Nga thông báo lần đầu đánh chặn được bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất Mỹ cung cấp cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo trang web Nga RT ngày 28/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội Nga đã lần đầu tiên đánh chặn được một quả "Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất" (GLSDB) do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Hình ảnh “bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” GLSDB rời bệ phóng HIMARS (Ảnh: Sohu).
Hình ảnh “bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” GLSDB rời bệ phóng HIMARS (Ảnh: Sohu).

Theo Russia Today (RT), đây là lần đầu tiên Nga thông báo bắn hạ được loại vũ khí này. Vào ngày 28/3 theo giờ địa phương, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra một tuyên bố nói, hệ thống phòng không của Nga trong vòng một ngày đã đánh chặn được 18 tên lửa HIMARS và một quả “bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” (Ground Launched Small Diameter Bomb, GLSDB) của phía Ukraine.

Bài viết của RT chỉ ra rằng, mặc dù quân đội Nga đã nhiều lần báo cáo bắn hạ được đạn tên lửa phóng từ hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ cung cấp, nhưng đây là lần đầu tiên họ báo cáo đánh chặn được bom GLSDB. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp bom GLSDB cho Ukraine hồi đầu tháng 2/2023 như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 2,17 tỷ USD.

“Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” GLSDB trong trạng thái đang bay (Ảnh: Sohu).

“Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” GLSDB trong trạng thái đang bay

(Ảnh: Sohu).

Theo các báo, “bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” GLSDB do công ty Saab của Thụy Điển và công ty Boeing của Mỹ hợp tác phát triển, có thể tấn công mục tiêu cách xa 150 km, hiện là một trong những vũ khí có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí của quân đội Ukraine. Nó kết hợp động cơ của đạn tên lửa M26 được phóng bằng hệ thống phóng tên lửa HIMARS và bom hàng không cỡ nhỏ GBU-39 được cải tiến; sau đó được phóng bằng bệ phóng HIMARS hoặc bệ phóng tên lửa M270, và cũng có thể được phóng từ hệ thống phóng di động kiểu thùng chứa (containers) riêng biệt.

Theo báo Quan điểm của Nga, chuyên gia quân sự Nga Vadim Kozyulin trước đó đã tuyên bố rằng nếu Mỹ cung cấp GLSDB cho Ukraine, sẽ làm leo thang xung đột. Nga sẽ buộc phải điều chỉnh hành động tác chiến của mình với các nhân tố mới. Nếu Ukraine có loại đạn với tầm bắn xa như vậy, nguy cơ đối với hành lang đất liền Crimea sẽ lại tăng lên. Quân đội Nga phải xem xét đầy đủ yếu tố này, phân tán các nhà kho, ngụy trang sở chỉ huy và bảo vệ chúng bằng vũ khí phòng không. Ngoài ra, GLSDB chủ yếu dựa vào dẫn đường vệ tinh bằng GPS; vì vậy, các phương tiện tác chiến điện tử thích hợp cũng có thể được sử dụng để chống lại nó, khiến những vũ khí này đi chệch hướng.

"Tên lửa tấn công chính xác" (Precision Strike Missile, PrSM) được phóng từ bệ phóng HIMARS (Ảnh: LTN).

"Tên lửa tấn công chính xác" (Precision Strike Missile, PrSM) được phóng từ bệ phóng HIMARS (Ảnh: LTN).

RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo trong bài phát biểu về Tình hình Liên bang vào cuối tháng 2/2023 rằng "mọi người nên hiểu rõ" rằng càng nhiều vũ khí tầm xa được đưa tới Ukraine, Nga sẽ càng đẩy xa mối đe dọa ra xa biên giới của mình.

