Ukraine đã khắc chế hệ thống phòng không Nga để tập kích các sân bay như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự kiện UAV Ukraine tập kích ba sân bay Nga trong hai ngày liên tiếp đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của truyền thông quốc tế; trong đó việc UAV vượt qua được hệ thống phòng không Nga rất được quan tâm.
Sân bay Engels của Nga (ảnh lớn) bị cháy lớn (ảnh nhỏ) do bị UAV Ukraine tấn công rạng sáng 5/12 (Ảnh: Thedrive).
Sân bay Engels của Nga (ảnh lớn) bị cháy lớn (ảnh nhỏ) do bị UAV Ukraine tấn công rạng sáng 5/12 (Ảnh: Thedrive).

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần 300 ngày, điều khiến người ta ngạc nhiên nhất là tại sao Ukraine càng đánh càng mạnh hơn và liên tục sáng tạo các chiến thuật mới, tiếp tục gây ấn tượng cho thế giới bên ngoài về trình độ quân sự vốn bị coi là thấp kém của họ. Đặc biệt, việc Ukraine ứng dụng các phương tiện không người lái đã đạt đến đỉnh cao, khiến Nga chịu trận hết lần này đến lần khác…

Ngày 5/12, hai sân bay quân sự Dyaghilevo và Engels của Không quân chiến lược Nga bị máy bay không người lái Ukraine tập kích, hai máy bay ném bom chiến lược bị hư hại. Ngày 6/12, thêm sân bay Kursk bị tấn công, kho chứa xăng dầu bị thiêu cháy.

Ảnh vệ tinh cho thấy những dấu tích của vụ tấn công hôm 5/12 tại sân bay Engels (Ảnh: Thedrive).

Ảnh vệ tinh cho thấy những dấu tích của vụ tấn công hôm 5/12 tại sân bay Engels (Ảnh: Thedrive).

Tấn công các sân bay Nga ba lần trong hai ngày, không có công nghệ cao hay chiến dịch lớn nào, chỉ là bản sửa đổi hoán cải phù hợp của loại máy bay không người lái cũ kĩ thời Liên Xô. Đây là cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên của Ukraine nhằm vào các cơ sở quân sự nằm sâu trong nội địa Nga kể từ sau khi bùng nổ cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó sân bay Dyaghilevo ở tỉnh Ryazan chỉ cách thủ đô Moscow 160 km, điều này cũng đồng nghĩa với việc Ukraine hoàn toàn có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào thủ đô của Nga. Sau khi cú đòn kiểu “liên hoàn cước” này kết thúc, các nhà quan sát quân sự từ nhiều quốc gia khác nhau đều cảm thấy bị sốc,

Người ta không khỏi đặt câu hỏi: Ukraine đã làm điều đó như thế nào, phải chăng hệ thống phòng không của Nga bất lực hay hư hỏng hết?

Khoảng cách từ lãnh thổ Ukraine tới các sân bay Nga bị tấn công ngày 5/12 (Ảnh: Sohu).

Khoảng cách từ lãnh thổ Ukraine tới các sân bay Nga bị tấn công ngày 5/12

(Ảnh: Sohu).

Về vấn đề Ukraine sử dụng vũ khí gì, trang web "The Drive" của Mỹ đưa tin, trước đây, Ukraine thường sử dụng một số lượng lớn máy bay không người lái cỡ nhỏ, hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn kiểu cũ của Liên Xô. Các trang thiết bị này có bán kính tấn công hạn chế và chỉ có thể phát động tấn công ở biên giới Nga-Ukraine hoặc trong phạm vi vùng Crimea, chẳng hạn trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Odessa từng nhiều lần bị oanh kích. Nếu muốn đột kích vào sâu trong nội địa Nga, Ukraine chỉ có thể mạo hiểm sử dụng cách đánh dùng lực lượng đặc biệt (đặc công) tác chiến. Ví dụ như căn cứ không quân Ostrov năm nay đã bị đặc công Ukraine xâm nhập; nhưng cách đánh này rủi ro quá cao, nên lần này Ukraine đã lựa chọn cách thích hợp nhất là sử dụng máy bay không người lái tầm xa.

