Người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng hôm 16/3 xác nhận rằng Washington đã thông qua kế hoạch xuất khẩu trên – trong đó bao gồm các thương vụ bán vũ khí đầu tiên cho hòn đảo này dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Trong giai đoạn chuyển giao, chúng tôi cần tuân thủ các quy trình và tôi không thể nói chính xác thời gian chúng sẽ tới. Sau cùng, vẫn có nhiều quy trình hoạt động” – ông Chiu nói, thêm rằng chính quyền Đài Loan sẽ đảm bảo công việc hoàn thành đúng như kế hoạch.
Ông Chiu không nêu chi tiết các trang thiết bị sẽ được chuyên giao, nhưng giới chức trong Cơ quan Quốc phòng nói rằng chúng bao gồm 3 loại thiết bị - các hệ thống sóng âm kỹ thuật số, các hệ thống chiến đấu hợp nhất và các hệ thống phụ kiện (kính tiềm vọng, viễn vọng…) – mà hòn đảo này không thể sản xuất mà cần dựa vào công nghệ của Mỹ.
Dự án chế tạo tàu ngầm trong nước được chính quyền Đài Loan đưa ra vào năm 2016 nhằm thay thế cho hạm đội đang xuống cấp gồm 4 chiếc, bằng một hạm đội mới gồm 8 chiếc chạy bằng động cơ điện-diesel. Phiên bản gốc đẩu tiên dự kiến tiêu tốn 49,4 tỉ Đài tệ (1,7 tỉ USD) và khởi động vào tháng 7/2024 trước khi được vào biên chế quân đội trong năm tiếp theo.
Công việc thiết kế nguyên bản tàu ngầm bắt đầu tại xưởng đóng tàu của Tập đoàn CSBC ở Kaohsiung, trong tháng 11.
Việc Mỹ phê duyệt xuất khẩu 3 trang thiết bị quan trọng xuất hiện ngay trước vòng họp giữa giới chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc, tổ chức trong hôm 18/3 tới.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc trong cuộc họp ở Alaska. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jae Sullivan sẽ tham dự cuộc họp này, và cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc họp diễn ran gay sau chuyến công du đầu tiên của ông Blinken tới Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh của Mỹ.
Một nguồn tin quân sự cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump trước kia đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu các hệ thống sóng âm kỹ thuật số và hệ thống chiến đấu hợp nhất trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021, trong khi chính quyền Biden duyệt giấy phép xuất khẩu hệ thống phụ kiện cho Đài Loan vào tháng trước.
Ông Chiu từ chối bình luận về việc, liệu đợt ký duyệt này có phải tín hiệu cho thấy quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Đài Loan hay không, hoặc liệu ông Joe Biden có cùng quan điểm với ông Donald Trump về cam kết bảo vệ Đài Loan hay không.
Washington trước đây từng rất thận trọng về việc cung cấp công nghệ quân sự tinh vi cho Đài Loan vì lo sợ bị Bắc Kinh nắm được. Nhưng trước khi Tổng thống Trump rời Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay, ông đã phê duyệt các thương vụ vũ khí trị giá hơn 18 tỉ USD cho Đài Loan, trong đó bao gồm nhiều trang thiết bị tinh vi.
Chieh Chung – Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế và chiến lược tại ĐH Tamkang ở Đài Bắc – nói rằng dự án tàu ngầm của Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
“Chính quyền Trump đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu 2 loại trang thiết bị quan trọng trước khi ông hết nhiệm kỳ, và 2 bên đã có sự đồng thuận về việc để cho chính quyền Biden hoàn thành nốt quy trình phê duyệt trang thiết bị cuối cùng” – ông Chieh nói.
Ông nói, dù là ông Trump hay ông Biden nắm quyền thì Mỹ cũng coi Trung Quốc như bên cạnh tranh chủ yếu và từng yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là các đồng minh gần Trung Quốc, tăng cường sức mạnh phòng thủ để giảm bớt gánh nặng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Đó là lý do tại sao Mỹ sẵn sàng cung cấp những công nghệ quan trọng này để hỗ trợ dự án tàu ngầm của Đài Loan” – ông Chieh nói.