Về thông tin có liên quan, theo trang tin LTN Đài Loan ngày 29/3, loại "Tên lửa tấn công chính xác" (Precision Strike Missile, PrSM) đất đối đất thế hệ tiếp theo của Lục quân Mỹ có khả năng tấn công di động, hoặc công nghệ định vị lại mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển, đồng thời mở rộng tầm bắn và tăng khả năng sát thương. Quân đội Mỹ gần đây đã ký hợp đồng phát triển tên lửa PrSM phiên bản tăng tầm bắn thứ tư; tầm bắn sẽ vượt quá 1.000 km và lọt vào tiêu chuẩn tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung.

"Tên lửa tấn công chính xác" (Precision Strike Missile, PrSM) được Lục quân Mỹ phát triển để thay thế Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) MGM-140 đang trong biên chế. Trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên, do bị hạn chế bởi Hiệp ước tên lửa tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty, viết tắt INF) giữa Nga và Mỹ; nên tầm bắn tối đa được đặt ra là "499 km" do điều khoản quy định “không được chế tạo tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km”. Nhưng với việc Mỹ và Nga chấm dứt thực thi INF, tầm bắn của PrSM sẽ không bị hạn chế và chính thức vượt quá 500 km.

LTN dẫn nguồn trang web tin tức quân sự Mỹ Breaking Defense đưa tin, để tăng cường khả năng cạnh tranh phát triển của phiên bản động cơ ramjet, Lục quân Mỹ gần đây đã chính thức ký hợp đồng với hai đội ngũ từ Lockheed Martin và Raytheon-Northrop Grumman để phát triển "Phiên bản thứ tư Tên lửa tấn công chính xác tăng tầm bắn " (PrSM Increment 4), phiên bản thứ tư sẽ có những thay đổi lớn về hình dáng bề ngoài và hệ thống động cơ đẩy.

Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được phóng từ bệ phóng HIMARS (Ảnh: Sohu).

Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được phóng từ bệ phóng HIMARS

(Ảnh: Sohu).

Phiên bản đầu tiên của PrSM (Increment 1) đã được Lockheed Martin bắt đầu sản xuất hàng loạt và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm nay. Phiên bản thứ 2 (Increment 2) có đầu dò đa hệ mới (Multimode Seeker) để PrSM có khả năng phóng từ bờ chống hạm, phiên bản thứ ba (Increment 3) là tăng cường sức sát thương của đầu đạn.

Để phân biệt nó với các phiên bản trước của PrSM, Lục quân Mỹ đã đặt tên cho phiên bản tầm xa thứ tư là tên lửa Hỏa lực cơ động tầm xa (Long Range Maneuverable Fire, LRMF).

Giống như tên lửa chiến thuật ATACMS, tên lửa PrSM cũng sẽ được phóng bằng Hệ thống tên lửa đa nòng cơ động cao M142 (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đa nòng (MLRS) M270A1 . Sự khác biệt là bệ phóng M270A1 MLRS sẽ mang 4 tên lửa PrSM thay vì 2 quả ATACMS và HIMARS sẽ mang 2 tên lửa PrSM thay vì 1 quả ATACMS.

Theo hồ sơ, Lockheed Martin từ năm 2019 đến năm 2021đã thực hiện 5 lần phóng thử nghiệm tên lửa PrSM. Khoảng cách thử nghiệm lần lượt là 240, 180, 85, 400 và 500 km, tất cả đều thành công bắn trúng mục tiêu và đã nhận được đơn đặt hàng đợt đầu tiên 2.400 quả đạn từ Lục quân Mỹ.

Mặc dù thông tin hiện tại về tên lửa Hỏa lực cơ động tầm xa (Long Range Maneuverable Fire, LRMF) chưa được công khai, nhưng Lục quân Mỹ dự kiến tới đây ​​sẽ áp dụng phiên bản thứ ba của PrSM phối hợp với LRMF, để Lục quân Mỹ có PrSM với tầm bắn 500 km chi phí thấp và LRMF hơn 1.000 km, đồng thời có thể tăng cường đáng kể hỏa lực tấn công chính xác của Lục quân ở Tây Thái Bình Dương với khả năng kiểm soát trên bộ và trên biển.