu hiện bất ổn của thị trường bất động sản.

“Thị trường bất động sản vẫn chưa đến mức được gọi là bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, sau một thời gian tích tụ cũng đang có rất nhiều rủi ro đang ẩn chứa trong nó. Một dự án BĐS đã được chủ đầu tư thế chấp nhưng đến người mua lại cũng thế chấp. Việc này ngân hàng cần phải làm việc rõ ràng, phối hợp với chủ đầu tư để tránh được tình huống xấu. Khi khách hàng mua căn hộ chủ đầu tư đã có thế chấp thì phải trả tiền bớt để loại trừ ra”, ông Nghĩa cho biết.

Theo thông tin từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, năm nay, TP HCM sẽ có hơn 45.000 căn hộ từ 90 dự án được bán ra thị trường. Cộng với gần 42.000 căn hộ được bán ra trong năm 2015 thì nguồn cung căn hộ tại TP HCM đang rất dồi dào. Trong khi đó, ở phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự tuy lượng giao dịch nhiều hơn, nhưng chủ yếu để đầu tư chứ không đáp ứng nhu cầu ở thực.

Đơn cử như Khu căn hộ cao cấp The Princess Residence có giá khoảng 70 triệu đồng/m2 ở vị trí “đắc địa” ngay cầu Nguyễn Văn Trỗi, giáp ranh giữa quận Phú Nhuận và quận 3, tuy đã đi vào hoạt động, nhưng chỉ có chưa đến 30% số căn hộ được cư dân đến ở. Trong khi đó, lượng căn hộ cao cấp ở TP HCM vẫn liên tục được tung ra thị trường.

Riêng Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn địa ốc Novaland vừa chào bán 7 dự án trên khắp thành phố và đang phát triển tới 34 dự án mới. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn lô đất nền ở các quận, huyện ven thành phố như: Quận 2, quận 9, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn Nhà Bè được quảng cáo thường xuyên với giá hấp dẫn.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay thị trường BĐS tại TP HCM, số dự án nhiều cùng với số lượng doanh nghiệp cũng nhiều. Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp BĐS ở TP HCM rất lớn. Họ áp dụng thường xuyên, liên tục các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm và các hình thức tiếp thị sản phẩm khác.

Trên thực tế, sự không minh bạch trên thị trường BĐS tại TP HCM cũng đang ẩn chứa nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Theo tìm hiểu, những dự án căn hộ cao cấp ở quận 7 như Ehome 5, khu căn hộ cao cấp Nam Long, Dự án căn hộ chung cư, biệt thự Vinhomes Central Park tại quận Bình Thạnh, các chủ đầu tư đều thông báo đã bán được hơn 90% và chủ đầu tư thường tăng giá bán qua mỗi đợt chào bán sản phẩm.

Tuy nhiên, các nhân viên tiếp thị vẫn khẳng định, nếu khách hàng có nhu cầu mua thì “bao nhiêu cũng có”. Các công trình này đều đang trong quá trình xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã mở bán để huy động vốn của khách hàng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, bên cạnh chính sách về tín dụng, ngân hàng, chúng ta cần có biện pháp hiệu quả hơn để quản lý việc các nhà đầu tư huy động vốn của khách hàng.

“Thời điểm này có một vài phân khúc thị trường BĐS, trong đó có phân khúc thị trường nhà ở cao cấp đang trong tình trạng dư cung. Tình trạng dư cung sẽ dễ dàng kéo theo cái bong bóng bất động sản vỡ ra. Tôi cho rằng, cần thiết phải có một số biện pháp để điều chỉnh thị trường và cần phải được thực hiện ngay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.

Trên thực tế, tại TP HCM, sự phục hồi của thị trường bất động sản trong khoảng 2 năm nay đang hấp dẫn nhiều người, nhiều ngành cùng tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư ồ ạt tung ra sản phẩm mới, khách hàng thì đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, đang dần đẩy bất động sản ở đô thị này xa hơn với giá trị thực của nó./.

Theo VOV