Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông cho biết:
Với đồng bộ các giải pháp xử lý, đến cuối tháng 9/2015 tỷ lệ nợ xấucủa hệ thống các TCTD đã giảm về mức 2,9%, trong đó xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%. Cho nên, nói 226.000 tỷ đồng nợ xấu chuyển sang VAMC đang nằm bất động là thiếu căn cứ và không chính xác.
Với số lượng nợ trên thì giá trị để VAMC quản lý và phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 191.000 tỷ đồng. Như vậy, 35.000 tỷ đồng đã được các TCTD trích dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro. Nhiều TCTD từ khi bán nợ cho VAMC tới nay tiếp tục phải trích dự phòng rủi ro.
Với mức trích 10% hàng năm theo TPĐB của TCTD đã tái cơ cấu, 20% với các TCTD không phải tái cơ cấu, thì mỗi năm có thêm khoảng 20 - 30 nghìn tỷ đồng được các TCTD trích dự phòng để xử lý nợ xấu.
Cộng với phần VAMC tổ chức bán tài sản đảm bảo 10 - 20 nghìn tỷ đồng trong năm nay và sang năm 2016 con số này có thể lên tới 30 - 40 nghìn tỷ đồng thì số nợ xấu giảm đáng kể.
Như vậy, một mặt TCTD tự xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro, một mặt VAMC bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thì không thể nói nợ xấu chỉ được “nhốt” lại mà VAMC không làm gì.
Vấn đề nữa, nếu TCTD không bán nợ xấu cho VAMC thì DN có đến các TCTD khác cũng không ai cho vay. Ví dụ, một DN vay vốn ở 5 TCTD nhưng chỉ có nợ xấu ở 1 TCTD thì các TCTD khác cũng “đóng cửa”, theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN của NHNN. Vậy, nếu VAMC không hình thành, không mua lại nợ xấu thì DN đó “chết” và “cục máu đông” nợ xấu khó thoát ra khỏi nền kinh tế.
Ông có thể nói rõ cách xử lý của VAMC sau khi mua nợ xấu từ các TCTD?
Đa số những khoản nợ VAMC mua đều đủ điều kiện là có tài sản đảm bảo và tài sản đảm bảo đó không có tranh chấp, có thể phát mại. Chúng tôi xem xét toàn bộ hồ sơ, phân loại nợ…
Khoản nợ nào mà DN vay có khả năng phục hồi thì VAMC nghiên cứu kỹ, trao đổi với TCTD, sau đó rà soát, sàng lọc, có văn bản gửi các TCTD xử lý.
Ví dụ, một NH bán 150 khoản nợ cho VAMC, sau khi rà soát lại chúng tôi thấy có khoảng 30 khoản nợ có thể cơ cấu lại, trong đó TCTD có thể tự xử lý được 20 khoản và 10 khoản cần VAMC hỗ trợ, khi đó VAMC xem xét bắt tay vào cùng TCTD xử lý 10 khoản nợ đó.
Trong trường hợp các khoản nợ không có đủ điều kiện cơ cấu lại, do DN không có phương án kinh doanh khả thi, không chứng minh được năng lực tài chính khi thực hiện phương án mới; DN lâm vào tình trạng khó khăn, chỉ có phát mại tài sản, xử lý tài sản đảm bảo, xử lý bán nhà máy, bán khoản nợ, chuyển nhượng cho các đơn vị khác để người khác kế thừa các khoản nợ đó, tiếp tục duy trì sản xuất
Do lo ngại tài sản đảm bảo hao hụt (dây chuyền, máy móc thiết bị để lâu) mất mát (thế chấp bằng nguyên liệu hàng tồn kho), chúng tôi phải trao đổi với các TCTD xem xét, rà soát lại, tổ chức thu giữ phát mại càng sớm càng tốt.
Cũng có những trường hợp khi VAMC và TCTD hợp tác với nhau để làm việc với khách hàng thì khách hàng rất thiện chí, tự nguyện huy động mọi nguồn trả nợ và tự nguyện bán tài sản để trả nợ.
Với cách làm như vậy, đến nay nhiều TCTD đã gửi thư cảm ơn VAMC có hợp tác tốt để thu hồi được nợ. Số lượng VAMC cùng TCTD thu được nợ như vậy khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, trong tổng số thu hồi phát mại tài sản, bán tài sản là 16.200 tỷ đồng.
Dù là vậy, so với tổng số nợ đã mua thì có vẻ VAMC còn đối mặt nhiều rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo?
Đúng vậy, hiện đã có Thông tư 18 của Bộ Tư pháp hướng dẫn VAMC tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Mặc dù theo quy định 15 ngày có thể thay đổi một mức giá, nhưng nếu giá khởi điểm ban đầu mà không có sự đồng thuận với khách hàng thì cũng rất khó.
Bởi khi VAMC định giá, khách hàng không đồng ý thì không thể tiến hành đấu giá được. Và để đưa ra được mức giá “thật” sát với thị trường thì đã phải qua bao lần thay đổi, qua nhiều tháng. Đến khi đạt được bằng giá mua thì phải 8-9 tháng mới có được cuộc đấu giá thành công. Chính vì vậy, vấn đề đấu giá cũng rất khó khăn.
Thứ nữa, VAMC mua nợ của các TCTD và bán tài sản đảm bảo thì phải kế thừa khoản nợ, nên khi bán dưới giá trị khoản nợ thì trách nhiệm vẫn thuộc về VAMC, rất khó cho chúng tôi.
Ví dụ, VAMC mua của TCTD khoản nợ gốc là 100 tỷ đồng và lãi của khoản nợ đó là 50 tỷ đồng. Như vậy, giá trị của VAMC mua khoản nợ đó là 150 tỷ đồng. Giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 80 tỷ đồng, giá mua nợ theo giá thị trường khoảng 50 tỷ đồng.
Đúng ra, VAMC bán tài sản đảm bảo của khoản nợ với giá 60 tỷ đồng là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng theo quy định hiện nay, VAMC mua nợ phải kế thừa khoản nợ nên 40 tỷ đồng gốc và 50 tỷ đồng lãi VAMC phải chịu trách nhiệm tiếp tục đôn đốc thu hồi, hoặc thành lập hội đồng xét miễn giảm gốc và lãi, trong khi chưa có quy định cụ thể về nội dung công việc này.
Như ông nói, dường như chưa có sự đánh đổi giữa bán nhanh để xử lý nợ xấu, nhưng phải mức giá hợp lý, theo tín hiệu thị trường?
Đúng là bán nợ sẽ xử lý nợ xấu nhanh nhất và hiệu quả nhất. Nhưng hiện nay cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho việc bán nợ xấu, khi chưa có thị trường mua bán nợ tại Việt Nam và cũng chưa có đối tác để VAMC bán nợ.
Hiện VAMC mua nợ của TCTD nhưng lại bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chứ không phải bán nợ. Vì những người được phép mua khoản nợ là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các TCTD và VAMC.
Thế nên, khi VAMC mua nợ về thì chỉ xem xét bán tài sản đảm bảo thông qua hình thức đấu giá chào hàng cạnh tranh, còn bán khoản nợ thì chưa có đối tác, đối tượng.
Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài có vào mua nợ cũng khó. Vì các nhà đầu tư nước ngoài vào trả giá rất rẻ, lại yêu cầu xử lý nhanh khoản nợ đó. Trong khi, cơ sở pháp lý, thủ tục cho việc bán nợ nói chung và bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài nói riêng hiện chưa rõ ràng, nên chưa thể bán được nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!