Lần các sân bay bị đánh đợt này, truyền thông Nga đưa tin họ đã đánh chặn được các máy bay không người lái Ukraine trên vùng trời sân bay, nhưng mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái đã phát nổ và bốc cháy sau khi rơi xuống đất, khiến hai máy bay ném bom chiến lược Nga bị hư hại. Hiện vẫn chưa rõ thực ra có tất cả bao nhiêu máy bay ném bom Nga bị hư hại, nhưng từ ảnh chụp và ảnh vệ tinh của Mỹ, ít nhất thấy có cả hai loại máy bay ném bom chiến lược Tu-22M và Tu-95MS bị hư hại.

Xe tải và máy bay Nga bị hư hại trong vụ tấn công (Ảnh: Thedrive).

Xe tải và máy bay Nga bị hư hại trong vụ tấn công (Ảnh: Thedrive).

Lãnh thổ Ukraine nằm cách sân bay Diagilevo ở vùng Ryazan hơn 500 km và cách sân bay Engels ở vùng Saratov tới 750 km, nếu sử dụng vũ khí thông thường hoặc máy bay không người lái cỡ nhỏ thì các sân bay này hoàn toàn không nằm trong phạm vi tấn công. Nhưng lần này điều đó đã trở thành sự thật khi truyền thông Nga đưa tin rằng Ukraine không có loại vũ khí mới nào mà chỉ sử dụng loại máy bay phản lực không người lái Tu-141 và Tu-143 chế tạo từ thời Liên Xô đã được hoán cải. Loại UAV này được đưa vào sử dụng từ những năm 1970.

Sau khi Liên Xô tan rã, các tư liệu liên quan đều được lưu lại ở Ukraine; từ năm 2014, Ukraine đã tiến hành hoán cải nó, chủ yếu là cập nhật hệ thống định vị và dẫn đường điện tử hàng không, v.v. khiến nó có thể bay ở độ cao cực thấp để tránh hệ thống phòng không của Nga.

Binh sĩ Ukraine triển khai UAV Tu-141 (Ảnh: Sohu).

Binh sĩ Ukraine triển khai UAV Tu-141 (Ảnh: Sohu).

Ví dụ, vào tháng 3 năm nay, một chiếc Tu-141 đã lần lượt bay qua 3 nước NATO là Romania, Hungary và Croatia với tổng hành trình hơn 560 km. Chiếc máy bay xuyên qua ba quốc gia, không bị đánh chặn trong suốt chuyến bay, cuối cùng bị rơi và nổ tung tại một bãi đỗ xe ở thủ đô Croatia, đủ để chứng tỏ Ukraine đã cải tiến thành công loại máy bay này, có thể sử dụng để phát động cuộc tập kích tầm xa. Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho rằng phương Tây từ lâu đã số hóa bản đồ của Nga, có thể cung cấp các đường bay chính xác để tránh radar, nhờ đó các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa của Ukraine trở nên khả thi. Vì sao cần phải truy quét hoạt động đo đạc, vẽ bản đồ trái phép? Người Nga đã đưa ra đáp án chuẩn mực cho các quốc gia khác bằng bài học đau đớn này của họ.

Dù hoàn cảnh khách quan có tồi tệ đến đâu, việc máy bay không người lái Ukraine có thể bay một mạch mấy trăm km, tấn công sâu vào nội địa Nga đã trở thành điều đáng lo ngại. Nếu mục tiêu lần này là thủ đô Moscow, cho dù không gây ra thương vong lớn, thì địa vị cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới của Nga cũng đáng bị thay thế. Rõ ràng, khả năng tấn công bất ngờ của máy bay không người lái Ukraine đã trực tiếp làm bộc lộ những vấn đề lớn trong hệ thống phòng thủ của quân đội Nga. Nói cho cùng là kém xa thời kỳ Liên Xô hùng mạnh khi xưa.

