Khám phá tổ hợp chống tăng tự hành "Shturm-S" uy lực siêu mạnh của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo trang mạng Trung Quốc NetEasy, mới đây chỉ một tổ hợp chống tăng tự hành "Shturm-S" của quân đội Nga đã loại bỏ cả một đoàn xe Ukraine gồm xe tải và xe bọc thép được xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 yểm trợ.
Tổ hợp xe diệt tăng "Shturm-S" phóng tên lửa (Ảnh: NetEasy).
Tổ hợp xe diệt tăng "Shturm-S" phóng tên lửa (Ảnh: NetEasy).

Qua vụ việc này có thể thấy tổ hợp tên lửa diệt tăng tự hành "Shturm-S" có hiệu quả chiến đấu rất mạnh. Xe diệt tăng được trang bị tên lửa chống tăng hiện được coi là một phương tiện hiệu quả để tấn công các phương tiện bọc thép của đối phương và có thể tấn công chính xác các mục tiêu nằm ngoài tầm bắn của pháo trên xe tăng.

Tổ hợp sử dụng khung gầm xe bọc thép bánh xích MT-LB có khả năng lội nước (Ảnh: NetEasy).

Tổ hợp sử dụng khung gầm xe bọc thép bánh xích MT-LB có khả năng lội nước (Ảnh: NetEasy).

Với đặc tính cơ động cao, chúng có thể bất ngờ xuất hiện trên chiến trường, phóng tên lửa rồi nhanh chóng cơ động di chuyển. Ngoài ra, chúng cũng có thể phục kích đoàn tăng-thiết giáp của đối phương như những thợ săn lão luyện. Gần đây trên mạng truyền thông lan truyền thông tin một tổ hợp (xe) 9P149 "Shturm-S" của quân đội Nga loại khỏi vòng chiến đấu cả một đoàn xe quân sự của Ukraine gây xôn xao dư luận…

Sơ đồ thiết kế của tổ hợp chống tăng tự hành "Shturm-S" (Ảnh: NetEasy).

Sơ đồ thiết kế của tổ hợp chống tăng tự hành "Shturm-S" (Ảnh: NetEasy).

Xe tên lửa chống tăng 9P149 "Shturm-S" không có lớp giáp dày nhưng tên lửa mà nó phóng ra không chỉ có thể tiêu diệt hiệu quả xe tăng chiến đấu chủ lực mà còn có thể tấn công các công sự dã chiến, thậm chí có khả năng bắn hạ máy bay trực thăng.

"Shturm-S" sử dụng khung gầm xe bọc thép bánh xích MT-LB, tổng trọng lượng chiến đấu 12,3 tấn, trang bị động cơ diesel 8 xi-lanh YaMZ-238V công suất 260 mã lực. Kíp xe gồm có hai người và xe có khả năng bơi trên mặt nước.

Tổ hợp xe diệt tăng tự hành nhìn từ phía sau (Ảnh: NetEasy).

Tổ hợp xe diệt tăng tự hành nhìn từ phía sau (Ảnh: NetEasy).

Thực ra không phải đến khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay người ta mới biết đến loại trang bị quân sự này. "Shturm-S" đã bắt đầu được trang bị cho quân đội Liên Xô từ năm 1979, khi xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới Leopard-2 của NATO vừa được đưa vào biên chế. "Shturm-S" có tầm bắn tối thiểu 400 mét và tầm bắn tối đa 5.000 mét.

Năm 2014, quân đội Nga bắt đầu đưa vào sử dụng tổ hợp "Shturm-SM" cải tiến, được trang bị hệ thống ngắm bắn mục tiêu tiên tiến hơn, có thể tác chiến cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện thời tiết xấu nhờ được tích hợp thiết bị ngắm bằng hình ảnh nhiệt.

Tổ hợp Shturm-SM được trang bị hệ thống ngắm bắn tiên tiến (Ảnh: NetEasy)

Tổ hợp Shturm-SM được trang bị hệ thống ngắm bắn tiên tiến (Ảnh: NetEasy)

"Shturm-S" và "Shturm-SM" đều sử dụng hệ thống tên lửa dẫn đường bằng vô tuyến. Sau khi tên lửa được phóng đi, bộ phát tia hồng ngoại ở đuôi tên lửa bắt đầu hoạt động và hệ thống dẫn đường trên xe sẽ phát lệnh dẫn đường cho tên lửa theo tín hiệu này.

