Ngồi lâu, nhịn tiểu có thể khiến bạn suy thận suốt đời

VietTimes – Không nhiều người biết rằng, thói quen ngồi lâu do công việc, ít vận động, nhịn tiểu vv… có thể dẫn đến suy thận mạn, thậm chí, tử vong. Tuổi thọ của người bị suy thận giảm đáng kể. Riêng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có tới 60% số bệnh nhân lọc thận cần được ghép thận mới có cơ hội sống.
TS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám và tư vấn miễn phí cho người dân
TS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám và tư vấn miễn phí cho người dân

Trước số người suy thận ngày càng gia tăng, sáng nay, 29/2, các chuyên gia về thận lọc máu của Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức khám, tư vấn xét nghiệm miễn phí cho hàng trăm người dân, để giúp họ chủ động phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo TS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – Việt Nam đang có khoảng 5 triệu bệnh nhân thận và mỗi năm có thêm gần 10.000 ca suy thận, cùng với gần 1 triệu người suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu. Riêng Khoa Thận lọc máu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang quản lý hơn 700 người sau ghép thận. Bệnh không chỉ khiến người mắc đau đớn, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống, mà còn có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Từ sáng sớm, rất đông người dân đã đến để được các chuyên gia khám và tư vấn miễn phí, nhằm phát hiện các bệnh về thận
Từ sáng sớm, rất đông người dân đã đến để được các chuyên gia khám và tư vấn miễn phí, nhằm phát hiện các bệnh về thận

Một vấn đề đáng lưu ý được TS. Cường cho hay là bệnh nhân suy thận đang ngày càng trẻ hóa, nhất là nam giới, tập trung ở người làm việc văn phòng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, mà bệnh lý ở cầu thận chiếm 40%, gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống. Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính; Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn. Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

TS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - tư vấn cho người dân phát hiện và điều trị bệnh thận
TS. Nguyễn Thế Cường – Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - tư vấn cho người dân phát hiện và điều trị bệnh thận

Việc nhịn tiểu (phụ nữ hay nhịn hơn nam) cộng với cấu tạo giải phẫu của “phái đẹp”, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Ngoài ra, người bị tiểu đường, người suy thận, người phải chạy thận cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn người bình thường.

Thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học, như khi biết bị bệnh nhưng không điều trị, điều trị nhưng không tuân thủ chỉ định của bác sĩ… làm bệnh tiến triển nhanh.

Dấu hiệu dễ nhận biết bệnh này là đi tiểu nhiều lần hơn bình thường, tiểu buốt, tiểu dắt, có thể sốt, đau đầu …

Khám và tư vấn miễn phí về bệnh thận cho người dân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Khám và tư vấn miễn phí về bệnh thận cho người dân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động, được TS. Cường đặc biệt lưu ý: Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, do khi phát hiện bệnh, thay vì đến cơ sở y tế, đã hỏi “bác sĩ Google” và uống thuốc theo “đơn mạng”; hoặc ra hiệu thuốc tự mua kháng sinh, dùng được 1-2 ngày đỡ là bỏ thuốc, khiến chẳng những bệnh không khỏi, mà gây kháng thuốc kháng sinh.

 “Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý thận - tiết niệu mạn tính, làm chức năng thận suy giảm dần dần và mất chức năng hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính” – TS. Nguyễn Thế Cường cho hay.

Tuy nhiên,  cũng theo TS. Cường, hiện không có biện pháp nào điều trị khỏi suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng. Người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: Tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xươnh, điều trị rối loạn điện giải.

Người dân được chỉ định xét nghiệm miễn phí một số xét nghiệm
Người dân được chỉ định xét nghiệm miễn phí một số xét nghiệm

“Do bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối, nên vấn đề quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận. Những người này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối” – TS. Cường khuyến cáo.