Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia, đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã được triệu tập để “giải thích và lắng nghe yêu cầu" từ phía Kuala Lumpur, sau khi 2 tàu hải cảnh Trung Quốc được nhìn thấy thả neo và hộ tống khoảng 100 tàu cá gần cụm bãi cạn Luconia hồi tuần trước.
Tổng Giám đốc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) Ahmad Puzi Abdul Kahar ngày 29-3, xác nhận các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (EEZ) liên tục từ ngày 24 đến 27-3 với khoảng từ 40-100 tàu. Phạm vi hoạt động của nhóm tàu trải rộng trên khu vực 1.931 km vuông.
3 tàu tuần tra của MMEA phát hiện 1 tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo hộ tống, trong khi 1 tàu hải cảnh khác thả neo gần cụm bãi cạn Luconia (Malaysia gọi là Beting Patinggi Ali – cách thị trấn Miri, bang Sarawak khoảng 84 hải lý).
Bắc Kinh không có phản hồi rõ ràng về vụ việc này.
Cũng trong ngày 31-3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên án những lời suy đoán của một số quan chức Mỹ về việc Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông nếu bị ra phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận một khu vực ADIZ như vậy, đồng thời xem đó là một động thái gây bất ổn của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngang ngược cho rằng bất kỳ một nhà nước có chủ quyền nào cũng đều có quyền thiết lập vùng nhận dạng ADIZ, ngay cả khi đó là ở biển Đông.
Ông Dương còn nhấn mạnh: “Không cần các nước khác khoa chân múa tay về việc Trung Quốc lập ADIZ tại biển Đông”, nếu có. Đồng thời, vị này mỉa mai thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines trong tháng này là “đại diện cho suy nghĩ Chiến tranh Lạnh lỗi thời”.
Trong quá khứ, Bắc Kinh từng bị Tokyo và Washington lên án mạnh mẽ sau khi thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo Straits Times, NLĐ