Sau 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng “nóng”, tổng số nợ xấu cũng không ngừng theo chân len lỏi vào hệ thống.
Theo thống kê của người viết từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015, tổng số nợ trong 9 tháng đầu năm nay của riêng 3 “đại gia” ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã lên tới 23.825 tỷ đồng, tăng 11,2% so với thời điểm cuối năm 2014. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn là 13.254 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu.
Sẽ dễ hình dung hơn nếu làm một phép tính so sánh, núi nợ kếch xù của 3 ngân hàng này đã gần bằng vốn điều lệ của 8 ngân hàng: CBBank, VietBank, BaoVietBank, NCB, GPbank, NamABank, Saigonbank và VietABank cộng lại. ( xấp xỉ 24.000 tỷ đồng).
Cụ thể, Vietcombank có tổng cộng 7.141 tỷ đồng nợ xấu, giảm nhẹ hơn 300 tỷ so với cùng kỳ và chiếm 2% trên tổng dư nợ. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ nhóm dưới tiêu chuẩn và nhóm nghi ngờ đều giảm riêng nợ nhóm có khả năng mất vốn tăng mạnh 38%, từ 3.571 tỷ đồng đầu năm lên 4.938 tỷ đồng - chiếm 69% tổng nợ xấu.
Tại thời điểm ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank là 0,95%, giảm từ 1,11% theo số liệu đã soát xét cuối năm 2014. Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng gấp 3 và nợ có khả năng mất vốn có dấu hiệu tăng mạnh 29% với kết quả lần lượt là 1.107 tỷ và 2.685 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của 3 ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2014 và cuối tháng 9/2015
Ngược với xu hướng chung giảm dần về tỷ lệ nợ xấu, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của BIDV là 2,16%, tăng nhẹ so với kết quả 2,03% thời điểm đầu năm nhưng quy mô nợ xấu của BIDV đã lên đến 11.924 tỷ đồng, trong khi tại 31/12/2014 chỉ ở mức 9.055 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đến 30/9/2015 đã lên tới 5.631 tỷ đồng, tăng vọt 72%, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay của BIDV ở mức rất cao so với những ngân hàng khác lên tới 23,47% so với cuối 2014. Cũng chính vì đẩy mạnh cho vay khách hàng như trên đã góp phần giảm bớt tốc độ tăng nợ xấu tại ngân hàng này, nếu không tỷ lệ nợ xấu đã không chỉ dừng lại ở mức 2,16%.
Dư nợ cho vay khách hàng của 3 ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2014 và cuối quý 3/2015
Liên quan đến nợ và phân loại nợ, báo cáo tài chính của BIDV cũng chú giải thêm: các khoản cho vay một số công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và một số đơn vị thành viên và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được phân loại và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin và Vinalines.
Tại thời điểm giữa năm nay, BIDV cũng là ngân hàng đứng đầu danh sách về nợ xấu. Theo nhiều phán đoán, nợ xấu tăng mạnh có thể một phần nguyên nhân đến từ ngân hàng MHB - đơn vị sáp nhập vào BIDV từ tháng 5.
Suy đoán này không phải là không có căn cứ bởi trước đó, năm 2012, SHB sáp nhập Habubank và có đánh đổi, được - mất. Trong đó, gánh nặng lớn nhất là nợ xấu chuyển giao, đặc biệt ở những “nút thắt” Vinashin và Bianfishco. Trước sáp nhập, nợ xấu SHB chỉ 2,67%, tiếp nhận Habubank, nợ xấu đột biến tới 8,52%. Ngay trong năm 2012, ngân hàng sau sáp nhập có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng là một trong những ngân hàng thương mại có quy mô bán lại nợ xấu nhiều nhất cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong năm 2014, BIDV là ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhiều nhất với con số 6.600 tỷ đồng. Và trong 9 tháng đầu năm nay, BIDV đã bán hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, vượt 25% so với kế hoạch đề ra.
Theo Infonet