Nhà Trắng hoang mang vì chip “Made in USA” trong tên lửa hành trình Nga mới sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ việc xảy ra gần đây khiến Nhà Trắng thực sự hoang mang: trước đây họ từng rêu rao về “sự chí mạng” của lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng thực tế Nga vẫn đang tiếp tục dùng chip của Mỹ để chế tạo tên lửa
Máy bay Nga phóng tên lửa hành trình Kh-101 vào Ukraine (Ảnh: QQ).
Máy bay Nga phóng tên lửa hành trình Kh-101 vào Ukraine (Ảnh: QQ).

Rốt cục, Nga đã lấy từ đâu những con chip quan trọng này để tiếp tục sản xuất tên lửa trút xuống Ukraine hàng ngày? Theo báo New York Times ngày 7/12, mới đây, qua nghiên cứu một loạt mảnh vỡ tên lửa hành trình của Nga do quân đội Ukraine thu thập được, các chuyên gia về vũ khí và xung đột của Anh được mời tới Ukraine để tiến hành nghiên cứu đã phát hiện ra một sự thật khiến người ta ngã ngửa: thông qua việc nghiên cứu dãy số gồm 13 chữ số in trên mảnh vỡ của tên lửa Nga, họ phát hiện ra có ít nhất một trong số các quả tên lửa hành trình Kh-101 mà quân đội Nga phóng vào thủ đô Kiev mới được sản xuất vào mùa hè này và một quả khác thậm chí vừa được xuất xưởng hồi tháng 9.

Ông Butoworski, chuyên gia quân sự chuyên nghiên cứu về hệ thống vũ khí trang thiết bị hàng không của quân đội Nga, cũng xác nhận điều này và cho rằng những tên lửa này hẳn đã được sản xuất tại nhà máy của Công ty Raduga ở gần Moscow.

Mảnh vỡ của tên lửa hành trình Kh-101 Nga do Ukraine thu được (Ảnh: QQ).

Mảnh vỡ của tên lửa hành trình Kh-101 Nga do Ukraine thu được (Ảnh: QQ).

Người Mỹ trước nay vẫn tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng: “Chừng nào (Mỹ và phương Tây) còn áp đặt các lệnh trừng phạt bán dẫn đối với Nga, thì quân đội Nga sẽ khó có thể chế tạo được đạn tên lửa mới và chỉ có thể dựa vào kho vũ khí của Liên Xô còn tồn đọng”. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những tên lửa mới sản xuất này chứng tỏ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt chẳng hề khiến Moscow rơi vào tình trạng “thiếu hụt vũ khí”. Nhưng đây vẫn chưa phải là điều mỉa mai nhất, bởi vì bên trong những tên lửa này, thực tế có một số lượng lớn chip được sản xuất tại nước Mỹ.

Cuộc điều tra của Viện nghiên cứu Dịch vụ Liên hợp Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute, RUSI) cho thấy, trong các loại vũ khí dẫn đường khác nhau (trong đó có loại tên lửa hành trình Kh-101) mà quân đội Nga phóng sang Ukraine, người ta đã tìm thấy nhiều con chip của các nước phương Tây và thậm chí từ Mỹ, trong đó có chip vi điều khiển và bộ xử lý tín hiệu của Công ty Texas Instruments, chip bo mạch chủ và thiết bị analog của Công ty Intel, linh kiện điện tử của Công ty Infineon của Đức.

Máy bay không người lái tự sát Geranium-2 của Nga (Ảnh: Sohu).

Máy bay không người lái tự sát Geranium-2 của Nga (Ảnh: Sohu).

Hơn nữa, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở những loại "vũ khí cao cấp" như tên lửa hành trình, mà ngay cả ở những chiếc máy bay không người lái tự sát cấp thấp giá rẻ cũng sử dụng những con chip đáng lẽ Nga phải "thiếu hụt" này. Dữ liệu mới nhất cho thấy loại UAV tự sát “Герань-2” (tên tiếng Anh là “Geranium-2”) đang được quân đội Nga sử dụng rộng rãi cũng có các thành phần anten gốm của Tập đoàn Tallysman của Canada, bộ điều khiển của Tập đoàn Hitech của Mỹ và pin 18650B Panasonic của Nhật Bản. Thông tin này đã được Công ty Tallysman xác nhận "đúng là có chuyện đó".

Các loại linh kiện của các công ty Mỹ, Nhật và Canada có trong UAV Geranium của Nga (Ảnh: QQ).

Các loại linh kiện của các công ty Mỹ, Nhật và Canada có trong UAV Geranium của Nga (Ảnh: QQ).

Người Mỹ trước đó đã tuyên bố một cách chắc chắn rằng các biện pháp trừng phạt của họ là "rất có hiệu quả". Tuy nhiên, một dòng chảy linh kiện điện tử phương Tây vẫn đang đều đặn chảy vào Nga và tới các nhà máy vũ khí của Nga. Nhiều người sẽ cảm thấy hiếu kỳ: vậy Moscow lấy những con chip này ở đâu ra? Tất nhiên, nó chắc chắn không phải được Nga mua trực tiếp từ các công ty này.

Một số nhà phân tích cho rằng mặc dù các công ty này đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ "không bao giờ xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia bị trừng phạt", nhưng họ hoàn toàn có thể xuất khẩu chip cho các công ty trung chuyển của các nước thứ ba, sau đó chip được gửi đến Nga qua các nước thứ ba thân thiện với Nga chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ; qua đó tránh được các lệnh trừng phạt và kiểm tra của Mỹ, đồng thời đảm bảo rằng họ vẫn có thể kiếm được tiền.

Giáo sư Hackworth, thành viên của Hiệp hội Chất bán dẫn Hoa Kỳ, cũng chỉ rõ rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ có thể hạn chế các giao dịch trực tiếp giữa chính phủ và các công ty với Nga chứ thực tế Mỹ không thể làm gì được để ngăn cản Nga mua được các sản phẩm điện tử hay chip từ “chợ xám” ở các nước thứ ba.

Tên lửa vẫn tiếp tục được sản xuất trong các Nhà máy Nga (Ảnh: QQ).

Tên lửa vẫn tiếp tục được sản xuất trong các Nhà máy Nga (Ảnh: QQ).

Do đó, mặc dù Mỹ trên bề mặt làm cho Nga "không có chip", nhưng đằng sau không thể ngăn cản Nga có được chip và linh kiện điện tử thông qua các kênh khác nhau. Bên cạnh đó, việc sản xuất vũ khí, khí tài thực tế không yêu cầu các linh kiện quá cao cấp. Nhiều loại tên lửa hiện vẫn đang sử dụng chip, linh kiện bán dẫn từ những năm 1980, 1990 nên rất dễ tìm được sản phẩm thay thế trên thị trường quốc tế.

Tất nhiên, trước thực tế này, tờ New York Times vẫn mạnh miệng khẳng định rằng quân đội Nga đang "giảm bớt số lần phóng tên lửa". Tuy nhiên, xét từ thực tế quân đội Nga đã phóng liên tiếp hơn 70 quả tên lửa tấn công Ukraine trong một đợt trả đũa vụ quân đội Ukraine dùng máy bay không người lái tập kích vào các sân bay Nga hôm 5/12, có thể thấy kho tên lửa của quân đội Nga có lẽ còn lâu mới ở trong tình trạng khan hiếm hay cạn kiệt.