Theo chương trình nghị sự, cả ngày hôm nay, ngày 2/11 và sáng 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Cũng phiên thảo luận này, Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các Bộ trưởng về những vấn đề mà họ quan tâm. Hình thức này sẽ thay cho hình thức chất vấn riêng từng trưởng ngành như các kỳ họp trước.
Nếu chính sách tốt, GDP có thể tăng thêm 3-4%
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Chính phủ đã báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội. Theo đó, năm 2015 có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch là kết quả đáng khích lệ, phản ánh nỗ lực rất lớn của toàn dân, toàn quân, khối doanh nghiệp và điều hành của Chính phủ.
Nhiều đại biểu đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, vượt 0,3% so với kế hoạch, đây là thành tích cao nhất trong những năm gần đây, có ý nghĩa quyết định đối với các mục tiêu khác và là tiền đề cho kế hoạch năm 2016.
Tuy vậy, không ít đại biểu lo ngại về chất lượng tăng trưởng kinh tế và cho rằng chưa bền vững, chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Việc huy động ngân sách nhà nước không đạt như mong muốn, dẫn đến thâm hụt ngân sách và phải xử lý thâm hụt ngân sách bằng các giải pháp như huy động vốn, thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước, vay đảo nợ… cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chưa thật sự vững chắc.
Đặc biệt, nhiều đại biểu bức xúc về việc DNNN hưởng lợi nhiều cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư nhưng lại đóng góp rất hạn chế vào GDP. Tăng trưởng GDP trong nhiều lĩnh vực không đạt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Nợ trong triển khai chương trình nông thôn chưa được tính trong GDP và khả năng trả nợ thấp.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nâng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế vì nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán và phát huy những cơ hội do TPP đem lại. Nếu chính sách tốt thì GDP có thể tăng thêm được 3-4%.
Tâm điểm nợ công, nợ xấu và ngân hàng 0 đồng
Nợ công đang là nỗi lo trong nghị trường. Năm 2015, nợ công là 61,3% GDP, trong phạm vi của Quốc hội cho phép (dưới 65%). Tuy nhiên, con số này cũng gây băn khoăn về sự an toàn tài chính quốc gia, nghĩa vụ trả nợ của chúng ta ngày càng cao, ngân sách chỉ bố trí chi trả một phần, phần thiếu hụt phải vay để đảo nợ.
Nhiều đại biểu cho rằng, nếu tính cả nợ của các DNNN, nợ bảo hiểm, nợ NHTM, nợ đọng xây dựng cơ bản thì năm 2015 tỷ lệ nợ công đã vượt trần. Điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ ngày càng lớn và nếu không kịp thời giải quyết thì nền kinh tế sẽ bất ổn.
Cũng không ít đại biểu cho rằng tiêu chí xác đinh nợ công chưa rõ, số liệu nợ công trong các báo cáo không thống nhất. Việc xác định mức giới hạn nợ công không thống nhất. Không thể nhận định là tăng trưởng kinh tế tốt trong khi nợ công vẫn tăng cao. Không nên đánh giá tỷ lệ nợ công qua các chỉ số mà nên đánh giá hiệu quả đầu tư công để quản lý tốt hơn về nợ công.
Trước thực tế đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật quản lý nợ công và Chính phủ cần quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, tính toán hợp lý việc vay nợ, trả nợ.
Nhiều đại biểu còn yêu cầu Chính phủ nhận định chính xác khả năng trả nợ cần đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả thực hiện của từng công trình, dự án cụ thể để tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công và Quốc hội cần giám sát về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phân tích rõ hơn về cơ cấu chi và nguyên nhân bội chi. Việc thực hiện kỷ luật chi ngân sách và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa nghiêm. Cần nghiên cứu, rà soát để cắt giảm, bảo đảm hiệu quả kinh phí dự toán 2015.
Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần cân đối nhu cầu chi, giữ mức bội chi theo Nghị quyết của Quốc hội. Bội chi ngân sách năm 2016 cần giữ như năm 2015 và ở mức độ ổn định để đến năm 2020 nhỏ hơn 4%.
Cần làm rõ bản chất và chất lượng của việc giảm tỷ lệ nợ xấu
Nợ xấu cũng là một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội đánh giá nợ xấu giảm từ 17,2% năm 2012 xuống dưới 3% năm 2015 là tích cực, tuy nhiên việc xử lý nợ xấu còn chưa triệt để và toàn diện. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ nguyên nhân, bản chất và chất lượng của việc giảm tỷ lệ nợ xấu.
Nhiều đại biểu nhận định nợ xấu đang là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế, tỷ lệ lớn và đang tăng nhanh. Việc giải quyết nợ xấu thực hiện không triệt để và toàn diện; việc bán nợ xấu cho đơn vị khác, nhưng với bộ máy quản lý, con người cũ không có năng lực khi điều hành doanh nghiệp dễ dẫn đến tái diễn nợ xấu.
Cũng không ít ý kiến về việc đưa nợ xấu về VAMC thì mới chỉ là khoanh nợ, chưa thể giải quyết được căn bản tình trạng nợ xấu. Hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC thấp, khả năng thu hồi vốn để khắc phục hậu quả hiện nay còn hạn chế. VAMC mới chỉ bán được 10% tổng số nợ xấu các ngân hàng chuyển sang. Nếu không xử lý triệt để vấn đề nợ xấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh ngân hàng và tình hình tài chính, tiền tệ quốc gia.
Cũng không ít đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ 17% tăng trưởng tín dụng có trực tiếp đi vào sản xuất và lưu thông không. Cần xây dựng tỷ giá và lãi suất theo quy luật thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ cần có cơ chế chính sách để phát triển lành mạnh thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm vốn trung, dài hạn chủ yếu trên TTCK.
Không ít đại biểu yêu cầu Chính phủ nên có chính sách tín dụng phù hợp để thu hút các ngân hàng quốc tế vào Việt Nam và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp.
Nhiều đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ cần đánh giá, báo cáo Quốc hội kịp thời ban hành pháp luật liên quan đến việc NHNN mua lại các NHTM với giá 0 đồng, bảo đảm việc kinh doanh của các ngân hàng. Quốc hội cần giám sát chặt chẽ (có thể thành lập Ủy ban lâm thời để giám sát) không để tiền thuế của người dân phải gánh chịu rủi ro.
MINH HUỆ theo BizLive