Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ thử nghiệm thành công dùng UAV tiếp dầu cho máy bay có người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay không người lái MQ-25A của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử thử nghiệm thành công tiếp dầu trên không cho máy bay có người lái; các chuyên gia chỉ ra rằng việc này tuy không khó nhưng có ý nghĩa rất lớn
Chiếc UAV MQ-25A đang thực hiện tiếp dầu trên không cho chiếc FA/18F (Ảnh: Boeing).
Chiếc UAV MQ-25A đang thực hiện tiếp dầu trên không cho chiếc FA/18F (Ảnh: Boeing).

Bộ Tư lệnh Không quân của Hải quân Mỹ (Naval Air Systems Command) và Công ty Boeing ngày 7/6 đã ra thông báo chung rằng, chiều ngày 4/6, nguyên mẫu T-1 của máy bay tiếp dầu không người lái cất hạ cánh trên tàu sân bay MQ-25A "Stingray" đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm tiếp nhiên liệu trên không cho một máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên tàu sân bay F/A-18F "Super Hornet".

Trang web chính thức của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ USNI News đã đăng tải một bản tin có tiêu đề "Video: Máy bay vận tải nhiên liệu không người lái MQ-25A đã hoàn thành thành công cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu trên không đầu tiên trong lịch sử", nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới một phương tiện bay không người lái đã thực hiện tiếp nhiên liệu trên không cho một máy bay có người lái.

Toàn cảnh vụ thử nghiệm tiếp dầu trên không (Video: USNI News)

Chiếc MQ-25A cất cánh từ sân bay Masquata, bang Illinois. Trong quá trình thực hiện chuyến bay, chiếc máy bay chiến đấu F/A-18F "Super Hornet" đã tiếp cận chiếc máy bay không người lái chở dầu MQ-25 của Boeing để thực hiện vụ tiếp nhiên liệu trên không.

Trong suốt chuyến bay thử nghiệm kéo dài 4 giờ này, chiếc chiếc máy bay chiến đấu F/A-18F đã thử nghiệm nhiều lần tiếp cận máy bay không người lái để nhận tiếp dầu.

Được biết, vào năm 2018 hãng Boeing đã đánh bại các đối thủ là General Atomics và Lockheed Martin để giành được hợp đồng nghiên cứu sản xuất "máy bay tiếp dầu không người lái" trị giá 805 triệu USD với nhiệm vụ phát triển 4 chiếc "Stingrays". Sau đó, vào năm 2020, Hải quân Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 84,7 triệu USD với Công ty Boeing để mua thêm ba máy bay nữa. Hải quân Mỹ hiện có kế hoạch chi 1,3 tỷ USD để mua 76 máy bay không người lái MQ-25A.

UAV MQ-25A "Stingray" (Ảnh: Boeing).

UAV MQ-25A "Stingray" (Ảnh: Boeing).

Bản mẫu T-1 của MQ-25A ban đầu được hoàn thành chế tạo vào năm 2014 và được Boeing sử dụng để đấu thầu cho dự án "Máy bay không người lái cất hạ cánh trên hạm tấn công và giám sát trên không" (UCLASS). Mục đích của việc phát triển dự án UCLASS của Hải quân Mỹ là sử dụng một máy bay tấn công không người lái tàng hình với tầm bay rất xa để cho phép nhóm tác chiến tàu sân bay thực hiện các cuộc tấn công từ bên ngoài phạm vi tấn công của tên lửa chống hạm của Trung Quốc; tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị hủy bỏ.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc ngày 8/6 dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc không muốn nêu tên cho rằng, công nghệ của vụ tiếp nhiên liệu trên không này không khó, nhưng lại có ý nghĩa trọng đại, lần đầu tiên trong lịch sử có máy bay không người lái thực hiện tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay có người lái. Điều này chứng minh tính hiệu quả của khái niệm máy bay tiếp dầu không người lái và đặt nền tảng cho việc thực hiện suôn sẻ dự án này; trong tương lai, nó sẽ giúp gia tăng mạnh mẽ bán kính tác chiến và khả năng huy động của máy bay cất hạ cảnh trên tàu sân bay.

