Những điểm bùng phát và chạy đua vũ trang thế giới năm 2019

VietTimes -- Tác giả Franz-Stefan Gady có bài viết trên Diplomat dự đoán những điểm bùng phát và chạy đua vũ trang năm 2019 sẽ chủ yếu xảy ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thiếu vắng một quyền lực quân sự có năng lực thống trị khu vực sẽ khiến nhiều nước nước sai lầm trong việc đánh giá cái giá phải trả và lợi ích có được khi gây ra một cuộc chiến hạn chế.
Hiện chưa rõ trong năm 2019, Triều Tiên có dừng hẳn chương trình thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không? Ảnh minh họa: Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên.
Hiện chưa rõ trong năm 2019, Triều Tiên có dừng hẳn chương trình thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không? Ảnh minh họa: Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên.

Viễn cảnh an ninh châu Á năm 2019 cũng như những năm trước sẽ bị chi phối bởi 1 loạt các điểm bùng phát trong khu vực bao gồm bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan. Tất cả những địa điểm này có khả năng tiềm tàng châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, trong 12 tháng tới có lẽ sẽ có ít rủi ro có thể xảy ra những cuộc chạm trán quân sự công khai trong cả 4 trường hợp.

Đồng thời, năm 2019 sẽ chứng kiến một cuộc chiến dữ dội hơn tại Afghanistan, trong quá trình đàm phán hòa bình cùng đề xuất rút 7.000 lính Mỹ khỏi đất nước này. Kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào mùa xuân cũng có thể bị hoãn lại. Các lĩnh vực khác chúng ta có thể theo dõi bao gồm: khả năng bạo lực gia tăng tại Jammu và Kashmir khi có kết quả của các cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ năm 2019; khả năng mất kiểm soát do tranh chấp biên giới tại Nam Á; sự gia tăng đối đầu về hải quân giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan trên Ấn Độ Dương. Sự đối đầu về hải quân đặc biệt đáng chú ý khi cả ba nước đang bắt đầu tiến trình khai thác hoặc đã triển khai các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.

Nhìn chung, năm 2019 sẽ chứng kiến sự khuếch trương về năng lực quân sự tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà không có nước nào đủ khả năng thống trị khu vực bằng quân sự. Trung Quốc vẫn là cường quốc quân sự đứng đầu khu vực nhưng chất lượng vẫn chưa thể cạnh tranh với các nước bé hơn như Hàn Quốc, chưa kể đến quân đội Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng không còn năng lực thống trị khu vực như đã từng làm trong thời kỳ những năm 1990 - 2000. Do đó, sự cân bằng về quyền lực "hơi mong manh" sẽ chiếm ưu thế trong khu vực.

Những điểm bùng phát

Thứ nhất, liệu Triều Tiên có tiếp tục dừng lại các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa? 2019 sẽ chứng kiến các hội nghị ngoại giao cấp cao giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể là mặt đối mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngược lại, điều mà người ta chưa rõ là phản ứng của Tổng thống Mỹ khi Bình Nhưỡng sẽ rạch ròi là không từ bỏ chương trình ngăn chặn hạt nhân vào năm 2019.

Thứ hai, trong khi Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, ASEAN và Trung Quốc đang mong đợi sẽ hoàn thành dự thảo đầu tiên về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông vào năm 2019. Với việc Trung Quốc đều đặn quân sự hóa phi pháp các khu vực biển đang tranh chấp trong những năm vừa qua, sự bế tắc về mặt quân sự sẽ tiếp tục kéo dài trong 12 tháng tới.

Tàu khu trục Mỹ USS Dewey thực hiện chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP trên Biển Đông.
 Tàu khu trục Mỹ USS Dewey thực hiện chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP trên Biển Đông.

Thứ ba, sau những căng thẳng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông vào năm 2012, năm ngoái đã có nhiều lần Trung Quốc xâm phạm vào vùng lãnh hải kế cận của Nhật. Trong 14 tháng qua, căng thẳng song phương đã giảm đi - xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2019. Vào tháng 12.2017, hai nước đã chính thức đồng ý để thực thi cơ chế đối thoại và xử lý khủng hoảng trên biển Hoa Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản vào tháng 6.2019.