Căn cứ vào tín hiệu hồng ngoại từ đuôi tên lửa và vị trí tương đối của mục tiêu trong phạm vi, hệ thống dẫn đường gắn trên xe sẽ tự động ra lệnh điều chỉnh hướng bay của tên lửa.

Ống phóng và hai loại tên lửa của tổ hợp (Ảnh: NetEasy).

Ống phóng và hai loại tên lửa của tổ hợp (Ảnh: NetEasy).

Tổ hợp xe diệt tăng "Shturm-S" có bộ nạp đạn tự động quay với 12 tên lửa cố định trên đó. Sau khi người điều khiển phát lệnh, máy nạp đạn tự động sẽ chọn loại tên lửa và cố định nó trên bệ phóng, chờ hiệu lệnh phóng.

Thời kỳ đầu, "Shturm-S" được trang bị tên lửa chống tăng 9M114 "Cocoon". Đầu nổ xuyên giáp rỗng của tên lửa này có thể xuyên giáp thép đồng chất dày 650mm, đủ sức phá hủy các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như Leopard 2 (Đức), "Challenger" (Anh) và "Abrams" (Mỹ) thế hệ đầu.

Sau đó, trên cơ sở tên lửa chống tăng 9M114, tên lửa chống tăng 9M120 "Assault" đã được Nga phát triển thành công, loại tên lửa này cũng sử dụng hệ thống dẫn đường vô tuyến tương tự. Tuy nhiên, tên lửa 9M120M có thể xuyên giáp thép đồng chất dày 1000mm; nếu xe được trang bị vỏ giáp phản ứng nổ, nó cũng có thể xuyên thủng lớp giáp thép dày 950mm. Tính năng như vậy đủ để tiêu diệt bất kỳ loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nào.

Kíp vận hành tổ hợp đưa tên lửa lên xe (Ảnh: NetEasy).

Kíp vận hành tổ hợp đưa tên lửa lên xe (Ảnh: NetEasy).

Đồng thời, do đây là loại tên lửa có vận tốc siêu thanh nên không có hệ thống phòng thủ chủ động nào đang hoạt động có thể đánh chặn nó một cách hiệu quả. Tầm bắn tối đa của loạt tên lửa chống tăng 9M120 đã được tăng lên 8.000 mét.

Ngoài đầu nổ xuyên giáp rỗng, 9M120 còn được trang bị đầu đạn có sức nổ mạnh và đầu đạn nhiên liệu-không khí (nhiệt áp) được thiết kế để phá hủy các công sự và sát thương.

Tên lửa “Cocoon” và “Assault” cũng có thể được phóng bằng máy bay trực thăng và đã chứng minh tính năng, hiệu quả trong chiến đấu thực tế. Trong Chiến tranh Iran-Iraq, trực thăng võ trang Mi-24 "Hind" của quân đội Iraq từng phóng tên lửa chống tăng 9M114 "Cocoon" và bắn hạ thành công 1 máy bay chiến đấu F-4 "Phantom II" của Không quân Iran.

Xe chiến đấu BMPT “Терминатор” (Kẻ hủy diệt) của Quân đội Nga cũng được trang bị 4 ống phóng tên lửa chống tăng 9M120 "Assault"(Ảnh: NetEasy).

Xe chiến đấu BMPT “Терминатор” (Kẻ hủy diệt) của Quân đội Nga cũng được trang bị 4 ống phóng tên lửa chống tăng 9M120 "Assault"(Ảnh: NetEasy).

Xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng BMPT “Терминатор” (Kẻ hủy diệt) của Quân đội Nga mới được đưa vào trang bị cũng được trang bị tên lửa chống tăng "Assault". Ở hai bên tháp pháo của "Kẻ hủy diệt" được lắp đặt 4 ống phóng tên lửa "Assault". Có thể thấy, dòng tên lửa "Assault" đã trở thành một trong những loại vũ khí chống tăng được trang bị rộng rãi nhất trong quân đội Nga.

Hiện nay, quân đội Nga đang được trang bị hơn 800 tổ hợp chống tăng tự hành "Shturm-S" và "Shturm-SM". Đây là loại vũ khí chống tăng rất lợi hại, cho dù xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương có trang bị hệ thống phòng vệ chủ động cũng sẽ bị tên lửa mà nó bắn ra tiêu diệt. Ngoài ra, quân đội Nga còn được trang bị các tổ hợp phóng tên lửa chống tăng "Chrysanthemum-S" và "Cornet-D1" tiên tiến hơn.