Nợ xấu đã gần giảm về mức 3%. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp.
Tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 4,93% vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Kim Anh, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong thời gian qua về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng góp phần ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và giảm lãi suất.
Nhìn lại cả tiến trình thực hiện đề án xử lý nợ xấu, có đóng góp không nhỏ của VAMC. Tính từ đầu năm đến ngày 30/9, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 91.314 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 82.155 tỷ đồng của 37 tổ chức tín dụng. VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt hơn 218.000 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới đều sử dụng tiền mặt để xử lý nợ xấu là giải pháp nhanh nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam thực tế ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực không cho phép chúng ta làm điều đó. Vì vậy, việc ra đời VAMC với cách thức hoạt động đặc thù là giải pháp phù hợp."
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, VAMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc của trong công tác xử lý nợ. So với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập.
Ông Hùng cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể Luật Đầu tư 2014 quy định: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và Luật 69/2014/QH13 quy định “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình."
"Như vậy, VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ," ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, ở Mỹ, xử lý nợ nói chung và nợ xấu nói riêng có 2 cách: Thứ nhất, thông qua kênh pháp lý và tòa án. Thứ hai, ngân hàng thu hồi nợ không được thì đưa ra tòa án giải quyết. Nợ không được giải quyết, tòa án tuyên bố phá sản cho doanh nghiệp.
Còn ở Việt Nam, hầu như các vụ đều xử lý nợ qua việc thương thảo giữa người đi vay và cho vay, phần lớn phải đem nhau ra tòa. Khi có phán quyết của tòa án thì tùy theo nhận định, sự hiểu biết của các đơn vị thi hành án.
Một điểm khác biệt nữa là ở Việt Nam không cho phép cá nhân phá sản, trong khi nhiều nước cho cá nhân phá sản. Ngân hàng đưa cá nhân đó ra, tòa án tuyên bố phá sản, có quyền cho phép ngân hàng dùng tất cả tài sản của cá nhân đó để thu hồi nợ, nếu số tài sản đó không đủ thì ngân hàng sẽ xóa nợ.
Ông Hiếu kiến nghị, cần phải thay đổi khung pháp lý để các ngân hàng và doanh nghiệp có cách giải quyết với nhau mà không nhất thiết phải qua tòa án. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng có quyền thế chấp tài sản đó./.
Theo VietNam+