Thứ tư, Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan trong năm 2018, bao gồm tuần tra bằng máy bay ném bom tầm xa và thực hiện tập trận hải quân gần Đài Loan (Quân đội Trung Quốc công khai ý định sẵn sàng đặt chân lên đất Đài Loan vào năm 2020), trạng thái "hòa bình lạnh" giữa Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ chiếm ưu thế trong năm 2019. Chưa kể Đạo luật Du lịch Đài Loan mà Mỹ ban hành vào năm 2018 để chính thức công khai các chuyến viếng thăm gặp gỡ giữa các quan chức chính phủ cấp cao của Washington và Đài Bắc, cùng gói vũ khí trị giá 1 tỷ USD mà Mỹ bán cho Đài Loan cũng sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong năm 2019.

Chạy đua vũ trang năm 2019

Tất cả các cường quốc châu Á sẽ tiếp tục những chương trình hiện đại hóa quân sự trong năm 2019, với 6 nước trong khu vực sẽ đứng trong top 10 chi tiêu quân sự. Dưới đây là những chương trình phát triển vũ khí đáng chú ý năm 2019:

Đầu tiên, Ấn Độ đang mong đợi sẽ đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo liên lục địa tân tiến nhất có khả năng tấn công hạt nhân Angi-V vào quý đầu tiên của năm 2019. Với tầm bắn và độ chính xác được nâng cao, việc ra mắt hệ thống vũ khí mới này sẽ tạo ra vấn đề về ổn định chiến lược lâu dài tại châu Á. Ấn Độ cũng sẽ muốn tổ chức thực hiện tuần tra ngăn chặn hạt nhân (một cách thực sự) lần đầu tiên trong năm 2019. Sự ổn định chiến lược lâu dài cũng sẽ bị xói mòn bởi nỗ lực của Pakistan triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Babur-3 và một tên lửa đạn đạo tầm trung gắn đa đầu đạn phân hướng (MIRV).

Thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các đơn vị trang bị hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất trong khu vực, tên lửa S-400 do Nga chế tạo (mã định danh của NATO: SA-21 Growler), nâng cao năng lực chống tiếp cận (anti-access) của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực xung quanh Đài Loan. Trong khi đó, Đài Bắc sẽ tiếp tục phát triển lực lượng tàu ngầm nội địa và mua máy bay F-35B của Mỹ. Tàu sân bay do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo Type 002 (CV-17) cũng có thể sẽ được đưa vào hoạt động đầu quý 4 năm 2019, nâng cao năng lực hải quân Trung Quốc trong những vùng nước sâu. Đáng chú ý, trong 12 tháng tới chúng ta có thể sẽ chứng kiến hoạt động triển khai lần đầu tên lửa siêu thanh DF-17 khiến thay đổi đáng kể về quan hệ chiến lược tại châu Á.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trong khu vực S-400 của Nga.
 Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trong khu vực S-400 của Nga.

Thứ ba, Nga là một quyền lực quân sự quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2019, quân khu phía đông của Nga - cánh quân chịu trách nhiệm cho các chiến dịch trên Thái Bình Dương, có thể sẽ nhận hơn 6.240 loại vũ khí khí tài mới hoặc được nâng cấp. Năm 2019 cũng sẽ có sự góp mặt của tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo Knyaz Vladimir cho hạm đội Thái Bình Dương - Đây là phiên bản tàu ngầm nâng cấp của Hải quân Nga thuộc dự án 955A Borei II-class. Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cũng sẽ được biên chế tên lửa siêu thanh HGV trong năm 2019. Tiếp theo, đợt máy bay chiến đấu Su-57 đầu tiên - loại máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 do Nga thiết kế và chế tạo sẽ được đưa vào không quân cuối 2019. Cuối cùng, Nga đưa tàu phá băng năng lượng nguyên tử lớn nhất vào hoạt động, nhiệm vụ chính của tàu là dọn đường cho các tuyến đường trên Biển Bắc, chạy từ bờ biển Bắc Cực ở biển Kara tới eo Bering.