Boeing giới thiệu về UAV tiếp dầu MQ-25A (Ảnh: Boeing).

Boeing giới thiệu về UAV tiếp dầu MQ-25A (Ảnh: Boeing).

Theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, chiếc MQ-25A có thể cung cấp khoảng 6,8 tấn nhiên liệu cho chiếc máy bay chiến đấu F/A-18F "Super Hornet" ở khoảng cách 926 km tính từ tàu sân bay, tương đương với một chiếc MQ-25 tiếp nhiên liệu cho hai máy bay chiến đấu F-35C ở khoảng cách 1.850 km tính từ tàu sân bay. Điều này sẽ giúp mở rộng đáng kể bán kính chiến đấu của máy bay chiến đấu tàng hình tối tân cất hạ cánh trên hạm F-35C.

Ngoài ra, loại máy bay không người lái MQ-25A còn có khả năng đa nhiệm. Hải quân Mỹ yêu cầu máy bay phải được trang bị tháp cảm biến, trong tương lai nó có thể được lắp đặt radar giám sát mặt đất để cung cấp khả năng tình báo, giám sát và trinh sát nhất định.

Liệu Trung Quốc có cần một loại máy bay không người lái tiếp dầu trên không giống như MQ-25A của Mỹ? Chuyên gia quân sự Trung Quốc này cho rằng, có thể nói loại MQ-25A được nghiên cứu phát triển theo điều kiện quốc gia của Mỹ và ở mức độ lớn là nhằm vào Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu F/A-18F "Super Hornet" cất, hạ cánh trên tàu sân bay (Ảnh: US Navy).

Máy bay chiến đấu F/A-18F "Super Hornet" cất, hạ cánh trên tàu sân bay (Ảnh: US Navy).

Hải quân Mỹ có kế hoạch sử dụng máy bay tiếp dầu trên không MQ-25A "Stingray" để gia tăng đáng kể bán kính chiến đấu của các máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên tàu sân bay hiện có và giảm thiểu rủi ro của chính tàu sân bay. Mặc dù cách tiếp cận này không giúp cho tàu sân bay Mỹ hoàn toàn thoát khỏi tầm tấn công của tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đã phát triển thêm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa "Dongfeng-26" ngoài loại "Dongfeng-21D". Nhưng kiểu tư duy tác chiến này có thể giúp cải thiện một mức độ nhất định an toàn của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Mặt khác, MQ-25A cũng sẽ “giải phóng” cho các máy bay chiến đấu dòng F/A-18 hiện có. Hiện 1/3 số phi vụ của tiêm kích dòng F/A-18 được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các máy bay khác. Kiểu tiếp nhiên liệu này đôi khi không hoàn toàn nhằm mục đích gia tăng bán kính chiến đấu, mà là cần thiết cho việc thu hồi máy bay và kéo dài thời gian hoạt động trên không của các máy bay khác.

Ví dụ, do điều kiện thời tiết hoặc do yếu tố con người, tàu sân bay không thể thu hồi máy bay trong một khoảng thời gian ngắn, khi đó cần phải tiếp nhiên liệu cho các máy bay sắp hết nhiên liệu trên không. Các máy bay F/A-18 phải thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ như vậy, điều này làm giảm số lượng máy bay tham gia nhiệm vụ chiến đấu.

Vị chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, theo quan điểm này, việc Trung Quốc phát triển một loại máy bay không người lái tàng hình, đa chức năng và thậm chí có khả năng tấn công đương nhiên là điều tốt; tuy nhiên, mấu chốt nằm ở việc sử dụng loại máy bay này trong quá trình phát triển trang thiết bị hải quân có chiếm vị trí quan trọng hay không. Điều này cũng có nghĩa là, Trung Quốc còn có những ưu tiên khác quan trọng hơn việc nghiên cứu phát triển máy bay không người lái tiếp dầu trên không.