UAV Tu-143 được phóng từ bệ phóng tên lửa đất đối hạm (Ảnh: Thedrive).

UAV Tu-143 được phóng từ bệ phóng tên lửa đất đối hạm (Ảnh: Thedrive).

Trước hết, do quân đội Nga đã sớm tuyên bố giành được quyền kiểm soát trên không, lại thêm quân đội Ukraine thiếu phương tiện tấn công tầm xa nên dẫn tới quân đội Nga phòng thủ khá lỏng lẻo. Mặc dù trước đó Ukraine đã từng sử dụng Tu-141 tham chiến nhưng trong mắt quân đội Nga, những chiếc máy bay lạc hậu này chỉ có thể làm Nga tiêu hao tên lửa phòng không, nên hậu quả của sự buông lỏng này là nhiều lần bị tổn thất nặng nề. Ví dụ, tàu "Moscow" soái hạm của Hạm đội Biển Đen bị chìm, căn cứ của Hạm đội Biển Đen bị các tàu không người lái của Ukraine xâm nhập, các căn cứ ở biên giới bị quân đội Ukraine tấn công nhiều lần.

Xác một UAV Tu-143 rơi xuống khu vực sân bay Kursk (Ảnh: Thedrive).

Xác một UAV Tu-143 rơi xuống khu vực sân bay Kursk (Ảnh: Thedrive).

Thứ hai, vì Ukraine rất coi trọng sức mạnh phi đối xứng của máy bay không người lái và sử dụng máy bay không người lái với số lượng lớn để chiến đấu trên chiến trường, người ta thường thấy máy bay không người lái đuổi theo quân đội Nga để bắn và ném bom. Điều này khiến quân đội Nga phải điều động một số lượng lớn hệ thống phòng không đi kèm để chi viện, nhưng rõ ràng là đã sơ hở trong mạng lưới phòng không hậu phương.

Vì vậy, mặc dù máy bay không người lái cũ kĩ Tu-141 không thể bay ở độ cao cực thấp trong suốt hành trình mấy trăm cây số, xét về lý radar của Nga có thể dễ dàng phát hiện ra nó. Nhưng trên thực tế, hiệu quả không lý tưởng, thậm chí việc đánh chặn (nếu có) chỉ được thực hiện khi Tu-141 bay tới vùng trời sân bay, không khác gì phát hiện bằng mắt thường. Vấn đề lớn nhất được cho là đến từ phía NATO. Được NATO hỗ trợ trinh sát điện tử lâu dài, UAV Ukraine đã kiểm soát được đường bay trên không, lợi dụng sơ hở phòng không của quân đội Nga để đột nhập, tất nhiên cũng có thể Ukraine đã sử dụng biện pháp chế áp bằng tác chiến điện tử.

Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp sân bay Engels (Ảnh: Thedrive).

Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp sân bay Engels (Ảnh: Thedrive).

Nói chung, vẫn là quân đội Nga quá tự tin. Theo bài viết trên trang web "The Drive", trước cuộc đột kích, các vệ tinh thương mại phương Tây đã tích cực tham gia vào cuộc, chụp được ảnh một số lượng lớn máy bay của Không quân Nga đang tập kết tại các sân bay nói trên, tích trữ một số lượng lớn tên lửa hành trình và bom đạn, đồng nghĩa với việc trực tiếp nói với thế giới rằng Nga sẽ phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã “tiên phát chế nhân” tiêu diệt trước ít nhất 2 máy bay ném bom chiến lược chỉ trong một đòn, quân đội Nga không thể làm gì khác ngoài việc tiến hành đòn trả đũa hạn chế.