Nợ xấu đã giảm 91,2%
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh khẳng định, sau hơn 3 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Từ năm 2011 đến nay, số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Về xử lý nợ xấu, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 424.140 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012). Trong đó, xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%, gần 60% nợ xấu còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp…
Nợ xấu dự kiến về dưới 3% vào cuối năm 2015. Ảnh:Đức Thanh |
“Nợ xấu đã giảm về mức 3,21% tháng 8/2015 và dự kiến cuối năm 2015 sẽ về dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra”, Phó thống đốc Kim Anh khẳng định.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong hơn 3 năm qua, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng đã có 4 thành công lớn. Thứ nhất là đưa thanh khoản hệ thống từ chỗ “ngàn cân treo sợi tóc” từ năm 2011 đến nay đã được củng cố. Thứ hai, đã xử lý thành công 17 tổ chức tín dụng yếu kém trong và ngoài nước, đáng chú ý là “phát kiến” chưa từng có tiền lệ của NHNN: mua ngân hàng với giá 0 đồng. Thứ ba, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 17% (năm 2012) xuống chỉ còn 3% đến hết tháng 9/2015. Thứ tư, đã xử lý tương đối tốt tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng.
Đại diện phía ngân hàng TMCP, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank khẳng định: “Những người khó tính nhất cũng thấy NHNN và hệ thống ngân hàng đã đi những bước rất dài để ổn định chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế nói chung”.
Lo nợ xấu “nhảy kho”
Dù đánh giá rất cao những thành tựu tái cơ cấu ngân hàng sau hơn 3 năm, song TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lo ngại lớn nhất của ông vẫn là hơn 40% tổng số nợ xấu của hệ thống đang nằm ở VAMC. Bởi với hành lang pháp lý hiện nay, ngay cả khi VAMC được mua, bán nợ theo giá thị trường, thì khối nợ này vẫn rất khó xử lý.
Thực tế, hiện có những tập đoàn nước ngoài lớn như Blackstone (Mỹ) muốn mua nợ Việt Nam, có thể là mua theo lô lớn giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng họ đề nghị, sau khi mua nợ, khối tài sản đó phải được sang tên cho họ. Tuy nhiên, với các thủ tục hiện tại về sang tên, chuyển nhượng, thi hành án…, thì VAMC không thể trả lời cho đối tác.
Thừa nhận thực tế trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho hay, kết quả đạt được mới là khởi đầu, còn xử lý khối nợ hơn 200.000 tỷ đồng mua về mới là thách thức ở phía trước.
“Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC bày tỏ mong muốn mua nợ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam liên quan đến mua bán và xử lý nợ, các nhà đầu tư mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.
Theo lãnh đạo VAMC, từ năm 2016, ưu tiên hàng đầu của VAMC là tập trung toàn lực để xử lý nợ xấu và mua nợ theo giá thị trường. Tuy vậy, vướng mắc về hành lang pháp lý vẫn còn rất lớn.
Được biết, Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Chính phủ báo cáo và trình Quốc hội ra Nghị quyết đặc biệt để xử lý nợ xấu, được áp dụng trong thời hạn nhất định. Song đến nay, Chính phủ vẫn chưa đưa ra ý kiến.
“Tôi hy vọng, trong tương lai, Chính phủ và Quốc hội quan tâm trao quyền cho VAMC nhiều hơn. Nếu không, 5 năm, 10 năm sau, một ‘đống rác’ sẽ đổ về bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại. Và khi đó, chúng ta lại cần một chương trình tái cấu trúc nữa, ảnh hưởng lớn tới niềm tin và tốn kém chi phí”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, với mọi quốc gia, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng là vấn đề của chính ngành kinh tế đó. Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng, thì nỗ lực riêng của hệ thống là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo Đầu tư