Thứ tư, không quân Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp tục xây dựng hạm đội với máy bay chiến đấu F-35A Lightning II vào năm 2019. Loại máy bay này sẽ phục vụ là thiết bị phóng cho các tên lửa tầm xa không đối đất, không đối không. Cần đặc biệt chú ý tới các hệ thống vũ khí này vì chúng sẽ là một yếu tố quan trọng để định hình cán cân quân sự tại Đông Á và các khu vực liên quan. Cũng cần lưu tâm tới những cuộc tập trận song phương có sự tham gia của Lữ đoàn Đổ bộ Cấp tốc mới thành lập của Nhật Bản, cùng với sự phát triển năng lực tấn công phủ đầu theo kế hoạch Kill-Chain của Hàn Quốc và Chương trình Tàu ngầm Tương lai SEA 1000 của Australia.

Một diễn biến quan trọng khác là quyết định của Nhật Bản mua máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng F-35B để chuyển tàu khu trục cho máy bay trực thăng hạ cánh lớp Izumo thành tàu sân bay cho loại máy bay mới. Đồng thời, là các hợp đồng quốc phòng của Việt Nam năm 2019. Nga và Việt Nam đã đàm phán xong hợp đồng mua 24 chiếc máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35S "Flanker-E" trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tháng 1.2018. Đám phán về việc sở hữu hai khẩu đội S-400 Triumf cũng đang có bước tiến.

Máy bay chiến đấu cất-hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ.
 Máy bay chiến đấu cất-hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ.

Mỹ sẽ vẫn duy trì lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương như năm 2018 mà không có sự thay đổi lớn trừ việc đưa thêm 3 tàu đổ bộ vào khu vực. Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom chiến lược cùng với tàu sân bay lớp Nimitz mà không tăng hay giảm lục quân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng, với việc từ bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, Mỹ có thể đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc để triển khai tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tên lửa hành trình trên lãnh thổ của 3 nước này - Điều có thể khiến năm 2019 trở thành một năm quan trọng về ngoại giao hạt nhân tại châu Á. 2019 cũng có thể là năm chưúng kiến sự triển khai quân sự đầu tiên kể từ sự kiện Mỹ đưa tàu chiến ven biển vào khu vực năm 2017.

Năm 2019 sẽ không có tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC, đồng thời các cuộc tập trận thường niên Foal Eagle và Key Resolve sẽ thu hẹp lại nhưng sẽ có tập trận chung 3 mục tiêu giữa Ấn Độ và Mỹ, cuộc tập trận đầu tiên giữa ASEAN và Hải quân Mỹ hay tập trận thường niên Nga-Trung "Nhiệm vụ Hòa bình" và "Vùng biển chung". Đáng chú ý là cuộc tập trận Malabar lần thứ 23 sẽ có máy bay, tàu chiến của Hải quân Ấn Độ, Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ diễn ra tại lãnh hải Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 2019.

Viễn cảnh

Việc thiếu vắng một quyền lực quân sự có thể thống trị khu vực cùng với sự gia tăng nhanh chóng về năng lực quốc phòng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ khiến nhiều nước sai lầm trong việc đánh giá cái giá phải trả và lợi ích có được khi gây ra một cuộc chiến hạn chế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực bị quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới năm 2019. Ba nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới với các vũ khí quan trọng trong khu vực là: Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Viễn cảnh lạc quan nhất trong năm 2019 là việc giảm thiểu rủi ro chạm trán quân sự. Nhưng cũng cần lưu ý, dù có những nỗ lực tích cực nhất, sự chạm trán quân sự lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giống như mọi cuộc xung đột quân sự khác nếu xảy ra sẽ gây nên một sự ngạc nhiên lớn và không có ai mong chờ điều đó.