Hàn Quốc tìm thị trường ngách cho đối thủ tiềm năng của J-20 "Mãnh Long" Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàn Quốc đang tích cực tìm thị trường ngách cho mẫu chiến đấu cơ bán tàng hình của họ, được xem là có hiệu quả về chi phí nếu so với chiến đấu cơ của Trung Quốc - theo giới phân tích.
Nguyên bản của KF-21 tại trụ sở của hãng Korea Aerospace Industries ở Sacheon, Hàn Quốc trong tháng 7 (Ảnh: Yonhap)
Nguyên bản của KF-21 tại trụ sở của hãng Korea Aerospace Industries ở Sacheon, Hàn Quốc trong tháng 7 (Ảnh: Yonhap)

Mẫu chiến đấu cơ KF-21 Boramae được đánh giá là hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với các mẫu J-10CE và FC-31 của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, theo nhận định của các nhà quan sát.

Trong diễn biến mới nhất liên quan tới KF-21, Hàn Quốc hiện đang tìm cách sản xuất hàng loạt mẫu chiến đấu cơ này vào năm 2026, trong đó lực lượng không quân của họ sẽ mua 40 chiếc. Đến năm 2026, chiến đấu cơ này sẽ được phát triển để tăng cường sức chiến đấu không-đối-không.

Các nhà quan sát Trung Quốc trước đó nói rằng, mẫu chiến đấu cơ mới này còn lâu mới có thể so sánh với các chiến đấu cơ thế hệ 5 của họ như Chengdu J-20, nhưng nhấn mạnh rằng nếu được triển khai với số lượng lớn, KF-21 vẫn có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trên không của khu vực.

KF-21 Boramae sẽ được trang bị tên lửa không-đối-không (Ảnh: DPA)

KF-21 Boramae sẽ được trang bị tên lửa không-đối-không (Ảnh: DPA)

Được chế tạo bởi hãng Korea Aerospace Industries (KAI), KF-21 mất 6 năm rưỡi để phát triển và đã có chuyến bay đầu tiên trong tháng trước, sau khi vấp phải một số chỉ trích ban đầu về mức chi phí khổng lồ rót cho dự án lên tới 8,8 nghìn tỉ won (6,7 tỉ USD).

Không quân Hàn Quốc có kế hoạch triển khai 120 chiếc KF-2, mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4,5, vào năm 2032 để thay thế cho phi đội cũ kỹ gồm những chiếc F-4 và F-5, cũng như các chiến đấu cơ thế hệ 4 bao gồm F-16 và F-15K.

“Trong khi tiến gần hơn tới thành công trong phát triển mẫu chiến đấu cơ trong nước, điều này mang ý nghĩa một bước nhảy vọt trong công nghệ hàng không nội địa và là sự trỗi dậy của một quân đội công nghệ cao hùng mạnh,” Cơ quan Chương trình Mua sắm Bộ Quốc phòng (DAPA) nói về chuyến bay đầu tiên của KF-21 trong tháng trước.

Không quân Hàn Quốc dự định mua thêm 80 chiếc KF-21 vào năm 2023 sau khi mẫu máy bay này có được khả năng chiến đấu không-đối-đất và chống hạm vào năm 2028.

“KF-21 rất có khả năng sẽ trỗi dậy như một mẫu cạnh tranh với J-10 và FC-31 của Trung Quốc ở thị trường các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi,” Lee Il-woo, chuyên gia phân tích quốc phòng đến từ hãng Korea Defense Network, nhận định.

Với giá mỗi chiếc KF-21 dao động ở mức 80 triệu – 100 triệu USD, nó được cho là có sức cạnh tranh về giá và có thể tìm được nhiều khách hàng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông, theo ông Lee.

KF-21 có thể trở thành đối thủ tiềm năng của chiến đấu cơ tàng hình J-20 (trong ảnh) của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

KF-21 có thể trở thành đối thủ tiềm năng của chiến đấu cơ tàng hình J-20 (trong ảnh) của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Khi được trang bị tên lửa không-đối-không Meteor của châu Âu và hệ thống radar tự sản xuất trong nước, KF-21 thậm chí có thể sánh ngang với chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc xét về sức chiến đấu, theo Yang Uk, chuyên gia phân tích quốc phòng đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan.

Mẫu chiến đấu cơ này sẽ được trang bị các tên lửa Meteor được sản xuất bởi hãng MBDA của châu Âu.

Ngoài KF-21, Hàn Quốc cũng đang vận hành 40 chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất và sẽ mua thêm 20 chiếc F-35 nữa trong giai đoạn 2023-2028.

“Không quân Hàn Quốc sẽ trở thành một lực lượng hùng hậu trong khu vực, không chỉ để đối phó với Triều Tiên mà cả Trung Quốc,” ông Yang nói.

Quá trình xây dựng sức mạnh quốc phòng của Hàn Quốc được thúc đẩy nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng của họ dự kiến sẽ vượt qua con số 10 tỉ USD trong năm 2022, gần gấp 3 lần so với mức trung bình của các năm từ 2010-2020.

Năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã vượt qua nhập khẩu lần đầu tiên trong lịch sử.

Hệ thống pháo K9 trong một cuộc tập trận ở Paju, Hàn Quốc (Ảnh: Xinhua)

Hệ thống pháo K9 trong một cuộc tập trận ở Paju, Hàn Quốc (Ảnh: Xinhua)

Một tín hiệu khác cho thấy sự hiện diện của Hàn Quốc ngày càng rõ nét hơn trên thị trường quốc phòng toàn cầu, trong tháng trước Seoul đã ký thỏa thuận bán vũ khí với Ba Lan, giá trị có thể lên tới 15 tỉ USD. Một số hợp đồng lớn khác bao gồm 48 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50, 980 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và 648 pháo tự hành K9.

Theo SCMP