Pháp chào hàng tàu chiến với Hải quân Việt Nam

Pháp đang chào hàng tàu hộ tống lớp Gowind, tàu tuần tra và tên lửa trang bị trên tàu chiến với Hải quân Việt Nam, theo trang tin TTU.fr (Pháp).
Đồ hoạ tàu hộ tống tàng hình lớp Gowind đang phóng tên lửa phòng không MICA
Đồ hoạ tàu hộ tống tàng hình lớp Gowind đang phóng tên lửa phòng không MICA

Trang tin này ngày 14.6 nhận định rằng ngành công nghiệp quốc phòng cũng như đóng tàu quân sự của Pháp có thể có được các cơ hội qua chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 6.6 qua.

TTU.fr nhận xét Hải quân Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hoá, đặt mua nhiều tàu chiến và tàu ngầm từ Nga cũng như các vũ khí khác, tuy nhiên năng lực vẫn còn giới hạn và đó là thị trường mà doanh nghiệp quốc phòng Pháp có thể khai thác.

Theo TTU.fr, Việt Nam đã đặt Nga đóng 4 tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9, nhưng hai chiếc sau bị chậm trễ trong thi công do cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến việc cung cấp động cơ turbin khí từ Ukraine sang Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk (CH Tatarstan, Nga) bị chậm. Vì vậy hồi tháng 3.2015, ông Ralf Brauksiepe, đại diện một công ty ở Berlin (Đức) đã đề nghị cung cấp động cơ cho Việt Nam thay thế Ukraine.

Hải quân Việt Nam sử dụng đa số thiết bị và vũ khí từ Nga, như tên lửa diệt hạm Kh-35 (cho tàu chiến) và Kh-31 (cho tiêm kích Su-30MK2). Sáu tàu ngầm lớp Kilo đặt mua từ năm 2009 dự kiến đến cuối năm 2016 này sẽ có đủ (5 chiếc đã về Việt Nam), đều được trang bị tên lửa hành trình Klub có khả năng tấn công đất liền. Tuy nhiên hợp đồng của Việt Nam đặt tập đoàn Damen (Hà Lan) đóng 4 tàu hộ tống lớp Sigma đã bị hoãn, do thiếu khả năng tài chính, theo TTU.fr.

Trước những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, những khả năng này của Hải quân Việt Nam là chưa đủ. Các nhà máy đóng tàu của Việt Nam tự đóng tàu tên lửa có lượng choán nước 400 tấn (tàu tên lửa Molniya, dự án 12418, theo diễn đàn Nga bmpd) và cả tàu đổ bộ dài 72 m theo thiết kế của Nga, nhưng thiếu về khả năng phòng không vì không có hệ thống tên lửa như của VL MICA (Pháp). Khả năng dò tìm và rà phá mìn biển, tuần tra biển (dù trang bị máy bay tuần tra biển DHC-6 Twin Otter, Casa 212) bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng còn yếu, theo đánh giá của TTU.fr.

Trang tin này gợi ý rằng qua chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian có thể tạo ra sự khác biệt. Đó là các doanh nghiệp Pháp như Nhà máy đóng tàu Couach chào hàng loại tàu tuần tra cao tốc gần đây đã bán cho Ấn Độ, CNIM và Socarenam với các tàu đổ bộ 3 thân EDA-R, Piriou với tàu tuần tra. Tập đoàn quốc phòng DCNS chào hàng tàu hộ tống có chức năng dò tìm và chống tàu ngầm lớp Gowind thay thế các tàu Sigma mà Việt Nam tạm dừng mua vì giá cao.

Chưa rõ tiến triển của các cuộc chào hàng này như thế nào. Tuy nhiên lớp tàu tuần tra và hộ tống Gowind (lượng choán nước từ 1.000 - 2.500 tấn) là mặt hàng mà tập đoàn DCNS bán được cho nhiều nước như Malaysia và Ai Cập.

Pháp chào hàng tàu chiến với Hải quân Việt Nam ảnh 1

Tàu tuần tra P 725 L'Adroit lớp Gowind của Hải quân Pháp

Hồi năm 2014, Ai Cập ký hợp đồng trị giá 1 tỉ euro đặt đóng 4 tàu hộ tống Gowind 2500 (2.500 tấn), trong đó 3 chiếc đóng tại Ai Cập có chuyển giao công nghệ từ Pháp. Lớp tàu đóng cho Ai Cập dài 102 m, ngang 16 m, lượng choán nước 2.500 tấn. Ai Cập được cho đã không chọn lớp tàu Sigma của Hà Lan, Meko A200 của Đức mà chọn Gowind của Pháp.

Trong khi tàu Gowind dùng làm tuần tra (OPV) có lượng choán nước dưới 1.500 tấn, vũ khí nhẹ (súng máy, pháo 20 mm) thì các tàu Gowind loại dùng chiến đấu có lượng choán nước từ 2.500 tấn trở lên. Tàu hộ tống Gowind được vũ trang tên lửa diệt hạm Exocet (8 quả) và tên lửa phòng không VL MICA (16 ống phóng thẳng đứng), sàn đậu trực thăng sau đuôi và hangar chứa trực thăng (loại 10 tấn). Tàu còn có 1 pháo hạm 76 mm (Oto Melara), 2 pháo phòng không bắn nhanh tự động 20 mm Nexter Narhwal, hệ thống phóng ngư lôi MU90 loại 324 mm. Tàu trang bị radar của Thales.

Tàu Gowind có động cơ diesel 10MW, tốc độ 25 knot (46 km/giờ), tầm hoạt động 6.900 km ở tốc độ 15 knot (28 km/giờ), thuỷ thủ đoàn 65 người và có thể nhận thêm 15 người (lực lượng đặc nhiệm, cùng 2 xuồng cao su loại 6,5 m).

Malaysia hồi năm 2011 đạt hợp đồng 2,8 tỉ USD với DCNS về việc đóng 6 chiếc Gowind. Giá cả mà Malaysia trả cho DCNS cao hơn vì tàu Gowind đóng cho Malaysia lớn hơn: dài 111 m, lượng choán nước 3.100 tấn; và 6 tàu này đóng tại Malaysia theo giấy phép của Pháp.

Theo Thanh niên