Kiến nghị trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn cho nhóm ngân hàng “Big 4”

VietTimes -- Theo khảo sát tình hình hoạt động “nhóm” Big 4 của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân theo chuẩn mực vốn Basel I hiện nay ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).
Nhóm "Big 4" đang có nhu cầu tăng vốn rất lớn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Nhóm "Big 4" đang có nhu cầu tăng vốn rất lớn (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Nhu cầu tăng vốn của nhóm “Big 4”

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nhóm các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối là: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank vẫn chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II dù đã áp dụng nhiều biện pháp.

Lấy ví dụ về trường hợp của VietinBank, hiệp hội cho biết nhu cầu tăng vốn điều lệ của ngân hàng này là đặc biệt cấp bách.

Cụ thể, từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước. Chính vì vậy, năm 2018, VietinBank chỉ tăng trưởng tín dụng được 6% (mức tăng trưởng thấp nhất đối với VietinBank trong hơn 10 năm trở lại đây).

Kể từ đầu năm 2019 tới nay, thậm chí VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và nguồn thu Ngân sách nhà nước.

Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khảo sát tình hình hoạt động của nhóm “Big 4” cho thấy, hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của bốn ngân hàng thương mại nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước (13%).

“Nếu các ngân hàng này không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động. Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước không chỉ dựa vào sự cố gắng tự thân mà rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc thực hiện phương án nâng vốn điều lệ mà các ngân hàng đã xây dựng” - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.

Nắm bắt được vấn đề này, từ đầu năm đến nay, hiệp hội đã có nhiều văn bản báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết, khẩn trương này. Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều cuộc họp để xem xét, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Đề xuất cũ

Hiệp hội ngân hàng cho biết sự đóng góp của các ngân hàng lớn này đối với nền kinh tế là rất quan trọng. Hiện bốn ngân hàng đang có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng.

Với sứ mệnh đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước, những năm qua, mặc dù không được Nhà nước cấp bổ sung vốn nhưng các ngân hàng vẫn cố gắng mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; các ngân hàng luôn phát huy tốt vai trò chủ lực và trụ cột, đi tiên phong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho Ngân sách nhà nước.

Do đó, việc các ngân hàng thương mại nhà nước chậm tăng vốn điều lệ sẽ có thể ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thậm chí có ngân hàng phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế.

Để đáp ứng được chủ trương và mục tiêu Chính phủ đề ra, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước giúp bốn ngân hàng này được tăng vốn điều lệ kịp thời.

Nhà nước đảm bảo vai trò chi phối, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các ngân hàng này là công cụ đắc lực để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách về lâu dài, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống các tổ chức tín dụng...

“Trước mắt các ngân hàng thương mại nhà nước mong Nhà nước cho phép được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay” - Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đề xuất giải pháp giải quyết nhu cầu vốn đang trở nên cấp bách.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra hồi đầu năm, người đứng đầu của các nhà băng quốc doanh đều nhắc tới việc tăng vốn và bày tỏ mong muốn được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nhưng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt của các ngân hàng này còn phụ thuộc vào Bộ Tài chính và nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước.

Được biết, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội ngân hàng Việt Nam hiện nay là ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV../.

Một số mục tiêu về quy mô vốn cho nhóm "Big 4" ngân hàng:

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết

Còn trong Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã yêu cầu: đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.

Trong thời gian qua, tuy đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp, nhưng các ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối là: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank  vẫn chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II.